Người quê xúc tép chiên bột!

Bài và ảnh: Hai Miệt Vườn Thứ ba, ngày 03/03/2015 15:29 PM (GMT+7)
Ở vùng kênh rạch chằng chịt miền sông nước Cửu Long, môi trường nước mặn, nước lợ là điều kiện sinh sôi và phát triển của nhiều loài tép. Tùy hình dạng và kích cỡ, tép có những tên gọi khác nhau.
Bình luận 0
Tép rong (còn gọi là tép riu, tép trấu) con nhỏ, thân tép cỡ đầu mút đũa ăn; tép bạc trắng mình dài, dẹp, vỏ mỏng, màu trắng đục; tép bạc đất, mình tròn, vỏ dày, màu xám xanh…

Ra giêng, rảnh rang, chiều chiều người ta chờ cho nước ròng giựt mé thì xách rổ, xà nel đi xúc tép trấu, tép bạc về lo cho bữa ăn chiều.
img
Tép trấu.
Trước khi đi, người ta đã xúc ít gạo ngâm sẵn trong nước. Khi người xúc mang tép về, cả nhà cùng nhau lựa bỏ rác và những con chôm chôm (loại này giống tép, nhưng ăn dễ bị ngộ độc đường tiêu hoá). Tép lựa xong, rửa sạch để cho ráo nước. Thường, người lựa những con tép lớn để chiên bột. Tép nhỏ thì bằm ra nấu canh tập tàng hoặc để làm ... mắm!

Đem gạo ngâm ra xây bột cho mịn rồi bồng bớt nước. Trút tép vào bột, nêm ít nước mắm, muối, bột ngọt, hành lá, hành củ xắt nhuyễn. Bắc chảo mỡ nóng lên. Dùng dá thả từng dề bột áo tép vào chiên cho đến khi vàng sậm. Vớt những miếng tép chiên bộ để ráo mỡ.

Rau hái từ vườn nhà như cát lồi, lá lụa, đọt chùm giuộc hay ít trái chuối chát, khế chua, ... để ăn chung với tép chiên bột.

Làm chén nước mắm ngon có pha nước cốt chanh và tỏi, ớt bằm nhuyễn. Dọn nồi cơm gạo mới, với chén nước cơm vừa chắt, cùng đĩa tép chiên rồi cả nhà cùng quây quần lúc chiều muộn.
img
Món tép chiên bột.
Tép chiên bột vừa giòn, vừa ngon bởi nó hòa quyện đầy đủ những vị béo, vị ngọt, vị cay nồng chốn đồng quê sông nước Cửu Long giang. Từ ngày xưa ấy, hình ảnh con tép và hương vị của nó như còn đọng lại đâu đây trong câu ca quê mùa bình dị:

"Ăn con tép trấu ngon thấu trời xanh/ Tình xưa, nghĩa cũ sao lại đành bỏ em".
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem