Thuốc trừ cỏ glyphosate gây tranh cãi từ nhiều năm nay

Nguyễn Tố Thứ năm, ngày 16/08/2018 12:30 PM (GMT+7)
Một tòa án ở California (Mỹ) đã ra phán quyết yêu Tập đoàn Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD cho một khách hàng vì sử dụng thuốc diệt cỏ chứa chất glyphosate của hãng này dẫn đến bị ung thư. Thông tin ngay lập tức gây rúng động, tuy nhiên trên thực tế glyphosate đã gây tranh cãi ở trên toàn thế giới từ nhiều năm nay.
Bình luận 0

Glyphosate là thành phần hoạt tính được sử dụng trong nhiều thuốc diệt cỏ, trong đó có thuốc Roundup của Monsanto. Glyphosate được tổng hợp bởi Monsanto vào năm 1974, thời hạn độc quyền chấm dứt vào năm 2000 và hiện tại sản phẩm chứa glyphosate được bán bởi nhiều nhà sản xuất khác nhau.

img

Thuốc trừ cỏ Roundup của Monsantp có chứa hoạt chất glyphosate vẫn đang tiếp tục gây tranh cãi với 2 luống ý kiến khác nhau. 

Báo cáo năm 2017 của Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp glyphosate vào nhóm hoạt chất "nhiều khả năng gây ung thư" (nhóm 2A).

Bồ Đào Nha, Italy và thành phố Vancouver của Canada đã cấm sử dụng glyphosate trong các công viên và vườn công cộng. Hồi tháng 5, chính phủ Pháp cam kết sẽ cấm "hầu hết việc sử dụng" glyphosate trước năm 2021 và tiến đến cấm hoàn toàn trong 5 năm.

Sri Lanka cấm việc nhập khẩu glyphosate vào năm 2015 sau chiến dịch do một sư thầy phát động. Argentina không có lệnh cấm glyphosate trên cả nước, nhưng nhiều thành phố đã thông qua luật hạn chế sử dụng sản phẩm có chất này.

Theo tòa án San Francisco, Monsanto đã không cảnh báo trước cho nạn nhân về tác hại của việc tiếp xúc với thuốc diệt có Roundup có chứa glyphosate, đã "hành xử với ý đồ xấu và sự đàn áp". Tòa cũng phán quyết rằng Monsanto đã biết hoặc có thể đã biết về sự nguy hiểm của glyphosate.

Trong phiên xử vụ kiện của ông Johnson, các luật sư của nguyên đơn lập luận rằng trong nhiều năm dài, Monsanto đã "chống lại khoa học" và có những chiến dịch nhằm phản bác các học giả đưa ra cảnh báo về hiểm họa sức khỏe trong sản phẩm của tập đoàn này.

Các luật sư bên nguyên đơn đã trình ra hàng loạt email nội bộ để chứng minh Monsanto cố tình lờ đi các báo cáo khoa học độc lập chứ không phải không biết về sức hủy hoại của hoạt chất này. 

Cả trong và ngoài phiên tòa ông Johnson, Monsanto liên tục viện dẫn báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) tán thành việc sử dụng glyphosate. Trong khi đó, bằng chứng tại tòa cho thấy công ty này có mối quan hệ mật thiết với các quan chức của EPA để tuyên truyền về “sự an toàn” của Roundup và che giấu những dữ kiện chứng minh ngược lại.

Sau phiên tòa trên, đại diện Monsanto cho biết, tập đoàn này sẽ quyết kháng cáo đến cùng. Thời hạn kháng cáo là 45 ngày, kể từ ngày tòa đưa ra phán quyết.

Cụ thể, phát ngôn viên Tập đoàn Monsanto cho rằng, Monsanto bày tỏ sự đồng cảm tới ông Johnson và gia đình, đồng thời khẳng định, phán quyết của tòa án không thay đổi thực tế rằng hơn 800 nghiên cứu và phản biện khoa học khác đều cho rằng glyphosate không phải hoạt chất gây ung thư và không phải là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư của ông Johnson. 

“Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cáo và bảo vệ sản phẩm này, sản phẩn với lịch sử hơn 40 năm sử dụng an toàn và vẫn sẽ tiếp tục là một công cụ thiết yếu, hiệu quả và an toàn cho nông dân cũng như người tiêu dùng trên toàn thế giới”, vị này nhấn mạnh.

Doanh nghiệp này cũng cho rằng, các luật sư đã nhân báo cáo của IARC (Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế) về khả năng gây ung thư của gốc glyphosate để chạy các quảng cáo tuyển mộ bị đơn cho các vụ kiện chống Monsanto.

Tập đoàn Monsanto, trụ sở tại TP. St. Louis (bang Missouri, Mỹ) là một trong những “ông lớn” trong ngành hóa chất dùng trong nông nghiệp. Tháng 6.2018, vừa qua, Tập đoàn Bayer AG của Đức đã mua lại Monsanto với khoảng đầu tư khoản 63 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem