Một lễ hội độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ qua nhiều thế hệ

Công Tâm Thứ ba, ngày 05/12/2023 13:30 PM (GMT+7)
Đến nay, nhiều người dân của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn lưu giữ phong tục ăn mừng đầu lúa mới và đã thấm sâu vào đời sống, sinh hoạt, tâm linh của người Raglai.
Bình luận 0

Người Raglai ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa trước đây vốn có nền kinh tế tự cung tự cấp sống du canh du cư quanh các triền núi. Ngày nay, mặc dù người Raglai đã giao lưu với các dân tộc khác và kinh tế, đời sống của người dân đồng bào Raglai đã được cải thiện và thay đổi đáng kể. 

Ở một vùng cao của Khánh Hòa, có một giống lúa rất đặc biệt mà người Raglai rất yêu thích - Ảnh 1.

Người Raglai rất yêu quý giống lúa rẫy. Ảnh: Công Tâm

Tuy nhiên, có một phong tục không hề thay đổi, được người dân yêu quý và gìn giữ hàng trăm năm qua đó chính là lễ hội ăn mừng đầu lúa mới. Lễ hội này trước đây do từng gia đình tổ chức, quy mô lớn hay nhỏ phụ thuộc vào kết quả thu hoạch mùa vụ và điều kiện kinh tế của từng gia đình. 

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 2.

Giống lúa được trưng bày tại lễ hội ăn mừng đầu lúa mới. Ảnh: Công Tâm

Mới đây, tại trung tâm thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã phối hợp với UBND huyện Khánh Vĩnh tổ chức lễ hội ăn mừng đầu lúa mới, nhằm tái hiện phục dựng lễ hội ăn mừng đầu lúa mới của dân tộc Raglai trên địa bàn.

Theo người dân địa phương, lễ hội ăn mừng lúa mới là một trong những lễ hội lớn của người Raglai. Lễ hội mừng lúa mới chỉ diễn ra sau khi lúa đã được thu hoạch, đưa về kho và người Raglai tổ chức nghi lễ để tạ ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho vụ mùa bội thu. 

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 3.

Các lễ vật cúng lễ ăn mừng đầu lúa mới của người Raglai gồm: Rượu, đầu heo, gà, trầu cau,... Ảnh: Công Tâm

Trong cuộc sống, người Raglai tin rằng, trong thế giới tự nhiên có nhiều vị thần và trong các nghi lễ liên quan tới đời người, tới cây lúa mẹ, thì Giàng (trời) chính là hồn lúa mẹ, là đức siêu nhiên tối cao có sức mạnh tác động đến sản xuất và cuộc sống của họ. 

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 4.

Các lễ vật cúng lễ ăn mừng đầu lúa mới được trưng bày bài bản. Ảnh: Công Tâm

Tết đầu lúa hay nghi lễ mừng lúa mới của bà con Raglai là một nét văn hóa đặc trưng, gắn với tập tục đón rước Giàng, đón hồn lúa từ rẫy về ăn Tết cùng gia đình và cầu mong hồn lúa phù hộ giúp đỡ gia đình một năm dồi dào sức khoẻ, làm ăn khấm khá hơn.

Video lễ hội ăn mừng lúa mới của người Raglai

Theo các già làng, người Raglai rất coi trong việc sản xuất nông nghiệp và nghi lễ mừng lúa mới là một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào Raglai. Mục đích của nghi lễ mừng lúa mới là cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng được bội thu. Người Raglai thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới mang tính chất đại gia đình cũng là để bày tỏ biết ơn bà con trong cộng đồng Pa- lây (buôn làng) đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình họ trong sản xuất, thu hoạch vụ mùa trong năm.

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 6.

Người Raglai huyện Khánh Vĩnh thường làm lúa trên vùng đồi núi. Ảnh: Công Tâm

Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, hàng năm cứ vào khoảng tháng 3, 4 dương lịch khi tiếng sấm vang lên với quan niệm bắt đầu khai thông đất trời, âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc thì người Raglai làm lễ mừng lúa mới. Để chuẩn bị nghi lễ quan trọng nhất trong năm, phụ nữ chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông thì làm cây nêu, sửa lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Không khí ăn mừng lúa mới rộn ràng khắp buôn làng và trong mỗi nhà sàn của người Raglai. 

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 7.

Lễ hội ăn mừng đầu lúa mới rất nhộn nhịp ở huyện Khánh Vĩnh. Ảnh: Công Tâm

Trong nghi lễ nông nghiệp của người Raglai, lễ hội ăn mừng lúa mới hết sức quan trọng và được xem như là ngày Tết cổ truyền của dân làng. Người Raglai có tín ngưỡng đa thần, tin rằng, cây cối đều có hồn và được thần linh cai quản. Các vị thần đó đã cho họ cuộc sống tốt hơn. Vì thế, sau khi thu hoạch, bao giờ họ cũng làm lễ cúng tạ thần lúa – bắp và ông bà tổ tiên đã phù hộ rồi mới ăn. Trong lễ cúng còn cầu xin cho con cháu trong làng mạnh khỏe, mùa màng năm sau bội thu hơn năm trước.

Theo các bậc cao niên trong làng, trước đây lễ hội thường theo các bước.  Trước hết, là lên rẫy (chọn rẫy tốt nhất) làm lễ cúng thần lúa, xin rước thần lúa về nhà. Lễ cúng này đơn giản, lễ vật là trầu cau, cơm, trứng luộc và rượu. Sau khi cúng, mọi người cùng nhau tuốt lúa, làm sạch cho vào gùi và rước thần lúa về nhà.  

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 8.

Em Cao Thị Khánh Linh, người Raglai chia sẻ tại lễ hội. Ảnh: Công Tâm

Tiếp theo, lễ ăn mừng lúa mới là lễ chính được tổ chức linh đình, rộn ràng (những gia đình được mùa to, cúng lớn tổ chức tại nhà dài). Bà con trong thôn giúp chuẩn bị gạo, nếp, rau củ, mổ heo, gà, nấu nướng. Đặc biệt, là chuẩn bị vật liệu cho việc nấu món canh bùi. Đó là món truyền thống không thể thiếu trong lễ cúng để dâng thần lúa – bắp và ông bà. Canh bùi có nguyên liệu từ gạo của lúa mới và lá cây bột ngọt giã nhuyễn, nấu chung với rau rịa xắt nhỏ. Canh bùi khi chín sền sệt, có mùi vị béo, thơm của gạo, ngọt của rau.

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 9.

Nét đẹp văn hóa ăn mừng đầu lúa mới được phục dựng, tái hiện. Ảnh: Công Tâm

Thầy cúng hành lễ có sự chứng giám của gia đình và bà con trong thôn. Các nghi thức cúng được tiến hành rất cẩn trọng. Sau phần lễ, chủ nhà thường bưng chén rượu đến mời từng người một. Mọi người cùng nhau ăn, uống, chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất. Rượu càng vào thì các điệu hát của người Raglai càng sôi nổi. Thanh niên trong làng còn đốt lửa trại, cùng nhau ca hát, nhảy múa suốt đêm.

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 10.

Nghi lễ cúng ăn mừng lúa mới được thực hiện. Ảnh: Công Tâm

Em Cao Thị Khánh Linh, xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh cho biết, hôm nay em cùng với bạn bè đến đây rất sớm, em cảm thấy rất vui mừng được tận mắt quan sát lễ hội này tổ chức quy mô bài bản, sự kiện rất có ý nghĩa và thiết thực đối với em, cũng như giáo dục cho các thế hệ sau gìn giữ nét đẹp quý báu của người Raglai. 

Một lễ hội rất độc đáo của người Raglai ở Khánh Hòa được gìn giữ từ thế hệ này đến thế hệ khác - Ảnh 11.

Văn nghệ chào mừng lễ hội ăn mừng lúa mới. Ảnh: Công Tâm

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem