Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và tư duy được nâng tầm qua mỗi thời kỳ

Quốc Phong Chủ nhật, ngày 07/10/2018 10:11 AM (GMT+7)
Nhắc đến nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười trong những ngày này, người ta đều thừa nhận ở ông luôn có một nét chung bất biến: Ông là con người của hành động, khi cần thì rất quyết đoán, ông luôn có chính kiến riêng và sẵn sàng tranh luận để tìm ra chân lý chứ không áp đặt cho dù ông là một người quyền lực trong Đảng.
Bình luận 0

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười  tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2.2.1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình trung nông. Dòng họ Nguyễn Duy của ông Đỗ Mười là hậu duệ Đinh quốc công Nguyễn Bặc - vị khai quốc công thần thời nhà Đinh. Bản thân ông chỉ là nông dân và đến với cách mạng. Ông đã hoà mình vào cuộc sống của người thợ mỏ để hoạt động cách mạng và tham gia Tổ chức Ái hữu thợ mỏ Hòn Gai (1937). 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông thật quả cảm, đáng nể trọng. Bị thực dân Pháp kết án tù 10 năm nhưng rồi ông đã cùng đồng chí của mình vượt ngục Hoả Lò để tìm về với tổ chức tiếp tục hoạt động. Sau năm 1945, ông lần lượt đảm trách vai trò bí thư tỉnh, thành ủy của 5 địa phương tất cả, đó là chưa kể có lúc ông còn đảm trách Chủ tịch Liên khu và Chính ủy Liên khu 3, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Tả ngạn. 

Hoà bình lập lại năm 1954, ông công tác ở Bộ Công Thương rồi lên tới chức Bộ trưởng (có lúc tách thành Bộ Thương nghiệp). Ông cũng từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng trước khi trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng như nhiều người đã biết. 

img

Nhà báo Phạm Thành Long - nguyên Tổng biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong - mới rồi có kể cho tôi nghe, chính anh có lần được Tổng bí thư Đỗ Mười khi gặp  gỡ lãnh đạo một số báo Đoàn Thanh niên tại số 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội, đã kể cho nghe rằng, ông là 1 trong số hơn 10 cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đào tạo tại lớp đại học kháng chiến. 

Tôi nghĩ, đây có thể là một dạng đào tạo kiến thức theo lối cấp tốc chứ không thật hoàn chỉnh bởi vì tôi cũng chưa khi nào thấy lý lịch ông khai rằng mình học đại học.

Tôi muốn nhắc đến chuyện này để chúng ta hiểu rằng, ông đến với cách mạng rồi theo phong trào cách mạng từ rất sớm. Sau đó, ông cũng không có thời gian theo học cho bài bản, hoàn chỉnh. Cả cuộc đời ông có thể gói gọn bằng hai chữ “Tự  học” để giúp hoàn thiện mình là chính. 

Có lẽ, tài sản được coi là vô giá mà ông để lại là thư viện với gần 10.000 cuốn sách trong tư gia ở phố Phạm Đình Hổ, Hà Nội. Đó là ngôi biệt thự mà ông từng sống, gắn bó suốt 55 năm qua, từ khi ông mới làm bộ trưởng. Theo tôi, đây chính là mấu chốt để giải mã ở một chính trị gia có ảnh hưởng lớn trong một giai đoạn cách mạng nước nhà. Tầm trí tuệ nơi ông được biến chuyển tích cực theo năm tháng vào tù, lại kinh qua rất nhiều trọng trách khác nhau, đó là nhờ kho tàng trí tuệ từ sách mà ông biết tiếp thu, học hỏi rồi trưởng thành theo từng giai đoạn.

Ông Phan Trọng Kính - trợ lý của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, người trợ lý từng kề vai sát cánh gần nửa thế kỷ với ông kể rằng, “cả cuộc đời của bác Mười lúc nào cũng gắn liền với sách, ở trong nhà tù bác cũng đọc sách, đi công tác ở đâu bác cũng mang sách theo để đọc”.

Có một câu chuyện mà ông Kính kể trên báo đã cho chúng ta thấy, sách trong nhà nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đều có lưu bút của ông rất rõ và đây chính là minh chứng sách với ông là để ông đọc thực sự.

Chuyện rằng, “có một cô phóng viên hãng Reuters xin được vào thăm nhà bác Đỗ Mười để tìm hiểu xem đời sống của các vị lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như thế nào, có khác gì so với đời sống của các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước không.

Hôm ấy là ngày chủ nhật, bác Đỗ Mười ở nhà. Cô phóng viên xin được vào gặp. Anh em bảo vệ thấy người nước ngoài liền gọi điện thoại cho ông Kính để xin ý kiến. Ông Kính tức tốc phóng xe về để xin ý kiến Thủ trưởng. Bác Đỗ Mười nói: "Cứ cho cô ấy vào".

Vào đến nhà, thấy Tổng bí thư Đỗ Mười đang đọc sách. Cô kính cẩn chào và có lời cảm ơn bác đã cho đến thăm. Cô là người Anh, chắc sang Việt Nam đã lâu nên nói tiếng Việt rất sõi. Có lẽ vì vậy mà cô xưng hô là bác với cháu, nghe rất gần gũi.

Thế rồi trước khi ra về, cô xin phép được thăm nơi ăn ở và làm việc của Tổng bí thư. Khi thăm thư viện, cô phát hiện có quyển sách của Tổng thống Bill Clinton. Cô lấy xem, thấy bên trong có nhiều trang đã gạch chân nhiều dòng bằng bút chì. Cô lấy thêm mấy quyển sách khác trong các giá sách gần đó thì cũng thấy có nhiều trang cũng như vậy. Điều đó chứng tỏ bác Đỗ Mười đã đọc kỹ rất nhiều sách...”.

Trong quá trình công tác, cũng có người hay nhắc đến giai đoạn ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và trực tiếp làm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp miền Nam năm 1978 đã có những quyết sách sai lầm đáng tiếc. Tôi hiểu, điều đó thật đáng tiếc, nhưng có lẽ cần hiểu cho công tâm. Nhà nước chúng ta là cơ quan hành pháp, một công việc đều có quyết định từ tập thể. Với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông cũng khó làm khác công việc là phải chấp hành, đành rằng lúc này ông lại là Trưởng ban, người được trao quyền rất lớn. Nếu như thấy không ổn thì có thể ông sẽ báo cáo Bộ chính trị, Ban bí thư để điều chỉnh. Song với tư duy của chúng ta ngày đó, cũng khó có thể khác được. Và đó là điều đã được Đảng ta thừa nhận khi nhìn lại sự việc như một bài học đau xót. Nó gián tiếp khiến một bộ phận người dân vốn yêu nước nhưng đã tìm cách rời bỏ quê hương ra đi dù có đầy nguy hiểm nơi biển khơi chỉ do hoang mang, chao đảo.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương đã nhìn nhận khá đúng về chủ trương "cải tạo công thương". Đó là trách nhiệm của cả tập thể lãnh đạo, chúng ta "không nên quy trách nhiệm cá nhân cho ông Đỗ Mười vì đó là sai lầm của một thời kỳ mà chúng ta còn ấu trĩ về tư duy kinh tế”.

Thế nhưng cần nhớ rằng, khi ông được trao trọng trách Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1988) cũng chính là lúc đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, mà “đổi mới lúc này mang tính sống còn đối với dân tộc ta”. Tiếp đó, vào những năm 1990, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu tan rã rất nhanh. Hình ảnh tốt đẹp về một xã hội mà mấy chục năm trước toàn Đảng toàn dân ta đều mơ ước và phấn đấu bỗng chốc bị đảo lộn. Kinh tế nước nhà lúc này không còn biết trông chờ vào ai khi cả “phe” XHCN gần như đã sụp đổ trong tích tắc. Lạm phát tăng chóng mặt chẳng khác con ngựa bất kham không thể ghìm nổi cương. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có bài viết đã đề cập rất đúng và đủ thời điểm gian khó này của đất nước, qua đó nói lên vai trò rất quan trọng của ông Đỗ Mười trên cương vị điều hành Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 9.1988 đến tháng 6.1991), đồng chí Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, xây dựng đường lối đổi mới, đưa ra những quyết sách mang tính bước ngoặt: Chống lạm phát; xóa bỏ bao cấp về kinh doanh lương thực, xuất khẩu, chính sách thuế, thay đổi giá và tỷ lệ giá hối đoái, tính lại tiền lương, quy định lãi suất ngân hàng...

Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) tính toán, phải có 3 tỷ USD mới giải quyết được lạm phát. 3 tỷ USD lúc bấy giờ chúng ta lấy đâu ra? Đồng chí Đỗ Mười chỉ đạo: Chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích, để tạo ra những tiềm năng mới…

Hội đồng Bộ trưởng thống nhất mấy vấn đề cần phải tập trung giải quyết và báo cáo Bộ Chính trị: Đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tiết kiệm và dồn trọng tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ; khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước; nâng lãi suất tiết kiệm để thu hút tiền ở trong dân. Về phía Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ quy định nghiêm ngặt, ngân hàng chỉ được nhận tiền mặt và cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không in thêm tiền”. 

Sau một thời gian, các chính sách kinh tế và tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, đặc biệt là giảm lạm phát, từ chỗ lạm phát ba con số - 774% năm 1986, giảm xuống còn hai con số - 34% năm 1989, đến năm 1992 chỉ còn 14%.

Cùng với chống lạm phát, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đề nghị Bộ Chính trị và Trung ương đồng ý chủ trương xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá....

Tư duy kinh tế của nhà lãnh đạo Đỗ Mười sau hơn chục năm điều hành Chính phủ đã cho thấy ông trở nên đặc biệt xuất sắc và xứng đáng được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. 

Trên cương vị của người đứng đầu Đảng, Tổng bí thư Đỗ Mười đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng đặc biệt là quan hệ quốc tế. Tổng bí thư Đỗ Mười đã cùng tập thể Bộ Chính trị lãnh đạo, giữ vững ổn định chính trị, kiên định lập trường tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ông cùng tập thể lãnh đạo Đảng không ngả nghiêng, dù sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội giai đoạn đó gặp muôn vàn sóng gió, kiên quyết đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. 

“Để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Bộ Chính trị thời kỳ đó đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là phá thế bao vây cấm vận, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ; chủ động gia nhập ASEAN, mở rộng quan hệ với các nước trong cộng đồng quốc tế...”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi tới nhận xét: “Sau sự kiện bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đồng chí đã chỉ đạo tích cực phối hợp với phía Mỹ giải quyết vấn đề quân nhân Mỹ mất tích. Với tinh thần nhân văn theo truyền thống của dân tộc, để “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, “vì hòa bình, ổn định, cùng phát triển”, Việt Nam đã khiến phía Mỹ phải ghi nhận sự thiện chí. Trên cơ sở đó, ngày 11.7.1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố chính thức bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, đánh dấu việc nước ta đã phá vỡ hoàn toàn thế bị bao vây, cấm vận. Từ đây, đất nước có điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ được các nguồn lực bên ngoài trong công cuộc chấn hưng đất nước”.

Từ tấm gương cống hiến và hy sinh hết mình cho đất nước, cho nhân dân của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười với 80 năm tuổi Đảng quả là đặc biệt. Ông là một con người của hành động, của thực tiễn, đã nói là làm và làm đến cùng, điều gì chưa được đồng thuận, ông sẵn sàng tranh luận với cộng sự để tìm ra chân lý. Tôi nghĩ, chỉ có ở những con người luôn chịu đọc sách và luôn chịu học hỏi qua sách vở một cách không ngừng nghỉ, thì tầm trí tuệ của một lãnh tụ mới được như thế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem