Mảnh thủy tinh nằm trong đầu gối bé trai suốt 2 năm

Diệu Linh Thứ hai, ngày 29/01/2024 06:06 AM (GMT+7)
Bé trai bỗng dưng đau đầu gối, đi khám, gia đình tá hỏa khi phát hiện mảnh thủy tinh nằm sâu trong đầu gối.
Bình luận 0

Tin tử Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng của bệnh viện vừa phẫu thuật lấy mảnh vỡ thủy tinh kích thước 2,5x1,5cm nằm trong đầu gối bé trai suốt gần 2 năm. 

Theo lời kể của gia đình, vào khoảng tháng 8/2022, bệnh nhi H.H.Đ (11 tuổi, Vinh Tân, TP Vinh) được về quê chơi, trong lúc nô đùa bé Đ. không may bị ngã xuống tấm kính vỡ. 

Sau tai nạn, gia đình cho bé vào cơ sở y tế gần nhà để khâu vết thương, vết thương lành và bé trai không bị đau đớn gì. Tuy nhiên, mới đây, trong giờ học thể dục, sau khi vận động nhảy lò cò, bé bị đau sưng gối phải, không ngồi lên ngồi xuống được, hạn chế vận động duỗi cẳng chân phải. 

Gia đình cho bé đi chụp MRI phát hiện dị vật và được giới thiệu đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để xử trí.

Mảnh thủy tinh nằm trong đầu gối bé trai suốt 2 năm- Ảnh 1.

Kích cỡ mảnh thủy tinh lấy ra từ đầu gối bé trai. Ảnh BVCC

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, tiến hành thăm khám và chỉ định thực hiện những cận lâm sàng cần thiết, kết quả chụp xquang đầu gối phải xuất hiện dị vật xuyên qua bao khớp, vào trong giữa khớp gối, ấn vào đau nhói, xung quanh có vết bầm tím. 

Với tiền sử bị ngã vào tấm kính vỡ gây chấn thương trước đó, bệnh nhi được các bác sĩ chẩn đoán còn dị vật sau chấn thương gối phải và được chỉ định làm tiểu phẫu lấy bỏ dị vật.

Sau tiểu phẫu, dị vật là mảnh thủy tinh vỡ hình tam giác, kích thước khoảng 2,5x1,5cm đã được loại bỏ ra khỏi đầu gối phải cho bệnh nhi.

Các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, việc loại bỏ dị vật như các mảnh thủy tinh ra khỏi vết thương là vô cùng quan trọng, bởi nếu chúng nằm trong vết thương sẽ làm vết thương bị nhiễm trùng và không liền được, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc vận động của trẻ.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo khi bị tai nạn có vết thương bẩn dính bùn, đất hoặc các vật thể lạ bám vào vết thương, đặc biệt là có dị vật sắc nhọn như mảnh gương, kính, thủy tinh, mạt sắt, kim loại… người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được làm sạch vết thương đúng cách .

Đồng thời cần kiểm tra cẩn thận để lấy bỏ hoàn toàn dị vật (nếu có), tránh các biến chứng như nhiễm trùng, áp xe, đau kéo dài. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem