Muốn bỏ phiếu trắng, nhưng Serbia bị ép bỏ phiếu chống Nga về Ukraine

V.N (Theo RT) Chủ nhật, ngày 10/04/2022 06:02 AM (GMT+7)
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng đất nước ông đã bị đe dọa trừng phạt, khiến Serbia phải ủng hộ việc Nga bị đình chỉ khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Bình luận 0

Vốn có quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, nhưng Serbia đã tham gia cùng các quốc gia phương Tây khác trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/4 chống lại Nga do chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine. 

"Quyết định ban đầu của chúng tôi là bỏ phiếu trắng, nhưng sau đó chúng tôi đã phải chịu vô số áp lực và khó khăn", ông Vucic nói với RT sau cuộc bỏ phiếu.

"Họ nói, các ông có biết rằng đang sắp có quyết định về việc liệu Serbia có được miễn trừ khỏi gói trừng phạt liên quan đến dầu (của Nga) hay không, và liệu Serbia có thể nhập khẩu dầu sau ngày 15/5 không?" - ông Vucic nói. Ông so sánh tác động có thể có của các biện pháp trừng phạt đối với Serbia như "một cuộc tấn công hạt nhân".

Muốn bỏ phiếu trắng, nhưng Serbia bị ép bỏ phiếu chống Nga về Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng nước ông thực ra định bỏ phiếu trắng. Ảnh: AFP.

Không giống các nước EU, Serbia không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine. "Cộng hòa Serbia tin rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ quốc gia nào không phải là lợi ích chính trị và kinh tế quan trọng của chúng tôi", ông Vucic nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ông muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khối châu Âu cũng như với Nga.

Belgrade trước đây đã nói rằng việc cắt nguồn năng lượng của Nga sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước này. Ngày 8/4, sau cuộc bỏ phiếu, các phương tiện truyền thông Serbia trích dẫn các nguồn tin ở Brussels cho biết rằng Serbia sẽ được miễn trừ các lệnh trừng phạt có thể có đối với dầu khí của Nga. 

Đồng thời, tờ báo Blic dẫn lời phát ngôn viên EU Peter Stano cho biết khối này mong muốn Serbia tuân theo các hạn chế đối với Nga hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt riêng với Nga. 

EU cấm nhập khẩu than của Nga, nhưng cho đến nay vẫn chưa cấm nhập khẩu dầu và khí đốt. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel hôm thứ Tư cho biết khối này sẽ cần các biện pháp trừng phạt đối với dầu khí của Nga "sớm hay muộn".

Hôm 7/8, theo đề nghị của Mỹ và Nhóm G7, Đại hội đồng LHQ đã bỏ phiếu về tư cách thành viên của Nga tại Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC).

Kết quả  bỏ phiếu đã đình chỉ Nga tham gia Hội đồng Nhân quyền với 93 phiếu đồng ý, 24 phiếu chống, 58 phiếu trắng. Serbia thuộc nhóm 93 nước ủng hộ loại bỏ vai trò của Nga trong Hội đồng Nhân quyền. 

Đây là lần đầu tiên một nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ bị đình chỉ tư cách tại một cơ quan trực thuộc LHQ.

Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng cáo buộc Nga "vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng và có hệ thống". 

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã gọi việc đình chỉ tư cách thành viên của Nga là "thời khắc lịch sử quan trọng".

Bà cáo buộc Nga đã vi phạm nhân quyền ở Bucha, Dymerka, Irpin và các thành phố khác của Ukraine với những vụ giết hại dân thường. Bà cũng nói rằng cuộc bỏ phiếu này không chỉ là về trách nhiệm của Nga, mà còn thể hiện sự đoàn kết với người dân Ukraine và vì uy tín của LHQ. 

Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Gennady Kuzmin cho biết Nga coi nghị quyết đã được Đại hội đồng thông qua là "một bước đi bất hợp pháp và có động cơ chính trị". Ông Kuzmin cũng tuyên bố chính Nga đã quyết định chấm dứt hoặc đình chỉ tư cách thành viên trong Hội đồng trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 7/4.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem