Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7)

Quốc Phong Thứ năm, ngày 17/08/2023 08:41 AM (GMT+7)
Trong giai đoạn đấu tranh, truy bắt băng nhóm tội phạm Năm Cam, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc – nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát coi báo chí như một kênh quan trọng để "phối hợp tác chiến" và vượt qua những trở ngại, đụng chạm ở thời điểm đó.
Bình luận 0

Vị tướng vì đồng đội

Tướng Quốc và tôi vốn biết nhau khi chúng tôi cùng nhập học một lớp dài hạn tại Trường Ðảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc vào năm 1988 (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Tôi có nhiều kỷ niệm cả trong đời thường lẫn tác nghiệp báo chí với vị tướng đã trải qua nhiều trọng trách quan trọng của ngành Công an, như: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an (1993-1995), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (năm 1996), Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (1997-2004).

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, Trương Hữu Quốc đã sớm giác ngộ cách mạng ngay từ khi mới tuổi 15 niên thiếu. Ông đã cùng gia đình nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà và tham gia làm nhiệm vụ liên lạc.

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc khi còn công tác. Ảnh T.L

Năm 20 tuổi, khi đang hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, người thanh niên Trương Hữu Quốc bị địch bắt và giam giữ trong nhà lao Quảng Trị. Đầu tiên, chúng ra sức dụ dỗ thuyết phục, lôi kéo để lấy lời khai từ Trương Hữu Quốc. Mua chuộc không nổi, chúng bắt đầu trói chặt rồi treo ngược lên trần nhà. Sau khi dùng roi điện tra tấn không được, chúng lại đổ nước ớt, xà phòng vào mũi, họng… Tuy nhiên, Trương Hữu Quốc vẫn không hề khai báo điều gì, buộc quân địch phải trả tự do.

Trở về từ nhà lao của địch, Trương Hữu Quốc tiếp tục tham gia lãnh đạo học sinh địa phương rồi tham gia hoạt động tại ban An ninh huyện Hải Lăng và chính thức thoát ly gia đình.

Chỉ trong hơn 2 năm (1965 –1967), Trương Hữu Quốc đã xây dựng được mạng lưới cơ sở bí mật, thu được nhiều thông tin để bảo vệ cơ sở lực lượng ta và phục vụ lực lượng quân sự tỉnh đánh địch.

Ngoài ra, ông còn trực tiếp tham gia cùng lực lượng quân sự đánh đồn Tân Lệ, diệt 113 tên và bắt sống 4 tên; tham gia tiến công vào căn cứ La Vang và thị xã Quảng Trị giành thắng lợi lớn, giải phóng nhà lao Quảng Trị, đưa 260 cán bộ, bộ đội ta bị giam cầm ra vùng giải phóng an toàn...

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ thăm Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (trái). Ảnh Báo CAND

Tháng 7/1967, khi được điều động về Ban An ninh thị xã Quảng Trị, ông đã xây dựng được chi bộ tại thị xã, tổ chức quần chúng trong thị xã phối hợp với các địa phương khác biểu tình chống Mỹ - Ngụy, cùng với các đồng đội hoạt động có hiệu quả, diệt nhiều ác ôn, đánh vào các cứ điểm trong thị xã và phục vụ cho các Chiến dịch mùa Xuân 1972 và 1975 giải phóng đất nước.

Ông cũng tham gia chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trong đơn vị tổ chức nhiều trận đánh, thọc sâu, diệt ác ôn, phục vụ yêu cầu vũ trang, chính trị tại đơn vị và địa bàn thị xã Quảng Trị…

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 3.

Thiếu tướng Trương Hữu Quốc (phải) và tác giả. Ảnh V.C

Trương Hữu Quốc được cử ra Bắc học tại trường sĩ quan An ninh (C500) ngay sau ngày đất nước thống nhất, sau đó trở về làm Trưởng Công an huyện Triệu Hải vào tháng 7/1977. Ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy Công an tỉnh Bình Trị Thiên năm 1984 và Giám đốc Công an Quảng Trị năm 1989.

Trong quá trình hoạt động, ông luôn gương mẫu, được đồng đội và nhân dân tin tưởng, yêu mến. Ông là tấm gương để cán bộ chiến sĩ bám trụ chiến trường đầy khốc liệt, chiến đấu kiên cường. Ðơn vị An ninh thị xã Quảng Hà (sau là thị xã Quảng Trị và thị xã Ðông Hà, tỉnh Quảng Trị) do ông phụ trách và nhiều đồng đội khác do ông chỉ huy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến.

Tôi nhớ có lần vô tình nhìn thấy ông Trương Hữu Quốc ngồi xác nhận cho một thuộc cấp hoàn thiện hồ sơ để chuyển lên trên xem xét truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho một đồng đội ở Quảng Trị đã hy sinh.

Tôi hỏi ông, tại sao đơn vị ông từng công tác có rất nhiều đồng chí, đồng đội được phong tặng, truy tặng danh hiệu này mà ông vẫn chưa được?

Ông bảo: "Vì còn có rất nhiều người xứng đáng hơn. Họ đã hy sinh, chịu nhiều mất mát mà chưa được tưởng thưởng, thiệt thòi lắm em à! Còn mình, mình là chỉ huy, được sống đến bây giờ đã là may rồi".

Hơn nữa, ông cũng thật tình rằng, xin đề nghị cho bản thân mình cũng ngại dù đơn vị cũ cũng có vài lần anh em gợi ý ông làm hồ sơ.

Phải đến lúc ông về hưu, vào năm 2011, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc mới nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 3.

Năm Cam (áo trắng) và Dung Hà - người đứng thứ hai từ trái sang là 2 trùm giang hồ khét tiếng một thời. Ảnh T.L

"Đụng chạm" khi đánh án Năm Cam

Tác giả bài viết này có khá nhiều kỷ niệm trong cuộc sống đời thường cũng như trong đời làm báo của mình với Tướng Quốc.

Tôi được ông giúp đỡ trong việc trao đổi thông tin để cùng nhau góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là trong vụ án Năm Cam. Song, không chỉ riêng tôi, với anh em báo chí, ông cũng luôn cởi mở sẵn sàng chia sẻ chỉ vì mục đích tối thượng: Đánh án thành công.

Tôi nhớ, Thiếu tướng Trương Hữu Quốc có lần tâm sự với anh em báo chí rằng, nhờ có giai đoạn ông làm Phó Tổng cục trưởng rồi Tổng cục trưởng Cảnh sát, ông đã có dịp được đi nhiều nước trên thế giới. Qua đó, ông có điều kiện nghiên cứu, tìm ra phương pháp tốt nhất để chống tiêu cực trong ngành cảnh sát một cách hiệu quả và nâng cao bản lĩnh chính trị, tu dưỡng đạo đức, rèn luyện trình độ kiến thức chuyên môn, năng lực nghiệp vụ cho cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng...

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 4.

Trùm xã hội đen Năm Cam tại phiên tòa. Ảnh T.L

Hồi ông là Ðại tá, Tổng cục trưởng, chỉ huy hàng chục cục trong tay, mấy vị cấp phó và cả cấp Cục trưởng lại đeo quân hàm Tướng, có thể thấy gián tiếp một điều, ông rất được trên tin cậy. Ngày xưa, được phong Tướng rất khó vì thành tích của các vị chỉ huy cũng như trọng trách của họ cũng thật to lớn.

Chắc ông cũng thấy buồn là bây giờ, sau hai chục năm ông đã rời xa ngành Công an mà cả đời ông gắn bó, có những chuyện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ sỹ quan thuộc lực lượng CAND. Phải chăng là do thiếu sự tu dưỡng liên tục và thiếu thử thách qua lò lửa của cuộc chiến tranh bền bỉ? Chứ xưa, thế hệ các ông đâu có như vậy!

Song, khi gặp tôi mới đây, ông lại có vẻ mừng là bởi hiện tại, lực lượng phòng chống tội phạm trong ngành Công an đang được sự ủng hộ triệt để từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, cho đến Ban Chấp hành Trung ương trong cuộc chiến đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực. Vì vậy trong xã hội đã không còn vùng cấm. Nhờ thế, lực lượng Công an cũng dễ làm hơn cái thời của một thế hệ chỉ huy như ông, khi đã từng gặp đầy những khó khăn nếu "đụng chạm" mỗi khi đánh án(?).

Nhắc đến "đụng chạm" khi đánh án, tôi nhớ lại quãng thời gian năm 2001, khi Tổng cục Cảnh sát do ông làm Tổng cục trưởng và trực tiếp là Cục Cảnh sát Hình sự được giao nhiệm vụ đấu tranh chống băng nhóm xã hội đen Năm Cam và đồng bọn. Ông cùng đồng đội đấu tranh với tội phạm mà thấy thật là gian truân vất vả bởi có những lực cản rất vô hình.

Nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Cảnh sát kể chuyện “đụng chạm” khi đánh án Năm Cam (kỳ 7) - Ảnh 5.

Trùm giang hồ Khánh trắng một thời khét tiếng đất Hà Thành, sau đó đã đền tội với bản án tử hình. Ảnh T.L

Ông phàn nàn bức xúc khi đơn vị đang đánh án Năm Cam, lúc đó có người còn lấy ý rằng, "phải hết sức thận trọng kẻo các thế lực thù địch lợi dụng, rồi làm to chuyện kiểu như Ðông Âu dẫn đến sụp đổ cả một dây chuyền, cả chế độ thông qua diễn biến hòa bình…".

Bữa tối muộn đó, trời mưa rất to. Ông gọi gấp tôi lên nhà riêng của ông trên phố Nghi Tàm và bảo: "Em lên ngay, có việc gấp!".

Lúc gặp ông, khi mặt mũi tôi còn đầy nước mưa chưa kịp lau vì phóng xe máy, ông đã "trút" lên tôi đúng như câu ông bị "đe nẹt" ở trên. Câu nói "từ một ai đó nhắc nhở, cảnh báo ông".

Ông phàn nàn, "đánh bọn tội phạm bảo kê sòng bạc, vũ trường, bọn đâm thuê chém mướn chứ có gì mà phải quan trọng hóa cơ chứ! Em thấy có mệt mỏi cho anh em tụi anh không?".

Thế rồi, trong căn nhà diện tích mặt sàn chưa đầy 40m2, người đứng đầu Tổng cục Cảnh sát cùng tôi trao đổi những thông tin trên mặt báo về vụ án, xem đúng sai ra sao so với thông tin cơ quan chức năng. Ông coi chúng tôi cũng luôn là một kênh quan trọng để phối hợp tác chiến.

Ông dẫn tôi lên buồng ngủ của ông bà ở tầng trên để tiếp tục trao đổi, để có thể đưa ra những nhận xét, rồi bàn cách "gẩy" thông tin sau đó để thăm dò đối tượng đúng với nghiệp vụ cho phép của ngành và quy định pháp luật. Thông tin đến mức nào là "vừa độ" trên mặt báo thì cũng tùy theo mỗi vụ việc...

Cũng trong năm 2001, khi vụ án về trùm xã hội đen Năm Cam và đồng bọn đã "hòm hòm" với gần trăm bị can có dính dáng bị khởi tố, chúng dần dần bị bắt tạm giam, ông Quốc gọi tôi lên phòng làm việc của ông tại phố Hàng Bài, Hà Nội.

Ông bảo: "Mai anh phải đi công tác nước ngoài. Vài ngày nữa anh mới về. Ở nhà, em chỉ đạo phóng viên theo dõi sát những trường hợp này, trường hợp này, vì rất có thể sẽ có lệnh của bên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn lệnh bắt tạm giam".

Ðến khi ông đi công tác trở về, chỉ ngay chiều hôm sau, ông đã gọi tôi lên để hỏi tình hình dư luận đang diễn biến ở nhà ra sao cũng như thông tin thêm tình hình mà ông mới vừa nắm được.

Một chi tiết cũng khiến tôi phải nhớ mãi bữa đó. Lúc chia tay ra về, ông sực nhớ đến thằng con trai khi đó mới 6-7 tuổi của tôi. Ông bảo: "Mày chờ anh, anh gửi cho thằng cu gói kẹo".

Ông mở tủ rồi thế nào đó lại đi tay không ra nói: "Thế mà đã hết bánh kẹo anh mang về rồi,chán thế, chỉ còn thuốc lá. Thôi, anh nhờ em ra bên đường đối diện có cửa hàng bánh kẹo. Em mua cho anh gói kẹo về cho thằng nhỏ, nói bác Quốc gửi".

Loay hoay thế nào, ông lại không có một đồng tiền Việt nào trong ví (sau đó tôi được biết, khi về đến nhà, ông chưa kịp để tiền Việt trở lại trong ví mình mà đã lên ngay cơ quan làm việc). Ông rút ra tờ 20 USD đưa làm tôi cũng hơi lúng túng.

Thế rồi, không hiểu sao tôi lại giật mình."Chết cha!Ngộ nhỡ có ai bất ngờ mà mở cửa phòng ông thì gay".Vì nếu từ xa, có thấy tờ tiền đô la trao đi đổi lại giữa hai người thì nhiều khả năng ông dễ bị hiểu lầm hơn là tôi. Nhất là tờ đô la kia, nếu nhìn từ xa thì tờ 1 đô la cũng như tờ 100 đô la. Khi đó, người nhìn thấy rồi lại loan ra theo hướng tiêu cực, sẽ bất lợi cho ông. Cũng vì thế, tôi vội vàng nhận tờ đô mà không hề đùn đẩy. Tôi nói vui với ông lúc đó: "Em không cầm ngay, nhỡ ai nhìn thấy họ lại tưởng em đến hối lộ anh, anh không ngại à!".

Ông cười phá lên với vẻ mặt thật hồn nhiên: "Ai dám nghĩ như thế mà chú mày cứ suy đoán linh tinh vậy!".

Ðể đi đến cùng và đánh sập một "tập đoàn tội ác" như Năm Cam, đem lại sự bình yên cho nhân dân, nếu các cơ quan pháp luật thiếu đi sự hợp tác của báo chí thì có lẽ rất khó để đi đến những thành công như chúng ta đã thấy. Ðó là một sự thực và đã được kiểm chứng.

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an: "Chúng tôi xác định báo chí có vị trí vô cùng quan trọng, sự phối hợp của các cơ quan báo chí là nguồn động viên rất lớn đối với lực lượng công an nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định báo chí là vũ khí sắc bén, là bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Nghề báo và nghề công an rất gần nhau khi đều phản ánh những hiện thực xã hội".

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, báo chí cũng thực hiện các phóng sự điều tra, hoạt động điều tra.Thông tin trên báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng, đóng hàm lượng nhất định trong hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an.

Trích phát biểu của Bộ trưởng trong dịp gặp gỡ giới báo chí nhân dịp kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và phát động Giải báo chí với chủ đề Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống giai đoạn 2023-2025.

Thế nhưng trong thực tế, thật không hề dễ dàng chút nào khi ngày đó có cả cán bộ cả cấp Uỷ viên Trung ương, cấp Thứ trưởng Bộ Công an cũng vướng vòng lao lý do có liên quan. Vì thế, khi Ban chuyên án quyết định bắt Năm Cam phải rất bí mật.

Sau khi bắt Năm Cam, có ý kiến cấp trên còn muốn đề nghị phải kỷ luật 3 vị trong ban chỉ huy chuyên án (tức các ông Thiếu tướng Trương Hữu Quốc, Trung tướng Nguyễn Việt Thành - Phó Tổng cục trưởng phụ trách phía Nam - Trưởng Ban chuyên án, Thiếu tướng Nguyễn Thế Bình - Cục phó Cục Cảnh sát điều tra) vì "không báo cáo cấp trên khi bắt Năm Cam".

Như chúng ta đã biết, năm 1995 Cơ quan Công an chỉ có thể buộc tội, đưa Năm Cam đi trại cải tạo lao động 2 năm rồi cho về. Xem như là thất bại!

Khi trở về, Năm Cam và đồng bọn càng ngông cuồng và thách thức pháp luật hơn. Chúng hoạt động trên khắp TP.HCM và có xu hướng mở rộng ra phía Bắc. Ðến tai nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt về sự lộng hành này, ông Kiệt có gọi và hỏi thẳng Tướng Quốc rằng có đúng thế không và không lẽ bất lực sao?

Lúc đó, Tướng Quốc chỉ biết "Báo cáo, Công an đang cố gắng hết sức và hứa sẽ sớm nhất có thể... ". Nghe xong ông Kiệt nói luôn: "Tôi chờ kết quả từ các cậu đó!".

Nói vậy để chúng ta thấy rằng, đây là vụ việc mà lực lượng cảnh sát tấn công và triệt phá một băng tội phạm cực kỳ nguy hiểm với đầy thủ đoạn đối phó tinh vi. Nhưng cuối cùng lực lượng Công an cùng các cơ quan chức năng đã đập tan được bọn chúng rất thành công.

Có lẽ sau này, người ta rất khó hình dung vì sao trong nhiều năm qua, tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, những băng nhóm xã hội đen giống như Năm Cam không thấy xuất hiện. Nếu ngày đó chúng ta hữu khuynh, ngại "đụng" vì nhạy cảm thì làm sao có được sự bình yên như vậy!

Cuộc đấu tranh với địch trong chiến tranh đã khốc liệt vô cùng thì cuộc chiến với tội phạm trong thời bình còn phức tạp và gian khó hơn nhiều. Tướng Trương Hữu Quốc đã tham gia chỉ đạo phá nhiều vụ án trọng điểm, nổi cộm trong xã hội như các vụ: Khánh "trắng", Phúc "bồ" (Hà Nội); Tin Pales (Khánh Hòa); Dũng "chim xanh", Hoàng "lựu đạn", Sáu Râu; Lã Thị Kim Oanh (vụ án kinh tế lớn, phức tạp tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn)...

Và đặc biệt nhất, lớn nhất, phức tạp nhất chính là vụ triệt phá băng nhóm xã hội đen Năm Cam (đều ở TP.HCM). Chúng có địa bàn hoạt động rất rộng và cực kỳ nguy hiểm. Chúng lại được nhiều vị quan chức nhà nước và lực lượng Công an kể cả cấp cao từ trung ương xuống địa phương bảo kê. Cũng từ những chiến công xuất sắc của toàn lực lượng trong cả một chặng đường dài, Tổng cục Cảnh sát đã được vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem