dd/mm/yyyy

Lửa hồng Tết Việt ấm áp nơi miền tuyết trắng

Dẫu không “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ…” nhưng hồn cốt của Tết cổ truyền dân tộc chúng em không bao giờ bỏ được - anh Trần Quang Vịnh, Việt kiều tại Mông Cổ tâm sự với tôi như thế.

Đại sứ quán - Ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Mông Cổ. Trong ảnh, Liên hoan vui Tết, đón xuân cùng với cộng đồng người Việt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.

So với nhiều nước trên thế giới, người Việt ở Mông Cổ “chỉ đếm trên đầu ngón tay” và chủ yếu sống ở thủ đô Ulan Bator. Trong số đó phần lớn là người lao động làm nghề sửa chữa ô tô, buôn bán nên cuộc sống cũng không có gì dư giả; còn sinh viên thì chưa đến mười người. Vậy nhưng, dù là người có gia đình hay “chồng ta, vợ tây” đến những người độc thân, không ai bỏ Tết - Tết Việt đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của những người con xa Tổ quốc.

Du học sinh Việt đón Tết

Việc Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức cho bà con vui Tết đón xuân không những là trách nhiệm mà còn là tình cảm, để bà con ta được ấm lòng trên đất bạn, nhớ về Tổ quốc, quê hương. Đây cũng là hoạt động để bà con ta giữ gìn và phát huy nét đẹp của văn hóa dân tộc; quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Đại sứ Đoàn Thị Hương

Gặp Trần Văn Phước - Bí thư Đoàn thanh niên Hội sinh viên Việt Nam (HSV) tại Mông Cổ, tôi đùa: Tết này, Bí thư có mổ lợn cho đoàn viên ăn Tết? Nở nụ cười rất tươi, Phước bảo “Cháu còn mổ cừu chứ đâu chỉ mổ lợn”. Phước kể, đã trở thành thông lệ, năm nào HSV cũng quây quần rủ nhau ăn Tết. Gọi là Hội nhưng chỉ có mấy anh em. Trừ hai anh lớn học thạc sĩ ở ngoài, còn lại bây giờ chỉ có 5 người đang học Đại học ở trong ký túc xá. Vậy nên coi nhau như người một nhà, vui buồn đều chia sẻ cho nhau. Các bạn giao Bí thư phải có trách nhiệm “đầu trò” tổ chức Tết, “nhưng thực ra mong muốn được gần gũi nhau là nhu cầu tự thân – nhất là trong ngày Tết. Bởi vậy, chưa Tết mà các bạn đã liên tục điện thoại, í ới gọi nhau, chứ đâu cần phải triệu tập”, Phước nói.

Tuy chỉ có mấy anh em nhưng HSV tổ chức Tết cũng khá bài bản. Trước Tết, họp bàn ra “Nghị quyết”: Cỗ Tết làm những món gì? Mời những ai… Chiều 30 Tết cùng nhau đi chợ, tất bật nấu nướng trong ký túc xá. “Đây là lúc vui nhất, vừa làm, vừa đùa, vừa kể chuyện Tết ở nhà cho nhau nghe. Bạn thì làm nem, bạn thì nấu xôi... và cũng có những lúc “cãi nhau chí chóe”. Nhiều bạn khi mới sang đây chẳng biết làm gì, bây giờ thành siêu đầu bếp”, Phước nói vui.

Sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ quây quần vui Tết, đón xuân

Khách mời đón giao thừa của HSV ngoài mấy bạn người Việt còn có các bạn sinh viên nước ngoài ở trong ký túc xá. Vừa ăn uống, vừa hát hò, giới thiệu cho các bạn nước ngoài về phong tục Tết của Việt Nam… rất vui. “Nhưng đứa nào cũng ôm khư khư cái điện thoại. Đúng giao thừa gọi điện về nhà chúc Tết bố mẹ, anh em… có đứa vừa điện thoại vừa rân rấn nước mắt. Bỏ điện thoại xuống là khóc rưng rức vì nhớ nhà, thương bố mẹ…”. Phước bảo, “Tết của mình thật kỳ diệu, không hiều vì lý do gì mà giờ phút ấy ai cũng thấy có một cái gì đó vô cùng thiêng liêng; có một điều gì rất đẹp đang đợi mình phía trước; con người cảm thấy thân thiện, gắn kết với nhau hơn… và cảm thấy hạnh phúc đến rất gần…”

Giữ hồn dân tộc

Dẫu không khí không được như ở Việt Nam, nhưng hương vị ngày Tết vẫn ngập tràn trong những gia đình người Việt khi Tết đến. Nhà nào cũng làm cỗ Tất niên, đón giao thừa và đi thăm hỏi, chúc Tết – anh Trần Quang Vịnh kể.

Gia đình anh Vịnh đã ở Mông Cổ hơn 20 năm, có xưởng sửa chữa ô tô với mười công nhân người Việt. Năm nào cũng thế, 30 Tết anh cùng với công nhân tập trung làm cỗ, cúng gia tiên, tổ chức liên hoan Tất niên và đón giao thừa. Mâm cỗ ngày Tết đủ các món cổ truyền, từ canh măng, gà luộc, bánh chưng, giò lụa… có tất. “Tuy cách rách nhưng để mọi người được hưởng hương vị ngày Tết. Nhìn khói hương nghi ngút bên mâm cỗ; vừa liên hoan, vừa xem Táo quân anh em cũng thấy ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ …”, anh Vịnh chia sẻ.

Liên hoan vui Tết, đón xuân cùng với cộng đồng người Việt ở Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ.

Sáng mồng Một, anh Vịnh đưa cả nhà đi chúc Tết Đại sứ quán và anh em, bạn bè người Việt. “Mấy đứa trẻ nhà em hồi mới đầu cứ thắc mắc, bố mới gặp bác ấy hôm qua sao không nói chúc sức khỏe mà hôm nay lại đến nhà bác ấy mới nói… Sáng nay bố mẹ vừa gặp ở nhà bác ấy, sao bây giờ bác ấy lại còn đến nhà mình… Cứ thế, giải thích mãi, đi nhiều nên bây giờ chúng cũng đã biết. Đưa bọn nhỏ đi chúc Tết là để các cháu biết được phong tục, tập quán của cha ông, không quên cội nguồn, gốc gác của mình”, anh Vịnh tâm sự .

Trở về ngôi nhà chung

Nâng ly rượu, chúc tôi trong buổi Lễ khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (ở Trường Phổ thông số 14 mang tên Hồ Chí Minh, tại Ulan Bator), anh Phạm Văn Đang - thành viên BCH Hội Người Việt tại Mông Cổ nói “Hẹn anh bữa lên hoan cuối năm ở Đại sứ quán nhé”. Và anh kể, hàng năm khoảng ngoài 20 Tết, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức cho cộng đồng người Việt tại Mông Cổ liên hoan, vui Tết đón xuân.

Tết mang niềm tin và hy vọng đến với sinh viên ở xa Tổ quốc.

“Ngày thường, phải lo cuộc sống nên không mấy khi được gặp nhau. Tết, Đại sứ quán tổ chức liên hoan là dịp để bà con người Việt được gặp nhau chia sẻ vui, buồn nên mọi người ai cũng mong ngóng, đón chờ - bà con mình coi như ngày hội. Mùi lá dong thơm nức tỏa ra từ tấm bánh chưng trên mâm cỗ; nghe những bài hát về mùa xuân; nói tiếng Việt và gặp những gương mặt thân quen rạng rỡ nụ cười… ai cũng có cảm giác như trở về với quê hương mình. Ấm áp vô cùng”, anh Đang tâm sự.

Đại sứ quán Việt Nam tại Mông Cổ tổ chức cho bà con vui Tết đón xuân

Mang tâm sự này đến với Đại sứ Đoàn Thị Hương, bà Hương cho biết: Cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Dù làm ăn, sinh sống ở nước ngoài nhưng người Việt luôn hướng về quê hương đất nước. Trong năm qua, cộng đồng người Việt tại Mông Cổ đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, không những góp phần tích cực xây dựng quan hệ hữu nghị Việt Nam – Mông Cổ mà còn tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào ta trong nước bị thiệt hại do lũ lụt, thiên tai …

Bởi vậy việc tổ chức Tết được Đại sứ quán lên kế hoạch rất chi tiết, từ thực đơn món ăn đến chương trình văn nghệ,… phải mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Chúng tôi mong làm được nhiều hơn thế để bà con có điều kiện gần gũi, gắn bó đoàn kết với nhau hơn. Tổ quốc luôn bên cạnh những người con đất Việt dù ở nơi đâu”, Đại sứ Đoàn Thị Hương khẳng định.

Lê Chiên (từ Ulan Bator)