“Mắc nghẹn” khi đầu tư vào… ngân hàng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 30/09/2016 06:02 AM (GMT+7)
Những năm qua khá nhiều doanh nghiệp (DN) nhà nước đã “đầu tư” một lượng vốn lớn lên đến vài trăm tỷ đồng vào ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… nhưng do thị trường ảm đạm, nợ xấu gia tăng khiến việc bán vốn không hề đơn giản.
Bình luận 0

Đầu tư ngoài ngành lớn nhưng kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ khiến việc thoái vốn của nhiều “ông lớn” nhà nước hiện đang khá chật vật…

“Chật vật”… thoái vốn

Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là đơn vị nếm không ít “trái đắng” khi đầu tư vào mảng ngân hàng. Cụ thể, trong số 791 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành của Sabeco thì nhóm “ngân hàng, tài chính, chứng khoán” chiếm tới 536 tỷ đồng.

Trong nhóm đầu tư này, Sabeco đang gánh chịu hai khoản đầu tư thua lỗ gồm: Đầu tư 217 tỷ đồng vào Ngân hàng Phương Đông, Sabeco phải trích lập dự phòng khoảng 158 tỷ đồng và đầu tư 136 tỷ đồng vào Ngân hàng Đông Á khiến công ty đang phải hạch toán lỗ và trích lập tới 111 tỷ đồng.

Đặc biệt, Sabeco còn có một khoản đầu tư có nguy cơ mất trắng, đó là 20 tỷ đồng mua trái phiếu Vinashin.

Ngoài đầu tư vào các ngân hàng, Sabeco hiện đang đầu tư vào hàng chục công ty, liên doanh liên kết khác với tổng giá trị đầu tư khoảng 4.076 tỷ đồng. Trong đó, nhiều đơn vị đang có kết quả hoạt động tương đối kém hiệu quả, tỷ lệ sinh lời thấp… khiến cho việc Sabeco nếu “mạnh mẽ” thoái vốn thì có thể sẽ phải gánh thêm nhiều khoản lỗ.

img

Sản phẩm bia Sài Gòn

Một “ông lớn” khác là PVN cũng đầu tư lên hơn 5.000 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng trong đó tập trung chủ yếu vào các ngân hàng là NH TMCP Đại Dương (OceanBank). Trong đó, câu chuyện tại Oceanbank với hơn 800 tỷ đồng bị mất vốn là “canh bạc” đau đớn của PVN.

Nhiều DN nhà nước khác cũng đồng loạt tháo chạy khỏi các ngân hàng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thoái vốn 25,2 triệu cổ phiếu tại ABBank; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bán 24.033 triệu cổ phần và 827.847 trái phiếu chuyển đổi của Ngân hàng Techcombank có thời hạn 10 năm; Tập đoàn Dệt may (Vinatex) bán hết cổ phần tại Navibank; Tập đoàn Than Khoáng sản VN (Vinacomin) bán hết cổ phần tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB)…

Nhiều băn khoăn

Ngoài nguyên nhân số lượng vốn khổng lồ đang bị “treo” do đầu tư ngoài ngành chưa thể thoái vốn, có nhiều băn khoăn khác như vốn Nhà nước sẽ được “định giá” như thế nào, có hay không lợi ích nhóm và làm sao để không đánh mất những thương hiệu vốn là niềm tự hào của người Việt… là những rào cản khiến tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước và thoái vốn từ đầu năm đến nay chưa đạt được như kỳ vọng.

Tại Vinamilk, do vốn Nhà nước rất lớn và định giá doanh nghiệp còn bao gồm cả giá trị thương hiệu nên quá trình thoái vốn tại DN này theo các chuyên gia kinh tế thì khó có thể “hoàn tất trong năm 2016” như tuyên bố của Bộ Tài Chính.

Cụ thể, theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), thông thường tiến trình thoái vốn của một DNNN lớn sẽ phải trải qua 5 công đoạn: Bước 1 là đề xuất kế hoạch thoái vốn bao gồm lộ trình, các các phương án bán cổ phần dự kiến để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt; Bước 2 là Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ tìm đơn vị định giá và đơn vị này sẽ hoàn tất quá trình định giá; Bước 3 là SCIC sẽ sử dụng kết quả định giá để trình kế hoạch cuối cùng lên Thủ tướng xem xét và phê duyệt định giá, giá bán và phương án bán cổ phần; Bước 4 là doanh nghiệp tiến hành công bố thông tin; và bước 5 là tổ chức đấu giá.

“Hiện Vinamilk chưa triển khai định giá nên chỉ còn vài tháng cuối năm rất khó hoàn tất quy trình thoái vốn này”, HSC nhận định.

Tuy nhiên, phía SCIC cho biết từ nay đến cuối năm, sẽ có gắng hoàn tất bán vốn 9% cổ phần của Vinamilk, đưa tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước tại VNM từ 45% xuống còn 36%. Tuy giá trị chưa được SCIC tiết lộ nhưng theo giới đầu tư ước đoán, số tiền Nhà nước thu về từ “cổ phiếu vàng” này sẽ lên tới 15.000 - 18.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, các “ông lớn” khác như Sabeco, Habeco lại lo lắng nhà đầu tư chỉ để đầu cơ rồi bán lại, hoặc các DN nước ngoài sẽ thông qua việc thoái vốn này để chen chân vào thị trường đồ uống đầy tiềm năng của Việt Nam; lo dòng tiền từ thị trường bia có thể chảy khỏi Việt Nam…

Theo thống kê của Bộ Tài Chính, nhiệm vụ thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN nhà nước hiện khá nặng nề với khoảng 17.655 tỷ đồng; trong đó, đa số là đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với hơn 11.000 tỷ đồng, bất động sản gần 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp mới thoái vốn đầu tư ngoài ngành được hơn 2.921 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem