Nghịch cảnh "người được săn đón, kẻ khát vốn", ngân hàng sốt ruột "mua" vốn cho ai vay?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 28/07/2023 06:30 AM (GMT+7)
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sẽ không có một “mô típ” chung nào cho tất cả các doanh nghiệp khi tiếp cận vốn ngân hàng, dễ hay khó tùy vào sức khỏe của từng doanh nghiệp. Về phía ngân hàng, chẳng có ai “mua” vốn về mà không muốn cho vay.
Bình luận 0

Vay vốn ngân hàng - không có "mô típ" chung cho tất cả các doanh nghiệp

Đề cập tới việc tiếp cận vốn ngân hàng, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp giảm sút 20-30% so với cùng kỳ do sự suy yếu về cầu trong nước và thế giới yếu. Chính vì vậy, dù ngành Ngân hàng đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay, nhưng Tổng công ty May 10 không có nhu cầu vay vốn. Thậm chí, nhiều ngân hàng săn đón mời vay nhưng doanh nghiệp "ngó lơ".

"Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng", ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết.

Nghịch cảnh "người được săn đón, kẻ đói vốn", ngân hàng sốt ruột "mua" vốn cho ai vay? - Ảnh 1.

Công nhân tại May 10. Ảnh: Garco10.

Công ty Cổ phần TM & DV HTC có "động thái" hoàn toàn trái ngược. 

Theo chia sẻ của bà Lê Thị Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TM & DV HTC, giai đoạn trước đại dịch Covid-19, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sau đại dịch doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển mở rộng sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng; doanh thu sản xuất cũng tăng lên gấp đôi so với trước dịch. Cũng kể từ đó, doanh nghiệp mới khó khăn về vốn và  tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng là giải pháp của doanh nghiệp. Hiện dư nợ vay ngân hàng của Công ty Cổ phần TM & DV HTC vào khoảng 20 tỷ đồng, với lãi suất vay 9%/năm.

"Việc tiếp cận vốn rất dễ dàng, thậm chí "dễ tới bất ngờ" chứ không khó khăn như nhiều doanh nghiệp phản ánh. Cán bộ ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi để chúng tôi tiếp cận vốn vay, chưa gặp bất cứ khó khăn nào", bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, với tốc độ tăng trưởng và hợp đồng đã ký, trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ làm việc với ngân hàng để được vay thêm 4 – 5 tỷ đồng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bà cũng mong muốn, các ngân hàng giảm thêm 1 – 2% lãi suất cho vay để doanh nghiệp "dễ thở" hơn trong bối cảnh lợi nhuận có xu hướng thu hẹp trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Nguồn vốn cũng là vấn đề khiến ông Vũ Công Huân – Giám đốc Công ty Cổ phần HDC "đau đầu" nhất ở thời điểm hiện tại. Ông cho biết, với tiềm lực tài chính hiện tại, Công ty Cổ phần HDC mới chỉ đang đáp ứng được khoảng 35% đơn hàng trong nước. Hiện, doanh nghiệp tiếp cận vốn tại 3 ngân hàng với dư nợ tín chấp khoảng 10 tỷ đồng - thấp so với hạn mức được cấp 80 tỷ đồng và nhu cầu của doanh nghiệp, mặc dù dòng tiền của doanh nghiệp tốt và các khách hàng của doanh nghiệp đều là các khách hàng tốt như Masan, Vingroup. 4 năm nay chưa có năm này dòng tiền của khách hàng về chậm quá 5 ngày.

"Khó khăn của chúng tôi là nguồn vốn, chúng tôi cũng đã trao đổi với ngân hàng và các ngân hàng chia sẻ rằng, dòng tiền của doanh nghiệp tốt tuy nhiên theo quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa tín chấp tối đa chỉ khoảng 3 tỷ, 3 ngân hàng khoảng 10 tỷ đồng. Điều này khó khăn cho doanh nghiệp", ông Huân nói và bày tỏ mong muốn, ngành Ngân hàng có gói tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn lớn hơn.

Còn theo thống kê của ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, vẫn có tới 25% doanh nghiệp thuộc Hiệp hội phản ánh đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và đâu đó vẫn còn tình trạng gây khó dễ của nhân viên tín dụng.

Hiện nay, các ngân hàng vẫn cho vay chủ yếu dựa trên tài sản bảo đảm trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không có tài sản để thế chấp. Nhiều doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp, không cần tài sản bảo đảm nhưng không được.

Từ những câu chuyện nêu trên có thể thấy, việc tiếp cận vốn theo doanh nghiệp này là dễ, nhưng với doanh nghiệp khác lại khó như "lên trời". Hiểu nôm na, sẽ không có một "mô típ" chung nào cho tất cả các doanh nghiệp, bởi theo như lời của ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), kênh ngân hàng khác hẳn kênh ngân sách là tiêu tiền, chi tiền không đòi lại. Với các ngân hàng huy động vốn để cho vay nên phải gắn với câu chuyện thu hồi nợ. "Ngân hàng luôn cân nhắc khi đưa tiền ra, và câu hỏi đầu tiên là có thu hồi được về hay không?", ông Quang nhấn mạnh.

Ngân hàng sốt ruột muốn cho vay

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam đánh giá, đứng trước tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp như hiện nay, các tổ chức tín dụng cũng không kém phần sốt ruột bởi họ phải huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền, nên việc không cho vay được thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập. Hơn nữa, cho tới nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay, nên tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo. Vì lẽ đó, hơn ai hết, các tổ chức tín dụng đều đang nỗ lực để tăng trưởng tín dụng, đưa vốn tín dụng trở lại thị trường.

Nghịch cảnh "người được săn đón, kẻ đói vốn", ngân hàng sốt ruột "mua" vốn cho ai vay? - Ảnh 2.

Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trong 1 năm vừa qua (nghìn tỷ VND)

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mùi – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng nhấn mạnh, ngân hàng nào cũng muốn cho vay.

"Đã mua vốn về thì phải cho vay và phải có chênh lệch mới phát triển được. Nói một cách đúng nghĩa ra lợi nhuận nuôi sống ngân hàng chủ yếu là qua hoạt động cho tín dụng. Có ông ngân hàng nào không thích cho vay. Nếu tạo điều kiện để cho vay mà không tính đến yếu tố rủi ro, ngân hàng nào cũng xung phong", bà Mùi nói.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định, thẩm quyền cho vay bây giờ giao lại cho ngân hàng thương mại là chính, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào các hình thức cấp tín dụng của ngân hàng. "Trong lúc này, ngân hàng và doanh nghiệp phải đặt mình vào hoàn cảnh của nhau để cùng chia sẻ. Phải có niềm tin, phải có chữ tín với nhau", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu quan điểm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem