Nghi do căng thẳng, áp lực nợ nần, 1 sinh viên uống chất tẩy bồn cầu tự tử

Diệu Linh - Đỗ Hằng Thứ sáu, ngày 10/09/2021 12:03 PM (GMT+7)
Ngày 10/9, tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ vừa phẫu thuật cứu sống 1 bệnh nhân bị bỏng thực quản do uống hóa chất. Sinh viên này được cho là do áp lực nợ nần đã dại dột uống chất tẩy bồn cầu.
Bình luận 0

Bệnh nhân kiệt quệ vì không ăn uống được 

TS.BS.Trần Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân là một sinh viên trẻ. 

Do căng thẳng trước áp lực bị đòi nợ, cậu sinh viên trẻ đã uống 300ml hóa chất tẩy rửa bồn cầu để tự tử. Dù được phát hiện kịp thời và được đưa đi cấp cứu nhưng thực quản của chàng trai bị tổn thương nặng, khiến thực quản bị hẹp lại. 

Theo bác sĩ Hùng, ngày 24/8, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng cơ thể bắt đầu suy kiệt (BMI: 19), đau tức ngực sau xương ức, không nuốt được (kể cả nước bọt), kích thích, buồn nôn, nôn liên tục. Bệnh nhân cao 1m70 nhưng cân nặng chỉ còn 55kg. 

Do không nuốt được nên bệnh nhân được nuôi dưỡng bằng 2 đường: Truyền tĩnh mạch và bơm qua sonde mở thông hỗng tràng trước đó để đảm bảo năng lượng 2.500 kcal/ ngày. Sau 1 tuần nuôi dưỡng, cân nặng bệnh nhân tăng 2,5 kg, BMI: 19,9. 

Chẩn đoán cho thấy, toàn bộ thực quản và dạ dày tổn thương nghiêm trọng do chất ăn mòn gây co rút, chít hẹp thắt chặt toàn bộ thực quản và dạ dày. Lòng thực quản có nhiều sẹo (do bỏng hoá chất gây nên) gây chít hẹp hoàn toàn thực quản ở đoạn thực quản cổ ngay dưới hầu, máy soi không thể đi sâu xuống được, vị trí hẹp cách cung răng trước 20 cm.

Vì thực quản chít hẹp nên các bác sĩ không thể soi xuống được dạ dày. Chụp MSCT ngực bụng, dựng hình thực quản cho thấy thực quản bị teo hẹp trên 1 đoạn dài, hẹp ở nhiều vị trí, dạ dày bị teo nhỏ lại, thành dày. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được làm nội soi đại tràng, đo chức năng hô hấp, siêu âm tim… để đảm bảo an toàn trong cuộc mổ.

Căng thẳng, áp lực nợ nần, 1 sinh viên uống chất tẩy bồn cầu, tổn thương nặng thực quản - Ảnh 1.

Ảnh: Ê-kíp phẫu thuật

7 tiếng phẫu thuật cam go cho bệnh nhân

Sau khi được hội chẩn bởi các phẫu thuật viên dày dặn kinh nghiệm, các bác sĩ buộc phải đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn. Đó là cắt bỏ toàn bộ thực quản và dạ dày, dự kiến tạo hình lại đường tiêu hóa trên bằng hồi đại tràng phải. 

Đối diện với chỉ định này đồng nghĩa với việc bệnh nhân sẽ phải mất một thời gian để tập ăn uống trở lại. Bởi lẽ, cắt bỏ toàn bộ dạ dày là điều không tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn về sau. Bệnh nhân sẽ phải kiểm tra sức khỏe định kỳ; Chất lượng cuộc sống ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng do thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt...

TS Trần Mạnh Hùng - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp đã trực tiếp cùng với đồng nghiệp mổ 3 tăng thì cho bệnh nhân. 

Thì 1- ngực: Phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ thực quản ngực, do thực quản tổn thương nặng gây hoại tử, viêm dính nên sau 3,5 giờ mới cắt xong thực quản ngực;

Thì 2 - bụng: Mổ mở kiểm tra thấy dạ dày co rút teo nhỏ, hẹp hoàn toàn từ tâm vị đến môn vị, không còn khoảng trống trong lòng dạ dày. Các bác sĩ tiến hành cắt bỏ toàn bộ dạ dày. Kiểm tra giải phẫu hồi đại tràng phải, tiên lượng có thể đảm bảo tiêu chuẩn để thay thế dạ dày và thực quản, giải phóng hồi đại tràng phải thận trọng, rõ ràng.

Thì 3 - cổ: Mở cổ bên trái, cắt bỏ thực quản cổ trên chỗ hẹp, tương đương bờ trên tuyến giáp, lập lại lưu thông đường tiêu hóa bằng miệng nối thực quản hồi tràng tại đây.

Có thể nói, đây là ca mổ vô cùng phức tạp, phải được thực hiện bởi phẫu thuật viên có trình độ chuyên môn tốt, kỹ năng và kinh nghiệm lâm sàng thành thạo. Ca mổ kéo dài suốt 7 tiếng là một thách thức không nhỏ đối với các phẫu thuật viên. 

Ca mổ đã thành công, bệnh nhân không phải truyền máu trong và sau mổ, không có tai biến hay biến chứng gì. 

Đến ngày thứ 7, bệnh nhân đã ăn được nước cháo, nuốt không nghẹn, đường tiêu hóa tốt. Hiện tại bệnh nhân đang phục hồi tốt và sẽ được ra viện trong những ngày sắp tới.

6 tháng phẫu thuật cho 3 bệnh nhân bỏng thực quản và dạ dày cho hóa chất

Chia sẻ về ca phẫu thuật, TS Hùng cho biết, thực quản bệnh nhân bị bỏng toàn bộ nên rất dính với các tổ chức xung quanh, khác với các phẫu thuật cắt thực quản do các bệnh lý khác, gây khó cho phẫu thuật viên trong việc phẫu tích thực quản ở ngực. 

Căng thẳng, áp lực nợ nần, 1 sinh viên uống chất tẩy bồn cầu, tổn thương nặng thực quản - Ảnh 2.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người đang quá căng thẳng bởi áp lực cuộc sống, dẫn đến trầm cảm, stress… nên cố gắng có lối sống và tư duy tích cực (Ảnh minh họa: Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh BVCC)

Đặc biệt, giải phẫu của thực quản ngực liên quan đến nhiều mạch máu lớn như động mạch chủ, tĩnh mạch chủ, động mạch phổi, tĩnh mạch phổi và khí phế quản, ống ngực… nên chỉ cần một sơ suất nhỏ trong việc phẫu tích cũng có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng. 

Mặt khác bệnh nhân bị hẹp thực quản rất cao, ngay dưới hầu nên kíp phẫu thuật phải phẫu tích thực quản đoạn cổ lên rất cao để có thể lấy được hết tổn thương, cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc làm miệng nối ở đây để phục hồi lưu thông đường tiêu hóa. 

Bên cạnh đó, phải lựa chọn bộ phận để thay thế cho cả thực quản và dạ dày sao cho đảm bảo được chức năng vận chuyển, chức năng tiêu hóa thức ăn cũng như chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật của bệnh nhân; Phải lập lại lưu thông đường tiêu hóa nên có nhiều miệng nối phải được thực hiện, nguy cơ xì rò, bục miệng nối nhiều hơn…

"Đây là loại tổn thương hiếm gặp, cho đến nay trên thế giới chỉ có vài trường hợp được thông báo dưới dạng các ca lâm sàng. Tuy nhiên, đó chỉ là các trường hợp cắt bỏ thực quản bị tổn thương do uống nước tẩy rửa bồn cầu mà chưa có trường hợp nào phải cắt bỏ đồng thời cả thực quản và dạ dày được ghi nhận. 

Đây là một phẫu thuật lớn, khó và vô cùng phức tạp. Phẫu thuật tạo hình đường tiêu hóa với nhiều tạng lớn, có chức năng quan trọng, ở những vị trí khó phải cắt bỏ và phải lựa chọn bộ phận để tạo hình đường tiêu hóa với nhiều miệng nối khác nhau", TS Hùng chia sẻ. 

Đáng nói, trong 6 tháng qua, TS Hùng và ê kíp phẫu thuật đã phải thực hiện 3 trường hợp bệnh nhân  hỏng toàn bộ thực quản và dạ dày do chất ăn mòn. 

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, những người đang quá căng thẳng bởi áp lực cuộc sống, dẫn đến trầm cảm, stress… nên cố gắng có lối sống và tư duy tích cực. Cuộc sống là vô cùng quý giá, nhiều người đang ngày đêm chiến đấu sinh tử để giành lại sự sống. Nếu ai đó cảm thấy quá căng thẳng, muốn giải tỏa cuộc sống thì có thể tìm gặp bác sĩ tâm lý hoặc sức khỏe tâm thần để được tư vấn, giải đáp….
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem