Một bệnh nhi 15 tuổi tử vong do bệnh Whitmore, triệu chứng nguy hiểm của bệnh

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 13/11/2022 06:06 AM (GMT+7)
Một trong 2 bệnh nhi (quê ở Thanh Hóa) mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã tử vong. Đây là căn bệnh nguy hiểm, khó chẩn đoán và điều trị.
Bình luận 0

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi 15 tuổi (SN 2007 ở xã Mai Lâm, Thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá) mắc bệnh Whitmore đã tử vong vào đêm ngày 11/11, trong tình trạng suy đa tạng, hoại tử ruột.

Trước đó, sau khi khởi phát bệnh 12 ngày, bệnh nhi chuyển biến nặng nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng; phổi tổn thương, suy hô hấp, vẫn còn ban sẩn xuất huyết ở 2 bàn tay, trẻ tiếp tục được thở máy, duy trì vận mạch, sử dụng IVIG, tiến hành lọc máu, xét nghiệm tìm căn nguyên.

Mẫu cấy máu ngay từ khi vào viện đã phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei vào ngày 3/11/2022. Các bác sĩ đã chẩn đoán trẻ bị shock nhiễm khuẩn/suy đa tạng/Whitmore.

Một bệnh nhi 15 tuổi tử vong do bệnh Whitmore, triệu chứng nguy hiểm của bệnh  - Ảnh 1.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore có trong đất, bùn, nước bẩn. Ảnh minh họa couriermail

Đây là 1 trong 2 ca bệnh quê ở Thanh Hóa mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Một bệnh nhi khác là L. N. Q. (SN 2012), tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trẻ bị áp xe phần mềm vùng trước tai phải/Whitmore. Theo đại diện bệnh viện Nhi Trung ương, các tổn thương của bệnh nhi này đã được kiểm soát.

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đã cảnh báo về 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore, trong đó có 2 ca bệnh nhi ở Thanh Hóa và 1 ca người lớn tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Cục Y tế dự phòng nhận định, thời gian gần đây một số địa phương có ghi nhận rải rác các trường hợp mắc bệnh Whitmore. Dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc trong thời gian tới - nhất là tại các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Bệnh Whitmore khó chẩn đoán

Về bệnh Whitmorer, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh Whitmore thường có các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...

Bệnh có thể gây tử vong nhanh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, do bệnh cảnh lâm sàng của bệnh Whitmore rất đa dạng nên bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Một bệnh nhi 15 tuổi tử vong do bệnh Whitmore, triệu chứng nguy hiểm của bệnh  - Ảnh 2.

Ở nước ta, bệnh Whitmore gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác. Ảnh minh họa

Không ít bệnh nhân đã phải trải qua rất nhiều chuyên khoa mới chẩn đoán chính xác là mắc Whitmore. Hơn nữa, việc điều trị căn bệnh này rất khó khăn, phải dùng kháng sinh liều cao để tấn công, kéo dài.

Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng. Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc.

"Đây cũng là 1 trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%", PGS Cường cho biết.

PGS Cường khuyến cáo, vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore thường có trong đất, bùn và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh gia tăng vào mùa mưa là do khuẩn thường có trong đất, bùn bẩn, người dân dẫm phải sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

PGS Cường cảnh báo những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này nên càng cần phải phòng ngừa, bảo hộ cho tốt khi làm việc với môi trường đất, nước.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Whitmore

Theo TS, bác sĩ Lê Bửu Châu, Trưởng khoa Nhiễm B (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM), những nghiên cứu trong thời gian gần đây ở nước ta cho thấy bệnh Whitmore gặp ở nam nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em, mùa mưa nhiều hơn các mùa khác.

Tỷ lệ tử vong do bệnh Whitmore khá cao, trên 40%, nhất là các trường hợp sốc nhiễm khuẩn và viêm phổi nặng. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể gây nhiều thể lâm sàng khác nhau.

TS Châu cho biết, các thể lâm sàng này có thể xuất hiện riêng rẽ hay phối hợp như viêm phổi; nhiễm khuẩn huyết/Sốc nhiễm khuẩn; nhiễm khuẩn da mô mềm: áp xe dưới da, mụn mủ, viêm mô tế bào; áp xe đa cơ quan: áp xe gan, lách, thận, tiền liệt tuyến, tuyến mang tai, áp xe đa ổ ở mô dưới da….

"Những trường hợp tổn thương da dạng loét, hoại tử một hoặc nhiều nơi trên cơ thể, có lẽ vì thế trong thời gian gần đây có người gọi đây là “bệnh do nhiễm vi khuẩn ăn thịt người”. Cách gọi không đúng này đang gây hiểu nhầm, hoang mang cho người dân", TS Châu nhấn mạnh.

TS Châu cũng cho biết, triệu chứng của bệnh Whitmore có thể cấp tính như sốt cao, suy hô hấp, tụt huyết áp hoặc có biểu hiện sốt kéo dài, viêm khớp, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. Đôi khi có biểu hiện lâm sàng giống bệnh cảnh lao.

"Đây là bệnh nhiễm trùng nặng, có tỷ lệ tử vong cao và một số trường hợp diễn tiến tối cấp, tử vong nhanh nếu bệnh nhân không được chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời", TS Châu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem