Mùng 1 Tết đi Chợ Gò cầu may, cầu duyên

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 28/01/2017 15:48 PM (GMT+7)
Cứ sáng mùng 1 Tết, hàng ngàn lượt người lại kéo nhau về lễ hội Chợ Gò (Bình Định) mua lộc cầu may. Còn các nam thanh nữ tú lại giấu ước nguyện riêng của mình trong từng nắm trầu, cau.
Bình luận 0

Lễ hội Chợ Gò ở thôn Phong Thạnh (huyện Tuy Phước, Bình Định) là nét độc đáo trong muôn vàn những lễ hội dân gian truyền thống của Bình Định. Và sản vật đặc trưng nhất trong phiên chợ này chính là trầu, cau.

img

Chợ Gò là lễ hội độc đáo trong muôn vàn những lễ hội dân gian truyền thống của Bình Định

Một cô gái trẻ ở thị trấn Tuy Phước kỹ lưỡng lựa chọn cho mình những chiếc lá xanh mượt và quả cau to, tròn. Hỏi mà không chịu trả lời, em cứ bẽn lẽn giấu tên hoài chẳng nói. “Em cầu tình duyên…”, cô gái thỏ thẻ nói rồi quay đi, che vội nụ cười còn tươi trên môi thắm.

Đến Chợ Gò, người ta thường mua trầu cau về cúng Bà để cầu bình an cả năm. Nhưng trầu cau cũng tượng trưng cho mối gắn kết duyên lành. Vì thế người mua cau tràu cũng đủ mọi lứa tuổi nam, nữ, lão, ấu.

img

Cư dân quanh vùng gom trầu cau, rau, quả trong vườn bán lấy lộc đầu năm

img

img

 Người bán đôi khi là những cô, cậu xinh xắn phụ giúp gia đình

Một bộ gồm 5 lá trầu và 1 quả cau giá 10.000 đồng. 5 lá trầu là người ta lấy chữ “sinh” trong bộ tứ sinh, lão, bệnh, tử. Lại có người thích dùng 10 lá. Có người chỉ mua trầu cau, có người lại thêm ít rễ dâu, thuốc lá sợi. Và đương nhiên là không thể thiếu vôi ăn trầu. Ngoài ra còn có thêm gạo, muối hột, giá mỗi bịch 5.000 đồng.

Nhưng người bán mời gọi khách thường không nói thẳng tên từng món mà họ gọi chung là: mua lộc đầu năm. Người mua cũng rôm rả trả giá theo kiểu chợ quê nhưng cũng chốt lại “đừng lỗ vốn của chị là được”. Cuối cùng, họ không quên chúc nhau năm mới phát tài, mạnh giỏi.

Chợ Gò nhóm họp từ sáng mùng 1 Tết, kéo dài tới chiều, thu hút cả hàng ngàn lượt người tham dự. Không chỉ cư dân quanh vùng mà có người từ huyện Tây Sơn xuống, người từ thành phố Quy Nhơn lên… nườm nượp.

img

Trầu cau là món hàng đặc trưng của phiên chợ đầu năm

Người ta quen gọi là Chợ Gò, nhưng thực tế không thấy sự tấp nập của một ngôi chợ bình thường. Thay vào đó là những trò chơi dân gian, hàng hóa được buôn bán với mục đích chúc phúc, cầu nhiều tài lộc.

Người bán là những dân cư quanh vùng thu góp trong vườn mớ trái cây, gánh rau cải, vài buồng cau, vài xấp trầu đem đến bán lấy hên đầu năm. Người mua cũng muốn đem về một cái lộc đầu năm. Nhất là gian hàng trầu cau, các cô thường mua cầu may cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng.

img

img

Người mua cũng muốn cầu một năm an lành hạnh phúc và cả những ước nguyện thầm kín

Từ mờ sáng ngày đầu năm chợ đã nhóm, ai đến trước bày hàng trước, ai đến sau kế tiếp thành dãy. Không ai đứng ra sắp đặt, tổ chức thế mà vẫn trật tự, không hề tranh giành.

img

img

Biểu diễn võ thuật cổ truyền Tây Sơn lúc nào cũng thu hút đông đảo du khách, nhất là phần biểu diễn bài Hùng kê quyền do Đông Định Vương Nguyễn Lữ sáng tác hoặc màn giao đấu của các võ sinh nhí

img

Chơi bài chòi cổ cũng là một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa nơi đây. Các anh hiệu sẽ hô một điệu bài chòi để tìm ra người may mắn trúng thẻ bài ứng với đáp án có trong từng câu thai

img

 Người may mắn giành giải nhất mỗi lượt chơi sẽ được các anh hiệu "thừa lệnh làng" bưng đĩa khay trầu, rượu và dâng cờ chiến thắng. Người thắng sẽ được mời uống một chung rượu Bàu Đá, một miếng nem Chợ Huyện (những đặc sản địa phương) và một khoản tiền thưởng tượng trương. Người chơi nào hậu hĩnh lại lì xì ngược cho các anh hiệu lấy hên đầu năm

Ông Nguyễn Kỷ ở thôn kế bên Chợ Gò nay đã 73 tuổi. Mỗi năm, ông lại cưỡi xe đạp đến chợ nhưng không mua gì. “Ông lên chùa xong rồi tranh thủ ghé qua xem không khí chợ để ôn lại kỷ niệm xưa. Ngày đó người ta đi hội chật như nêm, đông hơn cả bây giờ nữa”, ông Kỷ nói.

Tương truyền lễ hội có từ thời Tây Sơn. Ðể khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết, các tướng Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên bãi thao trường vào sáng mồng 1 và mồng 2. Gia đình binh sĩ theo lệ đến nơi đây thăm chồng, con. Dân địa phương mang hoa quả, thức ăn, nước uống ra bán, lâu năm thành lệ.

Nơi đây, địa thế hiểm yếu, phong cảnh lại hữu tình. Phía Đông và Nam có núi Trường Úc ôm choàng, phía tây giáp Quốc lộ 1 cũ, phía Bắc có nhánh sông Tọc chảy qua, có hàng cây san sát, lòa xòa soi bóng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem