Người miền Tây đi đặt vó!

Hai Miệt Vườn Thứ hai, ngày 23/03/2015 07:00 AM (GMT+7)
Cư trú ở địa bàn kênh rạch chằng chịt ở miền Tây Nam bộ, phương tiện chủ yếu là xuồng, ghe. Gần thì dùng dầm bơi, xa thì dùng hai mái chèo. Xuồng, ghe đang nhẹ nhàng lướt đi, thỉnh thoảng nghe tiếng người ta kêu: vó… vó…
Bình luận 0
Người đặt vó nghe tiếng kêu nhanh tay kéo càng vó lên, nắm dây giũ cho nước rơi xuống để xuồng, ghe đi ngang qua người ngồi trên ấy không bị ướt. Dây giũ còn có tác dụng làm cho cá tôm chạy vó gom lại, khi ấy người ta dùng dợt vớt rồi đặt xuống tiếp. Cũng có khi vó mới đặt xuống, đã có ghe đi ngang,, người đặt vó lại phải dỡ lên để lấy đường lưu thông.
img
Cái vó ở sông rạch miền Tây (ảnh tác giả)

Có vậy, mới hay vó đặt chắn cả dòng sông. Để làm vó, trước tiên người ta tìm những thanh tre gai già, cỡ cươm tay người lớn, thẳng đốn phơi khô. Vó là một tấm lưới rộng được thắt chặt vào các thanh tre chéo nhau, dân gian gọi là càng vó, để khi nước chảy lưới sẽ bung ra tạo thành một khoảng rộng để cá tép, tôm cua chạy vào.

Cột vó thường làm bằng cây so đũa mọc hoang (loài cây này cho bông trắng nấu canh chua ngon lành), bởi chúng giỏi chịu nước. Hai cột cắm sâu xuống nước đối xứng nhau, hợp lực chịu sức nặng của các thanh vó.

Thanh vó thường làm bằng tràm. Có bốn cây thanh: hai thanh trên để đặt và dỡ vó, hai thanh dưới để buộc bốn càng và lưới vó vào. Cả hai thanh đều làm theo hình chữ A, giữa có nhiều thanh ngang cho chắc chắn. Chân chữ A của các thanh gặp nhau ở trục sắt xiên ngang hai cột vó. Nối phần chót nhọn chữ A của hai cặp thanh vó là một cây tầm vông nhỏ nhưng chắc chắn. Để tạo thăng bằng lúc đặt cũng như lúc dỡ được nhẹ nhàng người ta buộc khúc cây lớn ở chót chữ A của cặp thanh phía dùng để dỡ và đặt vó.

Cấu tạo của một cái vó khá phức tạp, đòi hỏi người có kinh nghiệm mới ráp và thực hiện được.
 

Vó chuẩn bị xong thì chuẩn bị chỗ xuống vó. Thường thì người ta chọn nơi hẹp nhất của con rạch hay dòng sông nhỏ, bến sậy làm đăng để ven từ mé ra. Vó được đặt trọn giữa dòng, nhằm chặn cá tôm di chuyển theo hướng nào đó hoặc đặt cá nước ròng, hoặc hứng cá nước lớn. Miệng vó bên hứng cá được ra sát đáy sông, ngược lại phần bên kia căng thẳng và cao hơn mặt nước. Để cá vào mà không dội ngược ra, người ta phải tạo bụng vó. Nước cháy, bụng vó theo chiều nước thòng sâu ra phía sau, … Có người còn làm túi vó để đựng cá, cho chắc ăn.

img
Đặt vó (ảnh tác giả)

Do chắn ngang dòng, nên khi đặt vó phải luôn có người canh giữ như chúng tôi đã miêu tả ở phần đầu bài viết này.

Mùa cá đối, các chạch đất, tép bạc chạy nhiều, mỗi lần cất vó xúc cả rổ. Cá, tép nhảy xoi xói được trút vô rọng đươn bằng tre rọng ngay kê bên chân vó. Thấy ham nên thức sáng đêm cũng chẳng việc gì.

Còn một cách đặt vó nữa, nhưng là cách đặt cố định, nơi sông rộng, nước sâu, chảy xiết. cách ráp vó này cũng đơn giản hơn. Người ta chọn hai cây tre già, dài và tương đối lớn. ráp lại thành hình chữ A, phía dưới kết lưới vó vào. Chọn chỗ đặt vó xong, cắm cây dựng một sàn giữa dòng nước chảy. Ở một phía sàn chọn đặt vó có hai cột lớn cắm sâu xuống nước. Cột này chính là nơi cố định hai thanh tre. Phần đáy chữ A chĩa sâu dưới nước, hứng cá tôm theo dòng nước chảy. Phần đỉnh chữ A, nằm trên sàn.

Do không phải đặt trọn dòng sông nên không ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con, vì thế, không phải dỡ vó để tránh đường đi. Chừng nào thấy cần thì người đặt vó leo lên đỉnh chót của hai thanh tre ấy ngôi lên, vó từ từ cất lên khỏi mặt nước theo nguyên tắc của lực đòn bẩy. Với cách đặt vó này, những đêm trăng thanh gió mát năm ba người hàng xóm có thể ngồi trên sàn chung trà, ly rượu say sưa bàn chuyện đời, một nét đẹp hoang sơ mà đậm đà tình nghĩa xóm giềng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem