Mùa gác kèo ăn ong ở rừng tràm U Minh

Hồng Khuyên Thứ ba, ngày 24/02/2015 07:00 AM (GMT+7)
Có lẽ được nhiên ưu đãi, bông tràm nở trắng cả vùng rừng bạt ngàn. Loài ong mật kéo về đây hút nhụy lấy mật, lựa kèo, làm ổ. Từ chỗ tình cờ biết được giá trị của mật ong, dân gian dần dần hình thành tập quán: gác kèo ăn ong và lưu truyền đến ngày nay!
Bình luận 0
Không biết nghề gác kèo ong có từ khi nào mà đã trở thành nghề mưu sinh của người dân quê vùng đất rừng U Minh. Nghề được truyền từ đời này sang đời khác.

Kèo ong được làm bằng cây tràm già dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm mấu. Người gác kèo phải chọn nơi tràm trổ bông kéo dài đủ cho ong lấy mật; kế đến chọn hướng gió, hướng ánh sáng rọi vào tổ và khoảng trống để ong bay lên đi lấy mật và đáp xuống dễ dàng. Sau khi chọn được địa điểm thích hợp, người "thợ ong" gác chiếc kèo xiên lên cây tràm, rồi dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi bị vướng.
img
Mật ngọt tràn đầy (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Cây kèo của người nào gác thì đánh dấu cẩn thận, ổ ong thuộc về mình, không ai được đến lấy. Luật bất thành văn của người làm nghề này, hễ ai ăn cắp kèo ong của người khác bị phát hiện sẽ phải trả giá rất đắt, có khi là cả mạng sống của kẻ tham lam.

Ong mật có nhiều loại. Có loại ổ chỉ bằng cái đĩa bàn, nhưng có loại lớn bằng cái nia. Có loại “ong trăn” đóng quấn theo những thân cây lớn chứa mật một ổ đến năm sáu chục lít. Lại có loại ong đất, đóng ổ trong hang, mỗi ổ có đến hàng trăm lít mật. Cũng có loại ong đóng trong bọng cây, mật nhiều nhưng rất khó lấy.

Thời điểm gác kèo ăn ong bắt đầu từ tháng hai âm lịch. Người ta vào rừng để chuẩn bị gác kèo, dọn kèo. Ong rộ vào mùa khi ở đây trời bắt đầu mưa vài trận, cây cối nẩy chồi trổ bông. Giữa tháng tư, nhiều người đi ăn ong dân gian gọi là khạo rừng xúm lại cất trại, gọi là trại ăn ong. Trại cất rất rộng và làm thành nhiều bậc; bậc cao nhất là để cho ông khạo chánh là người chỉ huy, bậc thứ hai là để cho ông khạo phụ, bậc thứ ba để cho ông dẫn đường gọi là đầu xuồng, bậc thứ tư để cho ông Từ lo việc nhang đèn cúng kiến, bậc cuối cùng để cho đám lao công.
img
Ổ ong mật trong rừng (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Đầu tháng năm là bắt đầu ăn ong, người ta coi lịch, lựa ngày tốt và tổ chức làm lễ cúng tổ rất long trọng. Lễ vật gồm một con heo sống, gà, vải đỏ, quạt giấy, thúng nếp rang nổ, nhang đèn, giấy vàng bạc. Khạo chính cúng vái nghiêm trang cầu Ông Tà trấn yếm chung quanh khu vực để cộng việc được suông sẻ.

Người ta thường đi ăn ong ban đêm để tránh nạn ong đánh. Khạo rừng bận quần áo bằng bao bố, có khăn trùm mặt, dùng thuốc thổi khói vào ổ ong để ong già bay lên rồi xắn lấy khúc mức đựng mật của chúng. Tấm tàng ong non để lại cho cha mẹ chúng về tiếp tục lấy mật chứa vào ổ mới.

Trong lúc ăn ong, người ta phải kiêng cữ: không được cạo râu, hớt tóc, không được gọi thẳng tên những loài thú dữ. Như cọp gọi là chúa sơn lâm, sấu gọi là ngạc ngư, rắn gọi là yết xà, đá gọi là minh châu… Người ta tin rằng nếu không kiêng cữ thì không riêng mình bị tai nạn mà cả đoàn cũng bị vạ lây.

Mật ong U Minh để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường, mang hương vị đặc biệt của hoa tràm và có rất nhiều công dụng trong y học, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, chống lão hóa...
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem