Ngân hàng SCB đòi nhóm Trương Mỹ Lan bồi thường 760.000 tỷ đồng, cao hơn cáo trạng xác định

Chinh Hoàng - Gia Bình Thứ sáu, ngày 15/03/2024 06:22 AM (GMT+7)
Cáo trạng xác định Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát trực tiếp gây thiệt hại cho SCB khoảng 498 tỷ đồng nhưng đại diện ngân hàng này cho rằng, tổng thiệt hại trong vụ án là hơn 760.000 tỷ đồng.
Bình luận 0

Theo cáo trạng, từ 2012 – 2022, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh và đồng phạm tạo lập hơn 2.500 khoản vay, rút hơn 1 triệu tỷ đồng của SCB. Đến nay, các khoản vay này còn dự nợ 677.286 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi.

Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm trực tiếp về 498.000 tỷ đồng trong đó. Người phụ nữ đang bị truy tố về các hành vi tham ô, vi phạm quy định về ngân hàng và đưa hối lộ.

Ngân hàng SCB đòi nhóm Trương Mỹ Lan bồi thường 760.000 tỷ đồng, cao hơn cáo trạng xác định- Ảnh 1.

Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị hại, người liên quan trong vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB.

Chiều 14/3, đại diện SCB với tư cách bị hại được trình bày tại tòa, cho hay không đồng ý con số Trương Mỹ Lan phải chịu trách nhiệm. Phía SCB cho rằng, thiệt hại trong vụ án phải là 677.286 tỷ đồng, số liệu tạm tính đến ngày 5/3 là 760.279 tỷ đồng (bao gồm tiền gốc 482.449 tỷ và lãi/phí là 277.830 tỷ đồng).

Phía SCB cho hay, Trương Mỹ Lan còn sở hữu các tài sản khác, như chính bị cáo trình bày tại tòa, nên đề nghị HĐXX truy tìm, kê biên, phong tỏa rồi giao cho SCB để đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Cũng theo đại diện SCB, các bị cáo gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của Ngân hàng SCB trong mắt người dân, buộc Nhà nước phải vào cuộc. Do vậy, SCB đề nghị HĐXX xem xét đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngân hàng.

Ngân hàng SCB đòi nhóm Trương Mỹ Lan bồi thường 760.000 tỷ đồng, cao hơn cáo trạng xác định- Ảnh 2.

Trương Mỹ Lan và các bị cáo tại tòa.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước xin giảm nhẹ cho bị cáo

Tiếp theo, chủ tọa yêu cầu đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lên trả lời, vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, vậy NHNN có biện pháp gì để tránh tình trạng tương tự như SCB trong tương lai?

Đại diện NHNN cho hay cơ quan này đã rút ra một số kinh nghiệm, thấy rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về các tổ chức tín dụng; cơ chế thanh tra giám sát giữa NHNN với chi nhánh các tỉnh thành phải chặt chẽ hơn.

Cơ chế liên quan giám sát hoạt động đoàn thành tra; giữa người ra quyết định và thành viên đoàn thanh tra cũng cần được nghiên cứu để tăng tính tự quản, đảm bảo sự trung thực của cán bộ.

Về sai lầm của các bị cáo thuộc thanh tra NHNN, NHNN chi nhánh TP.HCM, những người đại diện xin "không bình luận" nhưng cho hay, thời gian gần đây, NHNN có sự tăng cường phối hợp với bộ ngành liên quan như Kế hoạch Đầu tư, Tài chính hoặc nếu thấy vi phạm sẽ chuyển hồ sơ cho công an.

Luật các tổ chức tín dụng mới cũng được ban hành, bao gồm nội dung nâng cao năng lực Ban kiểm soát để từ đó nâng cao chất lượng giám sát nội bộ của chính ngân hàng vì giám sát của NHNN là từ xa nên giám sát nội bộ rất cần thiết.

Cuối cùng, đại diện NHNN cho rằng các bị cáo trong vụ đã có quá trình cống hiến cho NHNN hoặc SCB lại thêm thành khẩn vi phạm, hối lỗi, phối hợp điều tra, nhân thân tốt… nên đề nghị tòa xem xét tình tiết vụ án, có chế tài phù hợp với họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem