Thứ tư, 29/05/2024

Một thoáng An Giang

10/02/2023 6:00 PM (GMT+7)

“Đất An Giang phù sa màu mỡ/ Người An Giang muôn thuở hiền lành”, “Người An Giang thật thà chất phát/ Cảnh An Giang man mác hữu tình”. Đất An Giang là vậy! Người An Giang là vậy!

Trong công cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ, ban đầu chỉ hình thành 6 tỉnh nên được gọi là “Nam kỳ lục tỉnh”. An Giang là một trong những vùng đất mới đó. “Đất An Giang phù sa màu mỡ/ Người An Giang muôn thuở hiền lành”, “Người An Giang thật thà chất phát/ Cảnh An Giang man mác hữu tình”. Đất An Giang là vậy! Người An Giang là vậy!

Một thoáng An Giang - Ảnh 1.

Do đặc thù đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, An Giang trở thành vùng sản xuất nông nghiệp từ thuở “tiền hiền khai khẩn” cho đến “hậu hiền khai cơ”. Hơn 200 năm trước, người An Giang đã dùng sức người đào kênh Vĩnh Tế giữa “đồng không mông quạnh”, nhiều “sơn lam chướng khí”, bên trong thì phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt, bên ngoài thì góp phần giữ yên bờ cõi, biên thùy. Một dòng kênh đi vào sử sách nước nhà. Một dòng kênh đi vào huyền thoại được đặt tên của người vợ danh tướng Thoại Ngọc Hầu. Một dòng kênh còn hữu ích đến tận những thế hệ mai sau. “Người đi có nhớ quê mình/ Nhớ kinh Vĩnh Tế, nhớ tình người xưa”.

Một thoáng An Giang - Ảnh 2.

Vùng đất này vừa có đồng bằng, vừa có núi non, vừa có vùng bán sơn địa, một phần nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu. Vùng đất này là nơi ngụ cư hài hòa của 4 dân tộc anh em, gắn liền với các nền văn hóa Kinh, Khmer, Chăm, Hoa. Vùng đất này là nơi đi vào nền kinh tế hàng hóa sớm nhất nhờ quy mô sản xuất lớn trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên. Vùng đất này là một trong những nơi “phá rào” đêm trước đổi mới, góp phần đưa đất nước tiến vào nền kinh tế thị trường, bắt đầu từ phá bỏ cơ chế “2 giá”, chỉ còn “1 giá” phù hợp quy luật cung - cầu.

Mỗi vùng đất đều có lịch sử, mà lịch sử là một dòng chảy liên tục, trầm tích sự đóng góp của biết bao thế hệ người. Lịch sử được tạo dựng bởi con người. Con người được tạo dựng bởi những khí chất riêng có. Một khi con người đối mặt với thách thức càng lớn thì sức sống càng mãnh liệt. Mảnh đất một thời đối mặt với rừng thiêng nước độc thời khẩn hoang, rồi sáng kiến tháo chua rửa phèn, bắt đầu từ kênh T5 và hệ thống thủy lợi thoát lũ ra biển Tây.

Nhờ đó, một vùng đất chết đã hồi sinh, những cánh đồng hoang sơ trở thành vựa lúa chính của cả nước. Mảnh đất trải qua những cuộc chiến tranh với biết bao hy sinh mất mát mà những chứng tích vẫn còn trên núi đồi, bên những dòng kênh, những cánh đồng. Nhưng trên mảnh đất đó chưa bao giờ mất đi sự sống, cũng giống như những con người chưa bao giờ mất đi khí chất hào sảng, nghĩa hiệp, chân tình; chưa bao giờ mất đi niềm tin, tinh thần lạc quan và khát vọng.

Một thoáng An Giang - Ảnh 3.

Vậy là An Giang đã chuyển động, đang chuyển động và sẽ tiếp tục chuyển động. Một nền nông nghiệp bắt đầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. An Giang là một trong những địa phương tiên phong xây dựng mô hình "Cánh đồng lớn", cánh đồng liên kết, gần đây là cánh đồng không dấu chân người, và đang tích cực tham gia vào mô hình cánh đồng phát thải thấp. Mỗi một mô hình là sự tìm tòi cái mới, là hướng đến cái hiệu quả hơn, là lời giải cho một nền nông nghiệp còn chưa phát huy hết tiềm năng nhưng lại đối mặt với biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng.

Nông nghiệp An Giang đâu chỉ có cây lúa, hạt gạo, mặc dù đây là sinh kế của hàng triệu nông dân. An Giang còn có tiềm năng từ con cá tra vẫy vùng từ những dòng sông cho đến nội đồng. An Giang còn có những vườn cây ăn trái trĩu quả, những cánh đồng rau màu ngút ngàn ở miệt cù lao có cái tên đi theo năm tháng: “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi? Mà ai cũng bảo là Chợ Mới quê hương”…

Nhìn rộng ra, An Giang còn có đồi núi, sông hồ, rừng tràm Trà Sư, còn có đền, chùa, miếu, còn có cộng đồng dân tộc Khmer, Chăm với nền văn hóa riêng, đặc biệt còn có di chỉ văn hóa Óc Eo nổi tiếng tồn tại ngàn năm. Tất cả không biệt lập mà vừa tích hợp, vừa chu chuyển giá trị cho nhau, tạo thành những giá trị mới, tạo thành nguồn tài nguyên mới phục vụ phát triển.

Một thoáng An Giang - Ảnh 4.

Ngày nay, người ta không còn xem kinh tế là nguồn vốn duy nhất để phát triển mà còn tìm cách “khai quật” nguồn vốn văn hóa và nguồn vốn xã hội. Hai nguồn vốn vô hình này sẽ chuyển hóa, tạo giá trị cao hơn nhiều lần cho nguồn vốn hữu hình là vốn kinh tế. Và, An Giang đang sở hữu 2 nguồn vốn quý như báu vật.

Những sản phẩm nông nghiệp gắn với các địa danh, như: Óc Eo, Ba Thê, Núi Sập, Châu Giang... sẽ tạo thêm nhiều cảm xúc cho người tiêu dùng. Tương tự như những thốt nốt Bảy Núi, mắm Châu Đốc, tung lò mò Châu Phong, lụa Tân Châu… Đó còn là “Bao năm quạ nói với diều/ Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”, “Dù ai xuôi ngược bốn bề/ Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang”.

Những địa danh ngoài để xây dựng chỉ dẫn địa lý còn là niềm tự hào của một cộng đồng gắn với địa danh đó, và nhất là tạo cảm xúc cho người tiêu dùng sản phẩm địa phương, cho khách phương xa tìm đến. Mỗi sản phẩm nông nghiệp khi gắn với câu chuyện về tài nguyên và tri thức bản địa, văn hóa cộng đồng sẽ tạo ra giá trị cao hơn nhiều lần. Tất cả góp phần làm nên thương hiệu chung của mảnh đất này.

Một thoáng An Giang - Ảnh 5.

Ngày nay, thế giới phát kiến những khái niệm mới: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế nối kết, kinh tế chu chuyển… Trong nông nghiệp đã xuất hiện nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp mô phỏng thiên nhiên, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp điện quang, du lịch nông nghiệp…  Nghĩa là tiềm năng du lịch còn đa dạng hơn nhiều, phong phú hơn nhiều, giá trị hơn nhiều những con số thống kê về quy mô diện tích, năng suất, sản lượng.

Một nhà khoa học, người khởi xướng mô hình kinh tế xanh lam, đã chia sẻ: “Cần nhìn nền kinh tế theo một cách mới. Khi chỉ nhìn vào một thứ, bạn sẽ không thấy những cơ hội khác. Rào cản quản lý khiến hệ thống quản lý chỉ nhìn vào một vài thứ tiêu biểu mà bỏ qua những giá trị khác”. Như vậy, cách nhìn mới sẽ định hình tư duy mới, tư duy mới sẽ kiến tạo không gian phát triển mới, không gian phát triển mới tạo ra giá trị thặng dư mới cho nền kinh tế.

Mỗi sự vật hữu hình đều hữu hạn, chỉ có sự năng động, sáng tạo của cộng đồng là vô hạn, nguồn vốn văn hóa lại càng vô hạn. Người An Giang đã góp phần tạo nên “đêm trước đổi mới” gần 40 năm trước đây. Người An Giang đang viết tiếp câu chuyện đổi mới bằng cách tiếp cận mới, tư duy mới. Những cách tiếp cận mới mẽ đó có thể bắt đầu từ những mô hình nhỏ như “Cà-phê khuyến nông”,  những không gian cộng đồng tri thức hóa nông dân, tạo sự hồi sinh những miền quê, hướng đến nông dân chuyên nghiệp, phát triển khu vực kinh tế nông thôn.

Thật cảm xúc những dòng chữ trên tấm văn bia đặt cạnh bờ kênh Võ Văn Kiệt: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối…”. Những người hôm qua dẫn lối cho những người hôm nay, và những người hôm nay đang mở lối cho những thế hệ tương lai. “An Giang mình đẹp lắm người ơi/ Người đi người sẽ quay về”...

Một chút cảm xúc với đất và người An Giang - cái tên có ý nghĩa là dòng sông an lành!

Theo báo An Giang

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Kiểm soát chặt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Kiểm soát chặt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên thương mại điện tử

Để đảm bảo thị trường thương mại điện tử (TMĐT) kinh doanh được minh bạch và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi bổ sung quy định pháp lý để kiểm soát chặt chẽ hoạt động TMĐT và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các chuỗi cà phê giành "đất vàng" TP.HCM

Các chuỗi cà phê giành "đất vàng" TP.HCM

Khu vực quanh Bưu điện TP.HCM hay bến Bạch Đằng, bến Bình An đang có sự hiện diện của nhiều thương hiệu cà phê và trà sữa như %Arabica, Highlands Coffee, Katinat, Phê La...

Tạm thời thì cứ… thu phí

Tạm thời thì cứ… thu phí

TP.HCM chuẩn bị trở thành thành phố đầu tiên trên cả nước thu phí kẹt xe, nhằm hạn chế xe cá nhân vào khu vực trung tâm thành phố, bằng giải pháp thu phí xe vào giờ cao điểm.

400 USD một quả dứa - phép thử của nhà buôn trái cây hảo hạng

400 USD một quả dứa - phép thử của nhà buôn trái cây hảo hạng

Dứa Rubyglow - được lai tạo để có bề ngoài màu đỏ và vị ngọt đặc biệt - có giá 395,99 USD tại Melissa's Produce, một công ty bán trái cây và rau đặc sản có trụ sở tại California, Mỹ. Nhà phát triển loại trái cây này kỳ vọng vào “thị trường ngách” mà chỉ người giàu mới có ý định mua.

Cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh: Thời của cổ phiếu công nghệ, hay SCIC làm giá để bán giá cao?

Cổ phiếu FPT liên tục phá đỉnh: Thời của cổ phiếu công nghệ, hay SCIC làm giá để bán giá cao?

Cổ phiếu FPT của ông Trương Gia Bình liên tục chinh phục định giá mới trong lịch sử hoạt động đã đưa vốn hoá của doanh nghiệp tăng cao. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi nhiều mã trong ngành bật tăng từ tháng 4, đẩy mặt bằng giá lên cao.

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Gỡ điểm nghẽn, phát triển điện mặt trời mái nhà

Điện mặt trời mái nhà có thể mang lại lợi ích đa chiều về môi trường, kinh tế - xã hội. Thực tế, nhiều mô hình kết hợp điện mặt trời với sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản đã thành công ở nhiều địa phương, tạo ra những mô hình phát điện mặt trời phi tập trung với nhiều ưu thế.