Ngọt ngào giàn su su quê nhà

Bùi Việt Phương Chủ nhật, ngày 24/05/2015 07:00 AM (GMT+7)
Ngày bé, theo chân bà ra vườn, tôi cứ ngước mắt lên nhìn những trái xanh trên giàn mà thắc mắc sao chúng mang dáng vẻ bình dị lại có cái tên lạ lẫm: su su.
Bình luận 0
Lớn lên đi học trường làng, được nghe thầy giáo giảng giải về nguồn gốc cái tên gọi “chouchou” (theo cách gọi bằng tiếng Pháp ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương về loại quả này).  Rồi sau này lại nghe hình như có người ở vùng khác gọi là trái su le? Chỉ biết rằng, hương vị ngọt mát và dáng dấp loài cây ấy đã quá thân thuộc trong tâm hồn tôi.

Nhớ vào năm nhà tôi cất nhà ra mảnh đất mới, thấy chị tôi mang theo một trái su su già câng, không còn sắc xanh mát mắt mà là màu trắng nhạt, to núc hơn bình thường. Đã thế, ở đầu quả còn hé ra một cái mầm như lưỡi trai. Hai chị em tôi cắt đôi chiếc lồng gà bằng tre hình bầu dục chụp lên trái su su vừa ươm xuống; nơi đó, đất ẩm nhiều mùn ngay chân chiếc giàn tre bố tôi mới dựng hôm trước để mọi người khỏi sơ ý dẫm lên mầm quả. Ngoảnh đi, ngoảnh lại, sau những ngày mải mê đào dế, bẫy chim, đánh trận giả… trái su su đã lên mầm.
img
Giàn su su xanh tốt (ảnh: BVP)
Một vài hôm nhìn lại đã thấy ngọn cây leo xanh thẫm bám lấy chiếc cầu làm bằng mấy cành tre mảnh của tôi với những cái tay nhỏ xíu, cong như chiếc móc câu. Nhìn dưới gốc của cây tôi đã thấy lớp vôi phủ trắng xung quanh. Chị tôi bảo, người ta nói phải làm thế để đêm đến, ốc sên và các loài côn trùng khác sợ không dám vào phá ngọn non.

Mùa xuân qua, rồi nắng hạ bắt đầu gay gắt trên mọi con đường, ngoài sân. Lũ trẻ con chúng tôi thích tránh nắng dưới dàn su su đang buông những trái xanh xinh xắn. Rồi những trái đầu tiên được hái xuống, gọt vỏ, thứ nhựa dính các ngón tay đã làm nên một lớp cùi trong mát. Những múi su su khi cắt lát ngang như những cánh hoa được trang trí; khi thái chỉ để xào chúng lại mềm mại như sợi bún.

Giữa cái oi ả mùa hè, có bát canh cua, quả cà muối, thêm đĩa su su luộc hay đồ chấm với nước mắm thì thật thú vị. Mẹ tôi bảo giống su su nhà bà rất sai quả, nhưng phải là người mát tay lựa trái làm giống khi đem trồng mới được như thế. Khi ấy, tôi chẳng rõ “mát tay” nghĩa là gì, chỉ biết là khi vào chính vụ dù mẹ đã hái ra chợ bán, đem biếu hàng xóm cũng chẳng hết được số quả trên giàn.

Năm tháng qua đi, một buổi trưa hè oi bức, trong bữa cơm tại nhà hàng, nhìn vào tờ thực đơn với món su su luộc chợt thấy thú vị. Chẳng biết hành trình từ những giàn tre chốn quê hương xa ngái để đến mâm cơm sang trọng ấy, những trái xanh kia đã trải qua bao lần xe đò như thế nào. Người nông dân nhận về được bao nhiêu với cái giá của mồ hôi, nước mắt? Chỉ biết rằng vẫn với vị ngọt mát ấy, loại quả có cái tên đặc biệt này đã nhen nhóm từ mùa trước khô héo qua ngày đông giá, nảy chiếc mầm xanh như lưỡi con trai để mùa xuân vươn lên những ngọn, những tay đầy sức sống và xanh cho đến tận ngày hè. Có lẽ, người gieo trái nào cũng là người mát tay bởi đã góp công làm nên thứ  trái cây bình dị, thân thương trong bữa cơm của mỗi gia đình Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem