Những người Việt trẻ từ nước ngoài trở về cùng lo việc xã hội

Nam Giao Thứ năm, ngày 14/02/2019 06:20 AM (GMT+7)
Không hẹn mà nên, tôi gặp hai gương mặt trẻ có nhiều điểm chung: Trở về Việt Nam làm việc, cùng chung ý định xây dựng doanh nghiệp có tác động xã hội bằng hoạt động giáo dục…
Bình luận 0

Thay đổi từ giáo dục

“Xây dựng hệ sinh thái và cộng đồng kiến tạo đổi mới rất quan trọng”. Lê Đình Hiếu viết như vậy trên facebook cá nhân, sau khi tham gia diễn đàn tri thức trẻ ở Đà Nẵng vào đầu tháng 12.2018. 

Một ý tưởng tốt tại San Francisco, Los Angeles (Mỹ) hay Singapore, theo Hiếu, dễ dàng kiếm được người đồng hành, phản biện, cố vấn hay nhà đầu tư chỉ sau vài tuần lễ công bố.

“Còn tại Việt Nam, nhiều trí thức trẻ khao khát đổi mới sáng tạo rất cô đơn. Tôi đôi khi rất mong muốn được thấy ý tưởng của mình bị phản bác, vùi dập để nhìn thấy điểm mạnh, yếu. Còn đằng này, không ai buồn thử nghiệm, không ai buồn ý kiến” - Hiếu viết.

img

  Lê Hoàng Nhi đang có nhiều dự định với hoạt động giáo dục, thiện nguyện. (Ảnh: N.G)

Bốn năm hoạt động trong ngành giáo dục, chàng trai 32 tuổi có bằng thạc sĩ giáo dục từ ĐH Pennsylvania (Mỹ) đã hút gần 40 người cộng tác, làm việc tại học viện GAP do Hiếu sáng lập. GAP trong suy nghĩ của Hiếu, là một doanh nghiệp xã hội, đồng hành, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho sinh viên.

“Tôi chọn giáo dục từ một lần tình cờ gặp lại người quen cũ, một cô bé không được học hành tới nơi tới chốn, suốt ngày phụ mẹ bán hàng trở thành người mẹ đơn thân. Hoá ra cơ hội giáo dục không đồng đều với mọi người” - Hiếu kể.

Sau khi trao đổi với hai du học sinh thế hệ đàn anh, cả 3 cùng có ý định “làm-một-cái-gì-đó-trong-giáo-dục”. Sản phẩm ra đời là Everest, một tổ chức giáo dục giúp học sinh, sinh viên chuẩn bị hành trang du học. Sau 5 năm gắn bó với Everest, Hiếu tự hỏi: “Liệu có thể làm tổ chức giáo dục có chất lượng, chi phí phù hợp với nhiều người?”

Hiếu nộp hồ sơ và được nhận học bổng đào tạo doanh nghiệp xã hội ở Stanford (Mỹ). Hành trang lớn nhất trong khoá học ở một trường đại học nổi tiếng về công nghệ như Stanford, đã giúp Hiếu có kiến thức, biết cách làm bài bản...

Trở về Việt Nam, Hiếu mở học viện GAP vào cuối năm 2016. Sau 2 năm gây dựng, anh quyết định học thạc sĩ giáo dục ở ĐH Pennsylvania, để “nâng cao chất lượng giáo dục” trong tổ chức do chính anh điều hành. 

Bốn năm tham gia lĩnh vực giáo dục, Hiếu tham gia và đồng sáng lập hai tổ chức giáo dục. Chàng trai 32 tuổi này xác nhận, được như vậy nhờ có 3 điều trong hành trang trở về quê hương.

Thứ nhất, đó là sự hiểu biết, học được những điều hay từ giáo dục ở nước ngoài. Thứ hai là dám làm điều mình nghĩ. Cuối cùng, tạo dựng quan hệ trong cộng đồng giáo dục, du học sinh.

Mơ ước của Hiếu là hình thành một “think-tank” (tư vấn, hiến kế) chuyên về đổi mới, sáng tạo trong giáo dục. “Một hệ sinh thái giáo dục hoàn chỉnh gồm có: Nhà nước, xã hội, đại học công - tư, think-tank” - Hiếu nói.

Chia sẻ ước mơ

Niềm yêu thích nghiên cứu theo Lê Hoàng Nhi trong suốt hai năm học thạc sĩ luật ở trường Paris 11. Nhận bằng thạc sĩ, Nhi nộp hồ sơ học tiếp thạc sĩ chuyên ngành tài chính. Ra trường, làm việc tại Pháp một thời gian, “đủ các điều kiện về công việc, thời gian lưu trú trên năm năm để nhập tịch”, nhưng Nhi quyết định trở về Việt Nam vì “muốn đóng góp, chia sẻ kiến thức”.

Thay đổi lớn nhất sau khi du học, bên cạnh tiếp thu kiến thức, hiểu biết về văn hoá, là lối suy nghĩ, hướng tiếp cận vấn đề một cách bao quát hơn” - Nhi nói.

Lối suy nghĩ “kiến thức cần được chia sẻ”, giúp Nhi có thêm nhiều hoạt động, như đứng lớp truyền thụ các kiến thức về lập trình như ngôn ngữ R dùng trong thống kê.

Sau khi thôi công việc chuyên về xây dựng chỉ số, Nhi làm cho một công ty về thức ăn chăn nuôi. Do công việc đòi hỏi phải tính toán, dự báo lượng hàng cần mua, thời điểm đặt mua, nên anh phải tự xây dựng, lập trình các ứng dụng phân tích, thu thập dữ liệu từ các nguồn cung ứng trên toàn cầu.

“Mất sáu tháng để xây dựng kế hoạch tháng và mất chừng đó thời gian để có thể lên kế hoạch ngày, để có kế hoạch mua hàng phù hợp” - theo lời Nhi.

Trung bình mỗi tháng, Nhi “đi chợ” khoảng 400 tỷ đồng, đã có nhiều quyết định làm lợi cho doanh nghiệp khi dự báo tương đối chính xác diễn biến thị trường của nhiều ngành hàng.

Nhưng ý tưởng xây dựng mạng xã hội dành riêng cho hoạt động xã hội được Nhi ấp ủ từ lâu, đó là Wishare - mạng xã hội phục vụ, đáp ứng nhu cầu thiện nguyện, do Lê Hoàng Nhi lập ra và chạy thử nghiệm từ tháng 10.2018.

Từ quan sát riêng, Nhi hiểu rằng, tìm và kết nối nhu cầu của ứng viên với các tổ chức xã hội không hiệu quả, vì thông tin rời rạc, khó kết nối đúng đối tượng, đúng nhu cầu. Tháng 5.2016, trong một chuyến đi cùng hai người bạn, Nhi có ý tưởng xây dựng một mạng xã hội.

“Ban đầu tôi nghĩ đơn giản, chỉ cần có ý tưởng, thuê một nhóm làm là được” - Nhi kể về những ngày đầu khó khăn.

Mất 3 tháng làm xong bản thiết kế, nhưng công việc sau đó không tiến triển như ý, Nhi phải thuê một nhóm lập trình tự do. Lại thấy công việc không đúng tiến độ, Nhi phải tuyển riêng 3 người để làm. Sau 30 tháng, Wishare thành hình.

Hiện tại, nhiều cá nhân, tổ chức bắt đầu sử dụng Wishare để chia sẻ ước muốn, gắn kết nhu cầu và khả năng trợ giúp cộng đồng, từ tặng xe đạp, trao học bổng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. “Trong tương lai, Wishare sẽ được vận hành như một doanh nghiệp có tác động xã hội” - Nhi hồ hởi nói về dự định trước mắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem