Nam Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá "3 không", sẵn sàng tiếp đón Đoàn Ủy ban châu Âu về kiểm tra IUU

Mai Chiến Chủ nhật, ngày 20/08/2023 05:31 AM (GMT+7)
Theo kế hoạch, tháng 10/2023, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 4 về chống khai thác IUU. Để chuẩn bị tốt cho cuộc kiểm tra lần này, tỉnh Nam Định đã và đang thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU.
Bình luận 0

Người đứng đầu chính quyền phải chịu trách nhiệm nếu để tàu cá vi phạm IUU

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Công văn số 593/UBND-VP3 về việc thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU) để chuẩn bị cho cuộc làm việc lần thứ 4 vào tháng 10/2023 với Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu (EC)

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở NNPTNT Nam Định chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện liên quan tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ số lượng và thực trạng tàu cá để sàng lọc, phân loại đảm bảo theo dõi, giám sát được toàn bộ hoạt động của đội tàu, đặc biệt các tàu cá "3 không" (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm); xử lý dứt điểm tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Nam Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá "3 không", sẵn sàng tiếp đón Đoàn Ủy ban châu Âu về kiểm tra IUU - Ảnh 1.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 508/520 tàu cá từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT. Ảnh: Mai Chiến.

Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào cảng, thực hiện đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, cập nhật đầy đủ số liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác thủy sản.

Thực hiện xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo tính pháp lý. Đảm bảo giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ qua cảng.

Song song với đó, mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; đặc biệt tập trung xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về giám sát hành trình (GSHT)…

Đối với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu tăng cường lực lượng kiểm tra, kiểm soát tàu rời bến, cập bến và tuần tra kiểm soát trên biển; đảm bảo kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại Trạm Kiểm soát biên phòng tuyến biển.

Phối hợp kiểm tra tàu cá ra, vào tại cảng cá, kiên quyết không cho ra khơi những tàu cá không đảm bảo các yêu cầu theo quy định; chấm dứt tình trạng tàu cá chưa lắp thiết bị GSHT, không có giấy phép khai thác, hết hạn đăng kiểm vẫn đi hoạt động.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp mạnh để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xác minh, xử lý triệt để tình trạng môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Nam Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá "3 không", sẵn sàng tiếp đón Đoàn Ủy ban châu Âu về kiểm tra IUU - Ảnh 2.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định kiểm tra thực tế về công tác chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Mai Chiến.

UBND tỉnh Nam Định cũng đề nghị lãnh đạo các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Trực Ninh chỉ đạo các địa phương xác định rõ nguyên nhân, vị trí, địa điểm đang neo đậu đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GSHT), tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày.

Phối hợp với Sở NNPTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các đơn vị liên quan điều tra, xác minh các trường hợp cố tình vi phạm; chủ động xử lý nghiêm và dứt điểm các vi phạm ngay tại địa phương theo thẩm quyền. Cung cấp tài liệu và bố trí nhân lực sẵn sàng làm việc với Đoàn Thanh tra EC.

"Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng liên quan với kết quả thực hiện chống khai thác IUU; người đứng đầu chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh khi để xảy ra các vi phạm về chống khai thác IUU trên địa bàn", Công văn nhấn mạnh.

Nam Định chốt chặn 24/24 giờ tại 3 cửa sông lớn đổ ra biển

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào khai thác sử dụng, gồm Cảng cá Ninh Cơ và Cảng cá Thành Vui (loại III), đều nằm trên địa bàn huyện Hải Hậu. Trong đó, Cảng cá Ninh Cơ, thuộc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định đã được Bộ NNPTNT công nhận là Cảng cá loại I vào năm 2020.

Cảng cá Ninh Cơ có tổng diện tích 10,2 ha với các hạng mục công trình như cầu cảng dài 192m, 2 âu neo đậu sức chứa trên 100 tàu (công suất từ 20 - 90CV), trạm cung cấp nước sạch công suất 300m3/ngày đêm…

Nam Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá "3 không", sẵn sàng tiếp đón Đoàn Ủy ban châu Âu về kiểm tra IUU - Ảnh 3.

Cán bộ Ban quản lý Cảng cá Nam Định kiểm tra vị trí hoạt động của các tàu cá. Ảnh: Mai Chiến.

Từ khi Cảng cá Ninh Cơ và khu neo đậu tàu, thuyền đi vào hoạt động, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa, mua bán sản phẩm sau khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Đây cũng là nơi cung cấp nhu yếu phẩm tại chỗ cho tàu, thuyền khai thác hải sản; nơi tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền khi có gió bão, giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nam Định cho biết, nhiệm vụ chính của Ban Quản lý Cảng cá là hướng dẫn tàu thuyền ra vào cảng; giám sát sản lượng đánh bắt, nhật ký khai thác.

Ngoài ra, cung cấp các dịch vụ hậu cần; tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm soát tàu cá…

Theo ông Chung, những năm qua, Ban Quản lý Cảng cá Nam Định tích cực thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm soát tàu cá ra vào Cảng cá Ninh Cơ. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý đối với tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật, ngăn chặn việc khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không ghi nhật ký hành trình khai thác nhằm kiểm soát tốt sản lượng thủy sản ra vào cảng cá.

Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản và xử lý tàu cá khai thác vượt khỏi ranh giới cho phép, tàu cá vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở chủ tàu mang đầy đủ hồ sơ tàu, thuyền và thực hiện nghiêm việc khai báo khi tàu cập và rời cảng; ghi nhật ký hành trình khai thác, đánh bắt đúng các ngư trường được phép, tạo thuận lợi cho việc xác định nguồn gốc xuất xứ của các loại thủy sản khai thác xuất bán vào các thị trường nước ngoài…

"Hiện nay, các tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Cảng cá Ninh Cơ cơ bản đã lắp đặt thiết bị GSHT, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, ghi chép nhật ký khai thác đầy đủ. Ra, vào cảng các chủ tàu đều đăng ký trước 1 giờ đồng hồ và xuất trình giấy tờ với Ban quản lý. Hải sản sau khi thu hoạch về đều được các cơ sở thu mua tại Cảng", ông Chung cho hay.

Nam Định kiên quyết xử lý nghiêm tàu cá "3 không", sẵn sàng tiếp đón Đoàn Ủy ban châu Âu về kiểm tra IUU - Ảnh 4.

Cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5 hỗ trợ chủ tàu làm thủ tục đề nghị cấp phép tần số. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Chung thông tin thêm, hằng năm, đơn vị phối hợp chặt chẽ với Văn phòng đại diện để thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Ninh Cơ đối với các tàu cá; nhằm ngăn chặn các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không quy định.

"Hiện nay, lực lượng chức năng luôn chốt chặn 24/24 giờ tại 3 cửa Hà Lạn, Ninh Cơ và cửa Đáy, phân làm 4 ca/1 ngày với số người tham gia trực là 23 người, mục đích ngăn chặn, phát hiện các lỗi vi phạm về khai thác IUU, không cho tàu cá vi phạm ra khơi…", ông Chung bộc bạch.

Chia sẻ về công tác cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho các tàu cá đánh bắt xa bờ, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết, có 2 loại thiết bị cần phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đó là các thiết bị thông tin liên lạc sóng ngắn (bộ đàm) và thiết bị GSHT.

Theo quy định của Ủy ban Châu Âu và đã được quy định trong Luật Thủy sản, thì các tàu đánh bắt xa bờ (dài trên 15m) phải được lắp thiết bị GSHT khi ra khơi.

Do đó, thời gian qua, ngành thông tin tỉnh Nam Định đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan hỗ trợ, thu hồ sơ làm thủ tục cấp phép tần số vô tuyến điện cho các chủ tàu trên địa bàn tỉnh.

"Năm 2022 và từ đầu năm đến nay, Sở đã chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực 5, một số nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho thiết bị GSHT về trực tiếp tại 3 huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu tổ chức tuyên truyền các quy định liên quan đến việc sử dụng các thiết bị thông tin vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá có chiều dài tàu từ 15m trở lên và hướng dẫn, hỗ trợ thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho thiết bị GSHT tàu cá cho bà con ngư dân", lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định nói.

Tính đến hết tháng 6/2023, tổng số tàu cá của tỉnh Nam Định đã lắp đặt thiết bị GSHT là 508/520 tàu thuộc diện phải lắp GSHT (đạt 97,7%).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem