Mỹ cuối cùng cũng rót vũ khí cho Kiev nhưng đã quá muộn để cứu Ukraine khỏi 'bão tấn công' của Nga?

Minh Nhật (theo Politico) Thứ tư, ngày 24/04/2024 19:03 PM (GMT+7)
Các nhà lãnh đạo Ukraine mới đây công khai bày tỏ vui mừng khi cuối cùng sau 6 tháng trì hoãn và tranh cãi, Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 60,8 tỷ USD để giúp Kiev tiếp tục chiến đấu chống lại Nga. Nhưng có lo ngại liệu viện trợ có được chuyển đến kịp thời để cứu Ukraine khỏi quân Nga?
Bình luận 0
Mỹ cuối cùng cũng rót vũ khí cho Kiev nhưng đã quá muộn để cứu Ukraine khỏi 'bão tấn công' của Nga?- Ảnh 1.

Các chỉ huy quân sự Ukraine đang mong ngóng vũ khí viện trợ từ Mỹ được chuyển đến chiến trường nhanh chóng. Ảnh EPA

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã viết trên Twitter rằng "Cảm ơn nước Mỹ!" sau khi Quốc hội Mỹ đã thông qua khoản viện trợ 60,8 tỷ USD để giúp Kiev tiếp tục chiến đấu chống lại Nga. Nhà lập pháp đối lập Inna Sovsun cũng đăng tải lời cảm ơn của mình nhưng kèm theo sự mỉa mai, cảm thán: “Có cần thiết phải trì hoãn nửa năm mới bỏ phiếu không? Bao nhiêu sinh mạng có thể đã được cứu?”.

Hiện các quan chức, chỉ huy Ukraine lẫn các binh sĩ đang chiến đấu ở tiền tuyến đang mong mỏi Tổng thống Joe Biden đặt bút ký dự luật để vũ khí có thể được chuyển tới Ukraine một cách nhanh chóng khi một câu hỏi đang bùng lên ở Ukraine là trang thiết bị, vũ khí và đạn dược – đặc biệt là đạn pháo và hệ thống phòng không – có đến kịp hay không.

Liệu viện trợ có đến đúng lúc, trước một cuộc tổng tấn công dự kiến của Nga vào tháng 6 hoặc tháng 7 này khi các chỉ huy Ukraine đang vô cùng lo ngại tuyến phòng thủ của họ có thể sụp đổ vì những lỗ hổng phòng thủ do đói đạn dược, thiếu nhân lực trong một thời gian dài của Ukraine?

Sự thật là vẫn chưa rõ liệu sẽ mất vài ngày, vài tuần hay vài tháng để vũ khí Mỹ được chuyển đến tiền tuyến Ukraine, theo Politico.

Nhà phân tích Matthew Savill thuộc Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, một cơ quan nghiên cứu quốc phòng bình luận rằng: “Chúng tôi kỳ vọng ưu tiên sẽ là pháo cũng như các hệ thống phòng không và tên lửa để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt của Ukraine do các cuộc không kích gần đây của Nga, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này”.

Nhưng ông Savill cũng cảnh báo rằng ngay cả việc Mỹ/châu Âu cung cấp nhanh chóng hoặc ngay lập tức đạn pháo - thứ mà binh lính tiền tuyến của Ukraine đang cần nhất - cũng sẽ không tạo ra sự ngang bằng ngay lập tức về hỏa lực cho lực lượng Ukraine với quân đội Nga. Theo chuyên gia này, việc cung cấp ngay lập tức đạn pháo cho Kiev chỉ có thể giúp thu hẹp khoảng cách về hỏa lực của lực lượng Ukraine với quân Nga.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, nguồn viện trợ mới thực tế cũng có thể chỉ đủ giúp Ukraine tăng cường phòng thủ trước "bão tấn công" tiềm năng của quân Nga, chứ chắc chắn sẽ không đủ để giúp Ukraine tự mình tiến hành phản công.

Với gói viện trợ mới của Mỹ, Ukraine chỉ có 28 tỷ USD cho nguồn cung cấp quân sự trực tiếp của Mỹ, 13,9 tỷ USD là để giúp Ukraine mua thiết bị, vũ khí trên thị trường và 13,7 tỷ USD là mua các hệ thống của Mỹ từ khu vực tư nhân - và tất cả điều này sẽ mất thời gian để hoàn thành.

Vậy điều gì sẽ xảy ra với Ukraine sau khi gói viện trợ trên được sử dụng hết để chống lại cuộc tấn công của Nga? Ukraine có thể nhận được gì cho một cuộc phản công vào mùa xuân tới? Điều này được đánh giá là khó dự đoán và phụ thuộc đáng kể vào tình hình chính trị trong nước của các đồng minh khác nhau của Ukraine và sự nhất quán của họ về các mục tiêu chiến tranh.

Dù vậy, theo các chuyên gia, chắc chắn rằng việc bổ sung nhanh chóng vũ khí sẽ đóng vai trò như một “sự thúc đẩy tinh thần” rất cần thiết cho các lực lượng Ukraine và mang lại cho họ cơ hội đứng vững trong năm nay, cũng như khả năng đạt tiến bộ trong năm tới.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem