Một “mùa chữ” nức lòng

Thứ năm, ngày 11/10/2012 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng 10.10, đúng ngày kỷ niệm 58 năm giải phóng thủ đô, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức trao giải thưởng năm 2012.
Bình luận 0

Vẫn giữ phong độ như những năm trước, mùa giải năm nay lại có thêm những tác phẩm nức lòng độc giả, đồng nghiệp...

Cõi chữ của Phùng Cung

Giải Thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội năm nay đã tìm được một chủ nhân vô cùng xứng đáng - tập “Xem đêm” của thi sĩ Phùng Cung. “Cùng một lứa bên trời lận đận” với các tên tuổi của nhóm Nhân văn giai phẩm như Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán... nhưng về sự nghiệp, từ trước tới nay chưa có một sự tôn vinh công bằng nào dành cho Phùng Cung.

img
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên (phải) - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho các tác giả và thân nhân tác giả được giải.

Có đọc tập “Xem đêm”, người ta mới hiểu vì sao nhà văn Phùng Quán tình nguyện trở thành một kẻ đi đọc thơ rong và quyên tiền để giúp Phùng Cung và nhân sĩ Nguyễn Hữu Đang - người sống một đời trong nghèo khổ, chắt chiu lại xuất toàn bộ tiền dành dụm cho việc in và xuất bản tập thơ này.

“Xem đêm” là một tập thơ mang tầm thế kỷ, mỗi bài thơ là một bức họa tuyệt phẩm mà tác giả đã dùng ngôn từ để vẽ lên nó bằng tất cả tấm lòng yêu thương trân trọng dành cho nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Nhà thơ Hoàng Cầm nhận xét: “Mỗi bài thơ, có khi chỉ một câu đều như những luồng điện không giật chết người nhưng cứ thắt vào tim những luồng rung động thấm rất sâu”. Còn nhà văn Phùng Quán thừa nhận: “Đọc thơ anh, tôi bỗng thấy thiên nhiên quanh tôi vụt giàu có lên bất ngờ và trở nên đẹp đẽ đến xao xuyến tận đáy lòng- những vẻ đẹp từ trước đến nay tôi vẫn nhìn mà không thấy”.

Cái vẻ đẹp của nông thôn VN mà nhiều người “đã nhìn mà không thấy” ấy hiển hiện trong thơ Phùng Cung nhỏ xinh như một món đồ ngoạn hảo mà người yêu đồ cổ ưa cầm để ngắm trong tay. Mỗi bài thơ đầy chất thơ, chất họa và thách thức sự “cùng gợi mở” của người đọc như một công án thiền, nhưng nó không lánh đời, không kiêu kỳ mà ấm áp vô cùng bởi tình yêu thương cuộc sống, con người, cảnh vật: “Đầu mùa nắng- dứ/Hạt mồng tơi kênh đất nghé trời/Chuối con gái vội hong búp lụa/Cánh chuồn chuồn lia từng bóng râm con”, hay: “Đê tiền triều gãy khúc/Đồng ngập trắng/Con lềnh đềnh cõng-vắng bơi suông/Thương em đứng giữa mùa-nước mắt”... Những câu thơ của Phùng Cung khiến người đọc gai người và đau thắt ở trong tim.

Phùng Cung từng sống một đời cơ hàn trong trầm luân khổ ải, vắt kiệt sức mình vì nỗi sinh nhai nên ông chỉ có một “Xem đêm”, nhưng trên thế giới, có không ít thi nhân chỉ cần một bài thơ, một tập thơ mà tên tuổi đi vào vĩnh cửu. Mong rằng, sau “con mắt xanh” của Hội Nhà văn Hà Nội, sẽ có nhiều giải thưởng khác tiếp tục nhìn ra “vỉa” chữ, “vỉa” tình lấp lánh của Phùng Cung.

Trân trọng cái Đẹp

Ngoài “Xem đêm”, còn 4 tác phẩm khác được vinh danh lần này gồm tiểu thuyết “SBC là săn bắt chuột” của nhà văn Hồ Anh Thái, bản dịch “Lolita” của dịch giả Dương Tường, cuốn phê bình văn học “Dĩ vãng phía trước” của nhà văn Ngô Thảo và tập thơ “Buổi câu hững hờ” của nhà thơ Nguyễn Bình Phương. Có thể nói, Hội Nhà văn Hà Nội vẫn giữ vững phong độ của một giải thưởng được đánh giá là công minh, sáng suốt và trân trọng cái Đẹp vào bậc nhất của cả nước.

Trong lễ trao giải, nhà văn Ngô Thảo đã tặng 15 triệu đồng tiền thưởng của mình cho một sinh viên đến từ Tây Nguyên của khoa Viết văn- Trường Đại học Văn hóa để em mua một chiếc máy tính phục vụ cho công việc. Nhà văn Ngô Thảo giải thích: “Vì trường hợp của em làm tôi nhớ lại năm 1960, tôi 19 tuổi, tứ cố vô thân, phận mồ côi, nghèo đói lặn lội tìm ra khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội học”.

Với con mắt đánh giá không phụ thuộc vào dư luận, không nể vì, giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội đã trở thành nơi tôn vinh được tôn trọng cho những “mùa chữ” đích thực của các tác giả.

Dịch giả Dương Tường- sau cơn bệnh và cơn dập vùi của một số bài báo khi chê xối xả theo kiểu “bé xé ra to” bản dịch “Lolita” đã khỏe khoắn hơn và sòng phẳng cho biết: “Nếu bản dịch “Lolita” còn có thiếu sót thì đó là do trình độ tôi kém cỏi chứ không phải do dịch ẩu, bởi tính tôi cầu toàn tới mức nhà văn Châu Diên - bạn tôi nhận xét: “Cầu toàn tới mức đáng ghét”. Tôi xin dành những lời tốt đẹp nhất để dành cho Hội đồng xét giải đã rất sáng suốt, công tâm”.

Điều đáng tiếc duy nhất của lễ trao giải là sự thiếu ý thức của một số người đến tham dự. Trong khi trên bục trao giải, người nhận giải xúc động nghẹn ngào tới mức không nói lên lời như trường hợp của anh Phùng Hồ Trường - con trai nhà thơ Phùng Cung, thì ở dưới cuối khán phòng vẫn ồn ào như chợ vỡ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên- Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội phải năm lần bảy lượt nhắc nhở mà đâu vẫn nguyên đấy. Thế mới biết, văn hóa đi dự lễ trao giải của một số người ở thủ đô quả thực rất có vấn đề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem