Người dùng đối mặt nguy cơ lừa đảo lấy lại Facebook, chuyên gia an ninh mạng nói gì?

Khải Phạm Thứ năm, ngày 07/03/2024 09:37 AM (GMT+7)
Người dùng đối mặt với nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, đánh cắp tài khoản sau sự cố sập Facebook ngày 5/3 vừa qua.
Bình luận 0

Nở rộ chiêu thức đánh cắp tài khoản... bằng lấy lại Facebook

Theo ghi nhận của Dân Việt, khoảng 22h20 phút tối 5/3/2024, các tài khoản Facebook, Messenger, WhatsApp, Instagram bất ngờ bị văng ra. Mặc dù đã dùng nhiều cách, nhưng người dùng Việt vẫn không thể đăng nhập lại trên các ứng dụng do Meta sở hữu.

Người dùng đối mặt nguy cơ lừa đảo lấy lại Facebook, chuyên gia an ninh mạng nói gì?- Ảnh 1.

Facebook, Messenger bị lỗi. Ảnh Khải Phạm.

"Tôi đang lướt Facebook thì bị văng ra, Mesenger cũng tương tự, không chỉ một mình mà cả 2 vợ chồng đều bị giống nhau. Dù đã đăng nhập lại nhiều lần, đúng mật khẩu, có xác thực khuôn mặt, nhưng vẫn không thể vào lại Facebook, Messenger", người dùng Phùng Huyền chia sẻ.

Gặp tình trạng tương tự, anh Quang Tuấn cho biết đang xử lý công việc, nhưng bị văng ra ngoài như bị hack Facebook.

"Khoảng hơn 22h ngày 5/3, tôi đang trao đổi công việc với nhân viên thì tự nhiên Facebook, Messenger đều bị out ra ngoài mà không thể đăng nhập. Sợ bị hack, tôi đã dùng Zalo để hỏi nhân viên kỹ thuật của công ty thì mới biết đây là tình trạng chung của nhiều tài khoản Facebook, Messenger ở Việt Nam", anh Cửu Long nói.

Cũng chung lo lắng bị hack Facebook, Messenger như anh Long, nhiều người đã "nháo nhác" tìm đến các "chuyên gia mạng" để cầu cứu do không đăng nhập được nên không rõ đây là tình trạng chung của ứng dụng mạng xã hội do Meta quản lý.

"Thấy bị văng khỏi Facebook, Messenger nên tôi đã tìm người mở lại vì cứ tưởng bị hack", người dùng Quỳnh Anh cho biết. 

Điều đáng nói, sau khoảng 1 giờ bị sập, người dùng đã có thể đăng nhập lại Facebook, Messenger như bình thường. Tuy nhiên, một số người đã quên mật khẩu do vài năm dùng 1 điện thoại và không phải đăng nhập lại, điều này khiến các "chuyên gia online" bùng nổ.

Người dùng đối mặt nguy cơ lừa đảo lấy lại Facebook, chuyên gia an ninh mạng nói gì?- Ảnh 2.

Người dân cảnh giác với việc lấy lại tài khoản Facebook miễn phí. Ảnh Khải Phạm.

Ghi nhận trên các hội nhóm, page Facebook, lợi dụng việc người dùng không thể truy cập Facebook, Messenger, nhiều đối tượng đã giả danh đã nhanh chóng đăng tải bài viết lấy lại tài khoản cho người dùng hoàn toàn miễn phí.

Theo tìm hiểu, có những người chuyên làm dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook khi quên mật khẩu, hay bị hack. Tuy nhiên, người dùng muốn lấy lại đều phải mất phí chứ họ không làm không công nên việc miễn phí là thủ đoạn của các đối tượng muốn chiếm đoạt tài khoản Facebook để lừa đảo hay phục vụ mục đích xấu.

Facebook sập, người dân cần nâng cao cảnh giác, bảo mật thông tin

Sự cố sập Facebook diễn ra trước thời điểm cuộc Họp báo thường kỳ tháng 3/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ngay lập tức ông Trần Quang Hưng, đại diện Cục An toàn thông tin đã có những chia sẻ về việc này.

Theo đó, người dùng hiện nay đã phụ thuộc nhiều vào các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Zalo... Do đó, Facebook và Messenger bị lỗi ngày 5/3 là việc tốt bởi nhờ có sự cố này mà người dân đã quan tâm hơn đến việc bảo mật thông tin trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tránh lừa đảo trực tuyến.

Người dùng đối mặt nguy cơ lừa đảo lấy lại Facebook, chuyên gia an ninh mạng nói gì?- Ảnh 4.

ông Trần Quang Hưng, đại diện Cục An toàn thông tin. Ảnh Khải Phạm.

"Khi Facebook và Messenger bị lỗi, nhiều người đã biết lo lắng đến việc bảo mật thông tin trên mạng xã hội khi nguy cơ bị hack. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng Việt Nam không sử dụng bảo mật thông tin 2 lớp hoặc có thì rất ít. Do đó, từ sự việc này, người dân sẽ nâng cao đến việc bảo mật thông tin, từ đó tránh việc bị đánh cắp thông tin, dẫn đến lừa đảo trực tuyến khi chỉ cần bị lộ mật khẩu", ông Hưng chia sẻ.

Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng khuyên người dùng các tài khoản mạng xã hội cần nâng cao bảo mật thông tin, đặc biệt xác thực 2 lớp. Việc xác thực 2 lớp sẽ khiến các đối tượng xấu khó có thể thực hiện trót lọt việc chiếm đoạn tài khoản mạng xã hội như Facebook, Messenge, Zalo để đánh cắp thông tin nhằm phục vụ mục đích xấu như lừa đảo.

Ngoài việc xác thực 2 lớp qua tài khoản email, số điện thoại, cảnh báo đăng nhập trên thiết bị lạ... người dùng cũng nên đổi mật khẩu có những đẩy đủ các ký tự như chữ in hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt như @,#... để tài khoản đặc bảo mật tuyệt đối.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia cho hay, sự cố sập Facebook lần này bất ngờ khiến nhiều người dùng lo lắng tài khoản bị hack, lừa đảo trực tuyến.

Điều này cũng giúp người dùng nâng cao cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo đang diễn ra ngày càng tinh, nhiều thủ đoạn hơn trên không gian mạng nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt những người ít quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân.

Người dùng đối mặt nguy cơ lừa đảo lấy lại Facebook, chuyên gia an ninh mạng nói gì?- Ảnh 5.

Người dân cần bảo mật tài khoản 2 lớp. Ảnh TGDĐ.

Chuyên gia này cho biết, người dân hãy thận trọng và không nên tin vào các thông tin chưa được xác minh trên mạng, nhất là những tin tức giả mạo: "Việc tin vào các thông tin trên mạng, những bài đăng lấy lại tài khoản Facebook có thể dẫn đến việc mất tiền hoặc thông tin cá nhân, đặc biệt là khi gặp phải những kẻ lừa đảo mời chào nạp tiền vào dịch vụ khôi phục tài khoản Facebook dởm".

Đặc biệt, ông Hiếu cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang trong một giai đoạn mà các hoạt động lừa đảo trở nên rất manh động. "Các tội phạm sẽ không ngần ngại bịa đặt câu chuyện, lợi dụng tâm lý và lòng tin của người dùng để chiếm đoạt tài khoản, mật khẩu, và các thông tin cá nhân khác. Vì vậy, điều quan trọng nhất là giữ bình tĩnh, đừng dễ dàng tin tưởng vào bất kỳ ai hoặc bất kỳ dịch vụ nào không rõ ràng, để tránh rơi vào bẫy và mất tiền oan uổng".

Trong khi đó, các cơ quan chức năng cũng đưa ra các dấu hiệu nhận biết lừa đảo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook để người dân chủ động phòng tránh:

Đầu tiên, giả mạo dịch vụ lấy lại tài khoản: Tạo ra một trang web giả mạo hoặc gửi email giả mạo cho người dùng Facebook hoặc chủ động nhắn tin cho người dùng Facebook, tuyên bố rằng họ là dịch vụ lấy lại tài khoản và có thể giúp nạn nhân khôi phục tài khoản bị mất.

Thứ hai, yêu cầu thông tin cá nhân cần bảo mật như: Tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ email, mã OTP, thông tin thẻ tín dụng để xác minh danh tính và thực hiện việc lấy lại tài khoản; bắt nạn nhân phải đóng một khoản tiền cọc trước, khi đã đạt được mục đích, kẻ lừa đảo khóa chặn cuộc trò chuyện với nạn nhân hoặc xóa tất cả dấu vết để chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem