Mối quan hệ phức tạp của ông Biden với 'Vua Bibi'

Chủ nhật, ngày 06/11/2022 12:06 PM (GMT+7)
Tổng thống Mỹ và ông Benjamin Netanyahu - Thủ tướng sắp nhậm chức của Israel - sẽ phải thảo luận lại những vấn đề vốn gây căng thẳng cho mối quan hệ kéo dài hơn 4 thập kỷ giữa họ.
Bình luận 0

Tổng thống Mỹ và ông Benjamin Netanyahu - Thủ tướng sắp nhậm chức của Israel - sẽ phải thảo luận lại những vấn đề vốn gây căng thẳng cho mối quan hệ kéo dài hơn 4 thập kỷ giữa họ.

Mối quan hệ phức tạp của ông Biden với 'Vua Bibi' - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và ông Benjamin Netanyahu. Ảnh IT

Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm ngoái, ông nắm lợi thế trong mối quan hệ kéo dài 4 thập kỷ với nhà lãnh đạo Benjamin Netanyahu - người từng giữ chức thủ tướng lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử 74 năm của Israel và được gọi là "Vua Bibi", theo New York Times.

Ông Biden đã đánh bại ông Donald Trump, đồng minh thân cận của ông Netanyahu trong cuộc đua cho vị trí tổng thống. Vào thời điểm mới nhậm chức, ông Biden khẳng định một trong những sáng kiến chính sách đối ngoại đầu tiên của mình là tái khởi động thỏa thuận hạt nhân Iran, điều không được lòng ông Netanyahu.

Trong khi đó, tại Israel, ông Netanyahu phải đối mặt với cáo buộc nhận hối lộ, gian lận và thiếu trách nhiệm. Trong vòng vài tháng, ông đã bị cách chức sau hơn 10 năm làm lãnh đạo quốc gia này.

Hiện tại, cục diện đã thay đổi.

Hy vọng của ông Biden về một thỏa thuận hạt nhân với Iran đã sụp đổ, và các cuộc thăm dò cho thấy tổng thống phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tuần tới. New York Times nhận định cuộc bầu cử đó có thể đặt dấu chấm hết cho chương trình lập pháp trong nước của ông.

Cục diện thay đổi

Ông Trump đang là một thế lực mạnh trong chính trường Mỹ và có khả năng tái tranh cử vào năm 2024. Trong khi đó, ông Netanyahu sẽ trở lại nắm quyền khi kết quả kiểm phiếu hôm 3/11 cho thấy ông và đồng minh chiếm đa số ghế tại Quốc hội Israel, theo Al Jazeera.

Ông Biden và ông Netanyahu sẽ thấy phải thảo luận một lần nữa về các vấn đề vốn đã gây căng thẳng cho mối quan hệ của họ từ lâu.

New York Times nhận định quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này rất phức tạp, dao động giữa trạng thái nồng ấm và tranh đấu đôi khi trong cùng một ngày.

Dennis Ross, người từng là nhà đàm phán về Trung Đông, cho rằng mối quan hệ đó vẫn tốt đẹp hơn mối quan hệ giữa ông Netanyahu và cựu Tổng thống Barack Obama.

Tuy nhiên, những bất đồng vẫn còn. Tổng thống Mỹ ủng hộ việc nhà nước Palestine giải quyết cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ với Israel. Ông Netanyahu thì không.

Mối quan hệ phức tạp của ông Biden với 'Vua Bibi' - Ảnh 2.

Ông Netanyahu tại trụ sở đảng của ông hôm 2/11. Ảnh: Reuters.

Ông Netanyahu gọi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 là một thảm họa đối với Israel và khu vực. Tuy nhiên, ông Biden cho rằng đó là cách tốt nhất để ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân.

Hai nhà lãnh đạo này cũng đã mâu thuẫn trong nhiều năm về việc xây dựng các khu định cư của Israel trên lãnh thổ Palestine.

Tuy nhiên, trong 16 tháng kể từ khi ông Netanyahu bị lật đổ và sau đó trở lại nắm quyền, thế giới đã thay đổi. Các nhà lãnh đạo Iran dường như không quan tâm đến việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã rút vào năm 2018.

Trong bốn năm cầm quyền của ông Trump, ông Netanyahu cũng không phải đối mặt với nhiều áp lực từ phía Mỹ. Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo dường như không có xích mích cho đến khi ông Netanyahu chúc mừng chiến thắng của ông Biden vào năm 2020.

Một phần vì đợt phong tỏa do Covid-19, ông Biden và ông Netanyahu đã không gặp mặt trực tiếp trước khi cựu thủ tướng Israel mất chức. Trên cương vị phó tổng thống, ông Biden cũng từng thường thấy mình mâu thuẫn với ông Netanyahu hoặc chính phủ của ông.

Hiềm khích cá nhân

Hơn một thập kỷ trước, theo các cựu quan chức, chính ông Biden đã phàn nàn rằng Israel, dưới sự lãnh đạo của ông Netanyahu, đã quá vội vàng trong việc cập nhật mã máy tính bí mật để phá hoại nhà máy làm giàu hạt nhân Natanz của Iran.

Ông Biden cũng bày tỏ quan ngại về Israel dưới thời ông Netanyahu trong nhiều vấn đề khác. Những bất đồng về chính sách giữa ông Biden và ông Netanyahu đôi khi dường như gây ra những hiềm khích cá nhân.

Trong chuyến thăm của ông Biden đến Israel vào tháng 3/2010, chính phủ của ông Netanyahu đã thông báo về việc xây dựng các dự án định cư mới ở Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ cần được đàm phán với phía Palestine. Ông Biden đã rất ngạc nhiên và tức giận trước thông báo này.

Đêm đó, ông Biden đã trì hoãn việc đến dự bữa tối với vợ chồng ông Netanyahu trong hơn 90 phút. Động thái này được coi nhằm thể hiện rõ sự không hài lòng của ông.

Sau khi ông Netanyahu bị lật đổ vào năm 2021, ông đã đả kích chính quyền Biden trong bài phát biểu cuối cùng của mình.

Tổng thống Biden và ông Netanyahu từng là bạn bè, đồng minh và đối tác trong mối quan hệ kéo dài gần 4 thập kỷ. Khi họ gặp nhau lần đầu tiên, ông Biden là một thượng nghị sĩ, trong khi ông Netanyahu là một nhà ngoại giao non trẻ, theo CNN.

Ông Biden thường nói tốt về ông Netanyahu kể từ đó, bất chấp sự khác biệt chính trị của họ.

“Ông Biden có bản năng gắn bó với Israel”, ông Ross nói. Ông Ross cho biết niềm tin rằng người Israel cảm thấy “bị đe dọa hiện hữu” bởi đối thủ khiến ông Biden có xu hướng hiểu quan điểm của ông Netanyahu hơn.

Ông Biden là chính trị gia Mỹ duy nhất viết thư cho cựu Thủ tướng Netanyahu sau thất bại của ông trong cuộc bầu cử, ông Ross nói. Trong những khoảnh khắc căng thẳng giữa ông Netanyahu và ông Obama, ông Biden phải đóng vai người hòa giải.

Mối quan hệ phức tạp của ông Biden với 'Vua Bibi' - Ảnh 3.

Ông Biden - khi đó còn là phó tổng thống Mỹ - nói chuyện với ông Netanyahu. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, vào năm 2015, ông Biden đã từ chối tham dự một bài phát biểu của ông Netanyahu tại Quốc hội Mỹ sau khi nhà lãnh đạo Israel chấp nhận lời mời từ cựu Chủ tịch Hạ viện John A. Boehner.

Trong bài phát biểu, ông Netanyahu đã phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Sự vắng mặt của ông Biden đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn giữa ông Netanyahu và chính quyền Obama về thỏa thuận này.

Thỏa thuận đó đã đóng băng hoạt động của Iran trong vài năm, cho đến khi ông Trump rút khỏi và Iran tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân.

Với tư cách là tổng thống, ông Biden đã sử dụng vốn liếng chính trị ban đầu của mình để tìm cách quay trở lại thỏa thuận đó. Ông đã thúc đẩy tiến trình vào thời điểm mà ông Netanyahu đang suy yếu về mặt chính trị.

Tuy nhiên, ngay cả trong những khoảnh khắc đó, ông Biden vẫn cam kết sẽ sát cánh cùng Israel, cho dù nhà lãnh đạo của họ có thể là ai.

Điều đó đã được thể hiện trong chuyến thăm Israel của ông Biden vào giữa tháng 7, khi ông gặp chính phủ Yair Lapid. Ông cũng đến gặp ông Netanyahu trong chuyến thăm đó.

Ông Netanyahu khẳng định với ông Biden rằng Mỹ cần phải đe dọa Iran bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế hay quan hệ đối tác quân sự phòng thủ giữa các quốc gia Trung Đông.

Ông Netanyahu chắc chắn sẽ nhấn mạnh quan điểm đó với tư cách là thủ tướng, khi các cuộc đàm phán về việc tái ký kết thỏa thuận hạt nhân đang bị đình trệ. Với việc Iran sản xuất ngày càng nhiều uranium, ông chắc chắn sẽ kêu gọi thêm các biện pháp trừng phạt và đe dọa hành động quân sự nhiều hơn.

Về phần mình, ông Biden có thể sẽ thúc ép Israel tuyên bố đứng về phía kiềm chế Nga, một bước đi mà Israel từ chối thực hiện.

Theo New York Times, những vấn đề trên đều đã thay đổi so với khi ông Biden mới nhậm chức. Và lịch sử cho thấy rằng những căng thẳng với ông Netanyahu, xuất phát từ lợi ích quốc gia, chắc chắn sẽ xuất hiện nhanh chóng.


Vân Đinh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem