Mạng xã hội: Nút share Sống - Chết

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 28/07/2017 20:33 PM (GMT+7)
Nút share (chia sẻ) trên mạng xã hội có thể mang đến sự sống cho một em bé mắc bệnh nan y, giúp một nam sinh nhà nghèo có tiền đi học nhưng cũng có thể giết chết tâm hồn, danh dự thậm chí tính mạng của một con người.
Bình luận 0

Hai mặt của một nút share

Ngày nay, mạng xã hội gần như đã gắn liền với đời sống của nhiều người, khiến nó trở thành “con đường” đông người qua lại.

img

Vụ việc người đồng giới tên T. vào nhà dân với ý định trộm tiền bị quay clip tung lên mạng với cáo buộc "bắt cóc trẻ em" được chia sẻ một cách chóng mặt trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook.

Mạng xã hội giúp việc chia sẻ thông tin nhanh nhạy và lan tỏa rộng lớn đến nhiều người trên thế giới. Mạng xã hội giúp phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực, kêu gọi giúp đỡ những phận đời khốn khổ vì bệnh tật,… Việc kinh doanh, buôn bán, tìm giấy tờ bị mất, người bị thất lạc,… cũng nhờ mạng xã hội. Đơn giản vì trên mạng xã hội có nút share thông tin, kết nối mọi người.

Nút share ấy được sử dụng đúng thì lợi ích rất lớn. Nhưng nếu sử dụng nút share không chuẩn thì có thể gây nên những hậu họa khôn lường.

Hồi tháng 3 vừa qua, bức ảnh được đăng tải trên một trang facebook cá nhân về cậu bé lượm ve chai xếp dép cho các bạn nhận được sự quan tâm, ủng hộ, chia sẻ của cư dân mạng để lan truyền những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Cậu bé sau đó được một trường mầm non nhận vào học. Mẹ cậu bé cũng có được việc làm ổn định hơn. 

Những bài báo viết về em bé bị bệnh tim bẩm sinh, suy thận, những người già neo đơn, bệnh tật; nạn nhân chất độc da cam, bác sĩ trẻ bị tai nạn sống đời thực vật… sau khi đăng tải được chia sẻ trên mạng xã hội đã kết nối các nhà hảo tâm quyên góp giúp đỡ…

Chính những nút share có chọn lọc, chuẩn xác và đầy trách nhiệm ấy đã giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn, cứu sống những mảnh đời bất hạnh. 

Nhưng, cũng có những nút share thiếu chính xác gây hậu quả nghiêm trọng.

img

Chị Bảy và bà Phúc bị người dân ở Sóc Sơn hành hung vì nghi bắt cóc trẻ con. Ảnh chụp màn hình.

Ngày 22.7 vừa qua, hai người phụ nữ ở Hà Nội đi bán tăm gây quỹ tình thương bị người dân vây đánh bầm dập vì bị nghi bắt cóc trẻ em.

Trước đó tối 20.7, hai người đàn ông đi xe ô tô Fortuner vào xã Hồng Lạc (Thanh Hà, Hải Dương) để tìm mua đồ gỗ thì bị người dân nghi bắt cóc trẻ em nên bao vây và đốt xe cháy trơ khung.

Những hành động mang tính “cực đoan” như vậy xuất phát từ các thông tin, clip “vây bắt kẻ bắt cóc trẻ em” được đăng tải trên mạng xã hội trước đó.

Hãy share có trách nhiệm 

Mới đây, vào sáng 28.7, một người đồng giới, bị khuyết tật có tên L.T.T đột nhập vào nhà anh V.V.T. (trú Mỹ Chánh, Hải Chánh, Hải Lăng, Quảng Trị) với ý định trộm cắp tiền để lên đường về quê ở thôn Xuân Vinh (Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa) thì bị phát hiện, quay clip tung lên facebook với cáo buộc “bắt cóc trẻ em”.

img

Công an huyện Hải Lăng khẳng định không có chuyện T. bắt cóc trẻ em như trên mạng xã hội đăng tải thông tin. Ảnh: Ngọc Vũ

Chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ sau khi thông tin được đăng trên mạng xã hội đã có hàng chục ngàn lượt chia sẻ về vụ việc gây hoang mang dư luận.

Nhiều người dân địa phương xem được clip trên mạng ồ ạt kéo đến đòi đánh đập T. Rất may, hàng chục chiến sĩ công an huyện Hải Lăng có mặt kịp thời bảo vệ, tránh cho T. bị một trận đòn bầm dập. Tuy vậy, vì có quá nhiều người tập trung xem vụ việc đã gây tình trạng tắc đường cục bộ trên quốc lộ 1A. Lực lượng công an phải rất vất vả mới có thể thông xe.

Trả lời công an, T. cho biết đang làm thuê cho 1 gánh lô tô tại Quảng Trị để kiếm tiền với nghệ danh L.L. Tuy nhiên, nhiều ngày nay mưa bão không đi làm được, đói ăn, hết tiền không thể về quê nên T. đã trộm cắp tài sản rồi bị bắt chứ không hề có ý định bắt cóc trẻ em.

Đại tá Trần Đức Triệu, Trưởng Công an huyện Hải Lăng khẳng định, T. chỉ thực hiện việc lục lọi nhằm trộm cắp tài sản chứ không hề có chuyện bắt cóc trẻ em như mạng xã hội đăng tải thông tin.

“Người dân đăng tải thông tin trên mạng xã hội không có kiểm chứng là quá nóng vội dẫn đến hậu quả lớn. Đã từng có bài học về việc người dân nghi ngờ bắc cóc trẻ em mà đánh người, đốt xe… Đây tiếp tục là bài học khi đăng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội” – Đại tá Triệu nói.

Một người dùng mạng xã hội đã bày tỏ ý kiến cho rằng: “Nếu cứ share linh tinh, sẽ có những ảnh hưởng vô cùng tiêu cực, khi nó không chỉ thúc đẩy nỗi sợ hãi, mà còn thổi bùng lên các hành động bạo lực mông muội của một số đông từ lâu đã bị ám ảnh bởi nỗi sợ, muốn tự mình lập nên công lí mà không cần đến các nhà chức trách. Nếu không cẩn thận, một lúc nào đó, người bị đánh sẽ là bạn!”

Một thực tế dễ nhận ra, hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội mong muốn trang cá nhân của mình được nhiều người like, theo dõi, được “nổi như cồn” nên đã tung những thông tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, những thông tin không chính xác ấy lại được chia sẻ rất nhiều.

Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hoàn cho biết, khi người dùng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin thì phải chính xác, có trách nhiệm. Nếu đăng tải và chia sẻ thông tin trên mạng không đúng sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem