Người đàn ông nặng nợ với con tôm Rạch Gốc, nâng tầm con tôm Cà Mau là ai?

Chúc Ly Thứ ba, ngày 09/02/2021 13:15 PM (GMT+7)
Tôm Rạch Gốc từ lâu là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau, với chất lượng hảo hạng ít nơi nào sánh được. Phát huy lợi thế này, HTX Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển) dưới sự điều hành của ông Bùi Văn Chương đã đưa sản phẩm đến mọi miền đất nước, nâng giá trị con tôm của tỉnh.
Bình luận 0

Người tiêu dùng tin tưởng

Ông Bùi Văn Chương (SN1965) - Giám đốc HTX Tân Phát Lợi là gương mặt không còn xa lạ. Bởi những năm gần đây người ta thường thấy ông có mặt thường xuyên ở các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội thảo về sản phẩm đặc sản địa phương. Nhưng ít ai biết rằng, ông cũng chính là người tự tay lựa chọn nguyên liệu, bóc từng con tôm khô ở những năm trước.

Theo ông Chương, nói đến thương hiệu tôm khô Rạch Gốc, người ta nghĩ ngay đến con tôm sinh thái sống dưới những tán rừng ngập mặn. Bằng hình thức nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tức là nuôi theo cách tự nhiên, không có nhiều tác động từ phân, thuốc và con người, nơi đây "sản sinh" ra những con tôm đất, tôm sú, cua có chất lượng thịt ngon ngọt vượt trội.

Nắm được điều này, từ khi đến với vùng đất Ngọc Hiển vào năm 1986, sau đó trải qua nhiều năm liền với đủ thứ nghề, cuối cùng ông Chương cũng đã tìm ra hướng đi cho mình khi bắt tay vào làm tôm khô vào năm 2011.

tatnien/Người nặng nợ với con tôm Cà Mau - Ảnh 1.

Từ con tôm Rạch Gốc nguyên liệu, HTX Tân Phát Lợi đã tận dụng làm ra nhiều sản phẩm đặc sản. Ảnh: Chúc Ly

Hiện nay HTX Tân Phát Lợi đã đưa ra thị trường hơn 10 sản phẩm, hầu hết các mặt hàng đã có uy tín, chỗ đứng vững chắc khắp cả nước. Trong đó có 4 sản phẩm đã đạt chuẩn 3 sao OCOP.

Tiền thân của HTX Tân Phát Lợi là tổ hợp tác sản xuất tôm khô Tân Phát Lợi, thành lập năm 2011. 

Những ngày đó, chính ông Chương là người đi đầu vận động bà con sản xuất tôm khô tại địa phương tham gia HTX, nhằm tập trung nguồn hàng, đủ điều kiện cung ứng cho những khách hàng lớn.

Mang tiếng là HTX, nhưng lúc này các xã viên chưa định hình được mình phải làm gì để bán được sản phẩm đi nhiều nơi. Lúc này, vợ chồng ông Chương lại đích thân ngược xuôi tìm cơ hội. Ông Chương cho rằng phải tiếp cận thị trường thông qua tham quan mô hình; dự các hội chợ, đem sản phẩm tôm khô của HTX đi giới thiệu khắp nơi.

Theo ông Chương, những ngày đầu, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng ông luôn dặn dò các thành viên trong HTX phải lấy chữ tín làm tôn chỉ. 

Thời điểm đó, HTX chế biến các loại đặc sản như tôm khô tách vỏ, tôm khô nguyên vỏ, tôm thẻ lụi khô, tôm khô chà bông… bằng những con tôm còn sống. HTX cho ra những sản phẩm chất lượng thơm ngon, ngọt dẻo và tuyệt đối không sử dụng phẩm màu hóa chất. Nhờ đó, sản phẩm của HTX dần được khách hàng tin tưởng.

Không ngừng sáng tạo

Khi hoạt động của HTX đi vào ổn định, thì cũng là lúc phong trào sản xuất tôm khô, các sản phẩm từ con tôm ở Cà Mau phát triển mạnh. Điều này đặt ra vấn đề cạnh tranh rất lớn giữa các cơ sở sản xuất.

Lúc này, ông Chương lại một lần trăn trở tìm hướng đi mới cho HTX. Ông Chương bộc bạch: "Nhu cầu của thị trường ngày càng cao, khách hàng không chỉ đòi hỏi những sản phẩm ngon, chất lượng mà còn phải đẹp. Thực tế này khiến mình quyết tâm làm cho được nhãn hiệu hàng hoá, bởi đây là yếu tố quyết định đến sự thành công và khẳng định vị trí của mình. Cái tên có khả năng giúp người tiêu dùng ra quyết định lựa chọn sản phẩm phù hợp".

Cũng theo ông Chương, để tiện lợi trong cung - cầu, ông có sáng kiến đóng hộp sản phẩm đa dạng về trọng lượng, từ 100gr, 200gr, 300gr, 500gr và 1kg. Từ đó đã tạo thuận lợi cho các đại lý cung cho khách hàng theo yêu cầu. Chính sự đa dạng về chủng loại, đã giúp đưa sản phẩm tôm khô của HTX vào được một số siêu thị và nhiều chợ đầu mối lớn khác trong và ngoài tỉnh.

Khi đã định hình được hướng đi, ông Chương lại thuyết phục các thành viên tạo ra một chuỗi sản xuất từ chính con tôm nguyên liệu đặc trưng của địa phương.

Từ những sản phẩm truyền thống, ông Chương nghĩ ra cách sản xuất nhiều mặt hàng khác như muối tôm, bột canh, nước mắm tôm, mắm tôm… Điều khác biệt của HTX là sử dụng lại gần như hoàn toàn phụ phẩm từ con tôm nguyên liệu. Như với vỏ tôm, ông Chương nghĩ ra cách làm bột canh, bột phân tôm phục vụ chăn nuôi và trồng trọt; nước hấp tôm thì làm ra nước mắm... 

"Với quy trình khép kín này, con tôm được tận dụng tối đa, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng giá trị kinh tế. Nhờ đó, giá thành sản xuất các sản phẩm HTX làm ra thấp hơn bình thường. Lợi nhuận tăng lên là nhờ vào cách làm đó" - ông Chương khẳng định.

Ngoài các đối tác truyền thống, hiện sản phẩm của HTX Tân Phát Lợi đã có nhà phân phối chính thức tại Hà Nội, hệ thống đại lý rải đều khắp các tỉnh phía Bắc.

Ngoài xây dựng kho, xưởng tươm tất, HTX đã đầu tư hệ thống nhà máy phơi sấy sử dụng năng lượng mặt trời hiện đại.

Hiện tại, với sự đa dạng sản phẩm từ con tôm, vào những tháng bình thường trong năm, HTX xuất ra thị trường trung bình khoảng 4 tấn sản phẩm các loại. Riêng, 2 tháng Tết, sản lượng tăng gấp 3 lần. Qua đó, HTX có doanh thu khoảng 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động nông nhàn tại địa phương với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Ngọc Lâm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, đánh giá: "Nhiều năm qua, HTX Tân Phát Lợi là một đơn vị tiêu biểu trong sản xuất, nâng cao giá trị đặc sản địa phương. Người có công lớn trong việc này là ông Chương. Ông luôn trăn trở về việc phát triển thương hiệu tôm Rạch Gốc, làm sao cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng nhất". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem