20 giờ tối nay (19/9), ĐT futsal Việt Nam sẽ bước vào trận đấu sinh tử với CH Czech ở lượt trận cuối bảng D World Cup 2021. Từ Lithuania, Trưởng đoàn Trần Anh Tú – người đã đặt những "viên gạch" đầu tiên cách đây 15-16 năm, giúp futsal Việt Nam định danh trên đấu trường thế giới, đã có cuộc trò chuyện cởi mở cùng Dân Việt.

Sự hy sinh, cống hiến của bầu Tú đã khiến futsal Việt Nam tiến một bước rất dài, nhưng với ông, thành tích đó vẫn là chưa đủ. Người đàn ông này luôn trăn trở mỗi ngày với khát khao futsal được biết tới nhiều hơn, thế hệ kế cận sẽ đạt tới những tầm cao mới.

Mới đây, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với ông Trần Anh Tú từ Lithuania để lắng nghe những chia sẻ của ông về trận đấu sinh tử sắp tới với ĐT futsal CH Czech tại lượt cuối bảng D World Cup 2021, về hành trình 15 năm theo đuổi đam mê futsal và những hướng phát triển của futsal Việt Nam trong tương lai.

Thưa ông, sau chiến thắng 3-2 trước ĐT futsal Panama, ĐT futsal Việt Nam đã thắp lên hy vọng đi tiếp vào vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup 2021. Với tư cách Trưởng đoàn, chắc hẳn lúc này tâm trạng ông rất hồi hộp?

- ĐT futsal Việt Nam rơi vào bảng đấu với rất nhiều đối thủ mạnh. Ngay cả Panama, chúng ta phải rất vất vả mới giành chiến thắng 3-2. Phía trước chúng ta là ĐT futsal CH Czech – một thế lực lớn đến từ châu Âu, chất lượng đội hình của họ chỉ kém Brazil một chút thôi. Nhưng chúng tôi xác định, dù đối thủ mạnh đến đâu đi nữa thì ĐT futsal Việt Nam cũng nỗ lực thi đấu hết mình. Toàn đội đã quên đi chiến thắng trước Panama để có được sự tập trung cao nhất cho trận đấu tối nay.

Ở trong đội có rất nhiều cầu thủ có gia đình đang sinh sống ở TP.HCM và chúng tôi biết, cuộc sống của người dân đã chịu quá nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên toàn đội sẽ cố gắng thi đấu với quyết tâm cao nhất, giành kết quả tốt để làm món quà, đóng góp về mặt tinh thần để tất cả chúng ta cùng vượt qua dịch bệnh.

Thực tế, việc cạnh tranh để lọt vào 1 trong 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất giành vé vào vòng 1/8 lúc này cũng rất khó khăn. Ở 5 bảng còn lại đều có 1 đội rất yếu so với 3 đội còn lại nên đội yếu đó vô tình trở thành “ngân hàng điểm” – nơi các đội mạnh tận dụng triệt để cơ hội để vừa giành chiến thắng đồng thời ghi nhiều bàn thắng, từ đó tạo lợi thế cho cuộc đua trở thành 1 trong 4 đội xếp thứ 3 có thành tích tốt nhất giành vé đi tiếp.

ĐT futsal CH Czech rất mạnh, còn ĐT futsal Việt Nam lại bị tổn thất lực lượng khi đội trưởng Trần Văn Vũ lại không thể ra sân vì thẻ phạt. Điều này có khiến ông lo lắng?  

- Sau trận thắng Panama, bầu không khí trong đội đang rất tốt, các cầu thủ rất vui vì đã vượt qua được áp lực tâm lý. Ban huấn luyện cũng đã có những phương án phù hợp để khỏa lấp “khoảng trống” mà Văn Vũ để lại do đã nhận 2 thẻ vàng trong hai trận đã qua. Tôi tin với sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, toàn đội sẽ gánh vác thay Văn Vũ để ĐT futsal Việt Nam có một trận đấu thật tốt ở lượt cuối vòng bảng.

"Người hùng" Trần Anh Tú & 15 năm tận hiến vì futsal Việt Nam - Ảnh 1.

Là một người xây những viên gạch đầu tiên cho nền bóng đá futsal Việt Nam và đưa futsal Việt Nam đến với đấu trường World Cup, ông có thể kể lại đôi chút về hành trình này?

- Đội tuyển futsal Việt Nam bắt đầu được thành lập vào năm 2005, tôi thì bắt đầu tham gia vào năm 2007. Ở những bước sơ khai đầu tiên, các cầu thủ nòng cốt của đội tuyển đều là những cầu thủ đá phủi ở miền Bắc hoặc đá bào ở miền Nam.

Ở những bước đi đầu tiên, chúng tôi đã học theo mô hình đạo tạo của futsal Thái Lan. Tôi đã đích thân sang đó mời thầy Thái về huấn luyện cho đội tuyển.

Rồi sau đó qua quá trình chiêm nghiệm, tôi bắt đầu nghiên cứu và nhận ra rằng các cầu thủ Việt Nam hợp với phong cách thi đấu của bóng đá châu Âu hơn là Thái Lan. Nguyên nhân là bởi lối chơi của futsal Việt Nam cần dựa trên yếu tố đoàn kết, tính kỷ luật của tập thể, thay vì dựa vào những cá nhân xuất sắc để có thể thay đổi cục diện trận đấu.

Chính vì lẽ đó, tôi đã chuyển hướng sang mời các HLV ở Italia hay HLV Tây Ban Nha. Quả thực, sau một thời gian thấm nhuần phong cách chơi bóng của các HLV châu Âu, đội tuyển futsal Việt Nam đã có những bước đột phá rõ rệt.

Ngoài ra, các chuyên gia châu Âu còn giúp chúng ta đào tạo ra rất nhiều cầu thủ trẻ tài năng, hiện giờ họ đang là trụ cột của đội tuyển. Hơn nữa, những HLV nội cũng đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm từ họ. Đơn cử như HLV Phạm Minh Giang chính là lứa cầu thủ đầu tiên của futsal Việt Nam, sau khi giải nghệ đã chuyển sang làm HLV và giờ đã đưa đội tuyển đi World Cup.

Để có được thành công như hôm nay, futsal Việt Nam đã phải đi một con đường rất dài và nhờ có định hướng đúng, chúng ta đã gặt hái được thành quả khi có 2 lần liên tiếp góp mặt tại đấu trường World Cup.

img
img

Futsal Việt Nam đã giành được nhiều thành công với sự tâm huyết của trưởng đoàn Trần Anh Tú. (Ảnh: LĐBĐVN)

Đã bao giờ, ông bị lạc lõng và có ý nghĩ từ bỏ futsal chưa, vì ở Việt Nam, môn thể thao này vẫn còn nhiều hạn chế và ít được quan tâm từ khán giả?

- Khi tôi làm bất cứ việc gì tôi cũng sẽ làm nghiêm túc và hướng đến quá trình lâu dài. Nhưng phải nói trong những năm qua có rất ít người đầu tư vào futsal, dù đội tuyển đã có 2 lần dự World Cup nhưng sự phát triển của bộ môn này vẫn đang gặp rất nhiều gian khó.

Có một điều tôi rất trăn trở là tại Việt Nam, đa phần các đội bóng futsal đều chưa đáp ứng được những đòi hỏi về tính chuyên nghiệp và hướng đi bài bản mà AFC đề ra. Hiện tại chỉ có duy nhất CLB Thái Sơn Nam là đủ điều kiện có thể tham dự giải đấu cấp CLB tại châu Á.

Tuy còn rất nhiều hạn chế trong việc phát triển, nhưng tôi vẫn luôn kiên trì theo đuổi đến cùng và sẽ thuyết phục người hâm mộ bằng những thành công có được.

Bản thân tôi cũng mong từ phía lãnh đạo thể thao cũng như giới truyền thông quan tâm đến futsal nhiều hơn. Bởi futsal là một môn thể thao rất hấp dẫn và phù hợp với thể chất của người Việt.

"Người hùng" Trần Anh Tú & 15 năm tận hiến vì futsal Việt Nam - Ảnh 3.

So sánh với Thái Lan, chúng ta thua kém về mọi mặt ở sân chơi 5 người. Ông có dự định học hỏi nước bạn về phương thức phát triển bóng đá futsal Việt Nam trong tương lai không?

- Fusal Thái Lan đã bắt đầu chơi giải VĐQG Thai League từ năm 2007 và họ đã có những cầu thủ ngoại binh ngay từ lúc đó. Cho đến thời điểm này, họ đã trải qua mùa giải thứ 15. Trong khi chúng ta mới xây dựng giải đấu được 4 năm và vẫn còn những bất cập về khâu tổ chức.

Lấy ví dụ như ở Thái Lan các CLB futsal chuyên nghiệp đều có sân nhà, họ đá hai lượt đi và về như những giải đấu chuyên nghiệp sân 11. Các khán giả đến nhà thi đấu cổ vũ cho đội bóng quê hương rất cuồng nhiệt, chính vì vậy phong trào futsal ngày càng trở nên phát triển.

Còn ở Việt Nam, do nhiều CLB chưa đủ điều kiện cơ sở vật chất, do vậy vẫn phải chọn phương án là thi đấu tập trung.

Là một trong những người phụ trách phát triển futsal Việt Nam, tôi cũng định hướng trong tương lai sẽ học theo mô hình tổ chức giải đấu như của Thái Lan. Tuy nhiên, để đáp ứng được việc đó, ngoài Thái Sơn Nam thì các đội bóng còn lại cũng cần có sự đầu tư bài bản để đáp ứng được yêu cầu của AFC đề ra. Khi đó, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc có một giải đấu chuyên nghiệp hấp dẫn như mô hình của Thai League.

Trưởng đoàn Trần Anh Tú: "CH Czech rất mạnh, nhưng ĐT Việt Nam sẽ cháy hết mình" - Ảnh 4.

Ở Việt Nam hiện tại, bóng đá phủi đang được phủ sóng rất lớn trên cả nước, tạo thành một phong trào mạnh mẽ. Tuy vậy, đa số người chơi lại thường chọn đá sân 7 và ngó lơ môn futsal 5 người, ông đánh giá thế nào về việc này?

- Điều này cũng rất dễ hiểu, vì sân 5 người là môi trường chuyên nghiệp còn sân 7 người là sân chơi phong trào. Và khi đã là phong trào thì mọi người chơi rất là thoải mái, muốn chơi lúc nào giờ nào cũng được, không gò bó về thời gian và vẫn có thể đi làm một công việc bình thường.

Thậm chí nhiều cầu thủ phủi chơi tốt còn có có mức thu nhập rất ổn. Còn với môi trường futsal, dù là sân chơi chuyên nghiệp, mức thu nhập của nhiều cầu thủ vẫn chưa đủ khả năng để họ nuôi gia đình.

Thêm nữa, đặc thù của futsal chuyên nghiệp là họ phải ăn ở tập trung để tập luyện hàng ngày, thay vì có thể đi làm công việc thường ngày rồi đến tối đi tập hay đến cuối tuần chơi giải như các cầu thủ phủi.

Đó là điều khiến rất nhiều cầu thủ phủi tài năng có thể trở thành một cầu thủ futsal chuyên nghiệp, nhưng chế tài và lương thưởng vẫn chưa đủ sức để lôi cuốn họ.

"Người hùng" Trần Anh Tú & 15 năm tận hiến vì futsal Việt Nam - Ảnh 5.

Ở những trường đại học hiện tại đã có rất nhiều giải đấu futsal dành cho sinh viên, nơi đây cũng sở hữu rất nhiều cầu thủ tiềm năng và hoàn toàn có thể đào tạo thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng đa số họ đều không dám mạo hiểm từ bỏ con đường học hành để thử thách với niềm đam mê, ông có nghĩ đây là một sự lãng phí nguồn lực của futsal Việt Nam?

- Tôi thì lại có quan điểm khác, vì mọi người hay nghĩ từ một cầu thủ phong trào sinh viên trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp là điều dễ dàng.

Tuy nhiên, quá trình chuyển giao ấy đi kèm với rất nhiều vấn đề, bởi họ phải xác định theo nghiệp cầu thủ thì sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ.

Đơn cử như đã nói phía trên, vấn đề đãi ngộ chưa thỏa đáng cộng với việc phải bỏ dở quá trình học tập, tôi nghĩ đa số họ đều chọn quyết định an toàn là vừa học vừa chơi phong trào, thay vì chuyển hướng sang chơi chuyên nghiệp.

Theo tôi, để có sự phát triển dài hơi, chúng ta vẫn phải đi theo con đường đào tạo trẻ. Hãy nhìn sang futsal Thái Lan, họ có rất nhiều học viện chỉ chuyên đào đạo các cầu thủ futsal ngay từ nhỏ. Do vậy nguồn lực futsal của họ rất dồi dào và họ luôn có những lớp cầu thủ tài năng kế cận, lứa sau tiếp bước lứa trước.

img
img
img
img
img
img

Hình ảnh ông Trần Anh Tú tận tụy với đội tuyển futsal Việt Nam đã trở nên quen thuộc ở các giải đấu quốc tế. (Ảnh: LĐBĐVN)

Ở những nền bóng đá phát triển, bóng đá futsal được xem là một môn học thể chất của ngành giáo dục, ông có nghĩ sẽ đưa ra phương án kết hợp với bộ giáo dục để đưa futsal vào quá trình đào tạo?

- Bản thân tôi cũng đã đưa môn futsal vào quá trình đạo tạo ở các trường học vào năm 2013 cho đến nay ở TP.HCM. Hiện tại mọi thứ đang phát triển rất thuận lợi.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam mới đây cũng đã đề xuất với Bộ giáo dục đào tạo, đưa môn bóng đá, trong đó có bóng đá futsal vào quá trình đào tạo như một môn học thể chất tại trường học. Tuy vậy, việc này cần phải thông qua chính sách của nhà nước để có định hướng, vạch ra hướng phát triển lâu dài.

Tại các tỉnh miền Nam, phong trào chơi bóng futsal đang có những sự phát triển rất tích cực, nhưng ở miền Bắc thì ngược lại, các cầu thủ đa số đều chơi sân 7, thậm chí các cầu thủ sân phủi còn có độ phủ sóng và nổi tiếng hơn cả các cầu thủ futsal chuyên nghiệp. Ông đánh giá thế nào về sự mất cân bằng này?

- Việc này theo tôi nghĩ nó đã trở thành một lối mòn, bóng đá sân 7 người đang rất phát triển ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở Hà Nội.

Việc sân chơi futsal chưa thể có tầm ảnh hưởng như sân 7 hiện nay là một thực tế ai cũng nhận thấy. Dù đã 2 lần dự World Cup nhưng futsal vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm đúng mức.

Để phong trào futsal phát triển ở các tỉnh phía Bắc, chúng ta cần tổ chức nhiều giải đấu thường niên để thu hút người chơi, từ đó mới có thể thúc đẩy được sự quan tâm từ giới truyền thông cững như khán giả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

"Người hùng" Trần Anh Tú & 15 năm tận hiến vì futsal Việt Nam - Ảnh 7.

Bài: Minh Đức - Anh Tuấn

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem