Lượng xe nhập suy giảm kỷ lục, doanh số nhiều "ông lớn" ô tô trong nước bết bát

An Linh Thứ năm, ngày 19/10/2023 14:25 PM (GMT+7)
Kinh tế khó khăn, sức mua yếu kém và các khoản vay mua sắm xe vẫn có lãi suất cao khiến doanh số xe hơi trong nước suy giảm kỷ lục. Các mẫu xe nhập khẩu cũng không nằm ngoài xu hướng ấy, khi lượng xe nhập sụt giảm hàng chục %.
Bình luận 0

Xe trong nước, xe nhập khẩu đều suy giảm

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết 9 tháng năm 2023, lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đạt hơn 94.100 chiếc, giảm khoảng 20.000 chiếc so với cùng kỳ cả hai năm trước 2022, 2921.

Trong đó, xe con dưới 9 chỗ ngồi nhập về hết tháng 9 chỉ đạt hơn 75.800 chiếc, giảm gần 17.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2022 và hơn 2.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng xe nhập suy giảm kỷ lục, doanh số nhiều ông lớn ô tô trong nước bết bát - Ảnh 1.

Kinh tế khó khăn, xe nhập và xe trong nước tiêu thụ sụt giảm rất mạnh (Ảnh: TCHQ).

Xu hướng tiêu thụ xe giảm sút do kinh tế khó khăn, cộng với giá xe trong nước giảm mạnh do phí trước bạ giảm 50% được cho là nguyên nhân khiến làn sóng xe nhập suy giảm mạnh về lượng thời gian qua.

Về mức giá xe nhập, trong 9 tháng qua, giá xe con nguyên chiếc nhập về Việt Nam ở mức bình quân 495 triệu đồng/chiếc, mức giá này cao hơn 50 triệu đồng/chiếc so với cùng kỳ năm 2022 và hơn 70 triệu đồng/chiếc so với cùng kỳ năm 2021.

Dữ liệu này khá ngược so với xu hướng giảm giá xe trong nước, các hãng xe nhập đều phải thực hiện giảm giá xe để cạnh tranh trực tiếp với xe nội địa vốn được hưởng ưu đãi giảm 50% phí trước bạ từ 10-12% xuống 5-6%/chiếc (tuỳ theo địa phương).

Theo ông Hoàng Văn Phương, giám đốc công ty nhập khẩu xe hơi từ Thái Lan về Việt Nam cho rằng: "Các mẫu xe nhập về Việt Nam hiện nay đều ở mức trung bình, các dòng xe nhỏ hatchback nhập từ Indonesia, Thái Lan như Hyundai i10, Toyota Wigo, Honda Brio hay Nissan Suny dòng thì bỏ mẫu, dòng thì doanh số kém, không bán được hàng và có khách nên hãng đều không muốn nhập về Việt Nam, đó là lý do vì sao xe nhập có giá bình quân cao hơn so với mọi năm".

Thực tế, hiện xe nhập về Việt Nam không nhiều, Thái Lan chỉ có một số dòng xe bán chạy lắp ráp như Ford Everest, Ranger, MG, Subaru Forester… Còn Indonesia vẫn chỉ có một số cái tên quen như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7…

Về đối tác nhập khẩu xe vào Việt Nam, trong 9 tháng qua Thái Lan, Indonesia vẫn dẫn đầu với khoảng 80% số lượng xe nhập, Thái Lan có khoảng 42.400 chiếc xe vào Việt Nam, bình quân mỗi tháng gần 4.800 chiếc vào Việt Nam, trong khi đó, xe từ Indonesia là khoảng 35.000 chiếc, bình quân 3.900 chiếc nhập về mỗi tháng.

Mỹ, Nhật và Trung Quốc là ba nước có số xe nhập khiêm tốn từ trên 2.000 chiếc, trong đó đây đều là xe có giá bán cao trên 900 triệu đến 1,3 tỷ đồng, hầu hết là xe chuyên dụng, lượng nhỏ xe dưới 9 chỗ ngồi.

Các mẫu xe Indonesia có giá khai báo trị giá tính thuế bình quân khi nhập vào Việt Nam siêu rẻ chỉ 318 triệu đồng/chiếc, rẻ hơn 15 triệu đồng so với giá bình quân cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, các mẫu xe nhập Thái Lan có giá khai báo trị giá tính thuế bình quân chỉ 480 triệu đồng/chiếc.

Theo Tổng cục Hải quan, xu hướng giảm lượng nhập khẩu xe hơi về Việt Nam diễn ra từ đầu năm, giảm mạnh nhất trong các tháng của quý III/2023. Thông thường các năm, từ quý IV, số lượng xe nhập sẽ tăng cao do các hãng đều chốt doanh số, lấy khách hàng cuối năm. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc lớn vào đà hồi phục, tăng trưởng và sự sẵn sàng chi tiêu, mua sắm xe hơi của người dân.

Báo cáo bán hàng 9 tháng của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho biết, doanh số bán hàng 9 tháng của năm 2023 suy giảm 29% so với cùng kỳ năm trước, xe du lịch giảm mạnh 32,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đặt ra cho cả sản xuất xe trong nước và xe nhập khẩu.

Cùng kỳ 2022, xe con tiêu thụ khoảng 231.700 chiếc, nhưng hiện tại mới chỉ 156.400 chiếc được bán ra, suy giảm khoảng 75.300 chiếc. Tiêu thụ xe lắp ráp trong nước suy giảm 29%, tiêu thụ xe nhập khẩu cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước.

Ngay các thương hiệu ô tô đình đám tại Việt Nam cũng suy giảm doanh số nặng nề, Toyota chỉ bán được gần 38.400 chiếc, hơn 25.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước; Honda chỉ bán được hơn 15.000 chiếc, giảm hơn 10.000 chiếc. Hai thương hiệu lắp ráp của Trường Hải là Kia và Mazda cũng giảm doanh số mạnh, Kia chỉ bán ra được hơn 27.800 chiếc, giảm gần 20.000 chiếc; Mazda chỉ bán được 23.800 chiếc, giảm 2.600 chiếc; Ford là hãng duy nhất có doanh số tăng vượt trội khi đạt doanh số hơn 26.400 chiếc, tăng gần 11.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Thành Công Hyundai cũng suy giảm doanh số khi 9 tháng qua chỉ bán được hơn 41.168 chiếc (bao gồm cả 7.300 chiếc xe thương mại), giảm hơn 15.100 chiếc so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù xe hơi trong nước được ưu đãi giảm phí trước bạ 50%, nhiều đợt giảm giá diễn ra, thậm chí có mẫu xe giảm hàng trăm triệu đồng/chiếc, song doanh số bán xe trong nước vẫn sụt giảm mạnh. Thị trường xe con tiêu thụ trong 9 tháng qua chưa đạt 200.000 chiếc xe, con số thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia về ô tô và một số doanh nghiệp bán xe hơi tại Hà Nội cho biết, doanh số xe hơi có thể nhích tăng trong quý IV song sẽ không đột biến, dự kiến có thể tổng doanh số bán xe dưới 9 chỗ ngồi năm 2023 có thể chỉ đạt mục tiêu 250.000 đến 270.000 chiếc xe, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước trên 320.000 đến 350.000 chiếc/ năm. 

Một số doanh nghiệp, đại lý bán xe ô tô cho biết để thúc đẩy doanh số vẫn cần giảm phí trước bạ, cộng thêm với giảm giá bán xe để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc giảm, hạ lãi suất cho vay mua xe là điều cần thiết nhằm đón đầu đà hồi phục kinh tế trong năm 2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem