Người dân sử dụng Facebook, sao không dùng được công cụ thanh toán?

Hoàng Nhật Thứ sáu, ngày 28/09/2018 12:23 PM (GMT+7)
“Theo thống kê, có 64 triệu người sử dụng Internet, trong đó, 58 triệu người đang sử dụng Facebook và các loại hình mạng xã hội. Vậy tại sao người dân sử dụng được Facebook, lại không sử dụng được công cụ thanh toán ở tất cả các khu vực?”, ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông) đặt câu hỏi.
Bình luận 0

img

Ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông). (Ảnh: Trọng Hiếu)

Sáng 28.9.2018, tại Hà Nội, Báo Nông thôn ngày nay thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN, một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”.

Tham dự Hội thảo có Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh; Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam; đại diện bộ Thông tin truyền thông; các Vụ, Cục thuộc NHNN; các đơn vị: Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel); Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas); các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin & Truyền thông), việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam, đặc biệt khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê, 99% người dân sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng có giá trị dưới 100.000 đồng, 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền.

Ông Đặng Khắc Lợi đặt câu hỏi: “Một trong những nguyên nhân là thói quen và tâm lý ngại thay đổi của đa số người dân. Và chúng ta biết rằng, hiện nay, ở Việt Nam có hơn 90 triệu người dân, số lượng người dân sinh sống ở nông thôn chiếm 68%, tương đương 61,2 triệu người.

Hiện nay, Internet đã trở nên phổ cập ở Việt Nam. Theo thống kê, có 64 triệu người sử dụng Internet, trong đó, 58 triệu người đang sử dụng Facebook và các loại hình mạng xã hội. Việt Nam là một trong 7 quốc gia đứng đầu về sử dụng mạng xã hội.

Vậy tại sao người dân sử dụng được Facebook, lại không sử dụng được công cụ thanh toán ở tất cả các khu vực?”.

Theo ông Lợi, ở các khu vực, khi sử dụng dịch vụ thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua Internet trên nền tảng công nghệ thông tin sẽ mang tới rất nhiều lợi cho người dân. Vậy sao chúng ta không sử dụng được, đó có phải những hạn chế xuất phát từ ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ hay do người dân?

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán được phân bổ chưa đồng đều. Hệ thống ATM chủ yếu lắp đặt ở khu vực đô thị, thành phố, trong các nhà hàng, siêu thị. Vậy ở khu vực nông thôn chúng ta có nhiều chưa, có thể thanh toán được không?  Vì sao ở Trung Quốc, mấy năm vừa rồi, người bán hàng rong, bán hàng nhỏ lẻ đều thanh toán của dịch vụ ngân hàng, dịch vụ Internet vì sao họ không làm?

“Tôi rất tâm đắc khi Viettel đề xuất với NHNN xin áp dụng hệ thống thanh toán giống như Trung Quốc. Đó là điều Việt Nam cần làm, hiện chúng ta là một trong 30 quốc gia có nền công nghiệp CNTT mạnh nhất thế giới, vì sao chúng ta không làm?”, ông Lợi nói.

Từ đây, ông Lợi đề xuất Viettel nên hướng tại chỗ cho các đại biểu tham dự hội thảo, những người ở nông thôn biết cách sử dụng.

“Nếu được hướng dẫn tại đây, tôi sẽ sử dụng ngay”, ông Lợi khẳng định.

Ngoài ra, ông Lợi cũng đưa kiến nghị đối với một số giải pháp truyền thông trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ tháng 1.2018 tới nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có 274 bài viết, phóng sự phản ánh việc không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn. Tính bình quân, mỗi ngày sẽ có 1 tin bài phản ánh về vấn đề này. Với 872 cơ quan báo chí in, điện tử và 67 đài phát thanh - truyền hình, các cơ quan báo chí cần vào cuộc, truyền thôngg hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để đề án phát huy hiệu quả tại khu vực nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem