Lộc Trời nói gì về khả năng trả nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa nông dân?

11/05/2024 07:51 GMT+7
Do chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn ngân hàng, tính đến ngày 24/4, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ khoảng hơn 159 tỷ đồng tiền mua lúa của nông dân. Tuy nhiên, Lộc Trời cam kết trả cả gốc lẫn lãi 1 tuần/lần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ đông xuân 2023 - 2024 phần lớn diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa của nông dân trong tỉnh ký kết với Tập đoàn Lộc Trời, với trên 16.070ha. Tổng số tiền mua lúa mà Tập đoàn Lộc Trời chậm thanh toán cho nông dân tại An Giang lên đến hàng trăm tỷ đồng, thời gian nợ lâu nhất đến nay gần 50 ngày.

Chiều 9/5, thông tin với phóng viên Dân Việt, Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Vụ lúa đông xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã thu mua lúa của bà con nông dân tỉnh An Giang với tổng giá trị gần 440 tỷ đồng. Tính đến ngày 9/5, số tiền mà Tập đoàn Lộc Trời chưa thanh toán cho bà con nông dân ở An Giang là 159,4 tỷ đồng.

Giải trình về lý do thanh toán tiền mua lúa cho nông dân không đúng như cam kết, Tập đoàn Lộc Trời cho biết do chưa thu xếp kịp dòng tiền từ việc vay vốn của các ngân hàng. Tập đoàn xuất khẩu với số lượng lớn, tuy nhiên tiền thanh toán của khách hàng quốc tế chậm, dẫn đến nguồn tiền thanh toán cho nông dân bị chậm trễ.

Hiện tại, Lộc Trời đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng, đối tác để ưu tiên giải ngân cho nông dân và cam kết trả lãi suất 0,8% một tháng (9,6% một năm) cho nông dân từ ngày 27/4 trở về sau và mỗi tuần trả một phần và trả dứt điểm đến ngày 20/5.

Trong trường hợp nông dân, hợp tác xã có nguyện vọng muốn trao đổi trực tiếp, Tập đoàn Lộc Trời sẽ bố trí nhân viên tiếp tại các nhà máy, trụ sở, văn phòng của tập đoàn.

UBND tỉnh An Giang cũng có văn bản yêu cầu các sở ban ngành tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, giải thích cho các hộ nông dân nắm rõ chính sách, phương án trả nợ của Lộc Trời.

Tập đoàn Lộc Trời phải cử nhân viên thường xuyên có mặt để trực tiếp giải quyết cho các hộ dân hiểu rõ. Đồng thời xây dựng phương án trả nợ cụ thể cho người dân. Cử nhân viên phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, giải thích cho người dân hiểu.


"Đồng thời, để hỗ trợ bà con nông dân yên tâm canh tác vụ sau, Lộc Trời đảm bảo cung cấp khoản đầu tư vật tư nông nghiệp (thuốc, phân, giống) và dịch vụ nông nghiệp theo tiến độ mùa vụ hè thu. Các khoản đầu tư đầu vụ này đều không tính lãi và được cấn trừ trực tiếp vào tiền lúa sau khi thu hoạch", đại diện Lộc Trời cho hay.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị tốt việc liên kết sản xuất vụ hè thu 2024 và các vụ tiếp theo, ngành nông nghiệp An Giang sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, đôn đốc lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời chủ động đối thoại với bà con nông dân và cam kết cụ thể thời gian thanh toán, chi trả lãi suất.

Lộc Trời nói gì về khả năng trả nợ hàng trăm tỷ đồng tiền mua lúa nông dân?- Ảnh 1.

Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời.

Lộc Trời có khả năng trả nợ cho nông dân?

Ngày 8/5, HĐQT Tập đoàn Lộc Trời thông qua việc ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch HĐQT Lộc Trời đồng ý thế chấp và Lộc Trời chấp thuận ông Huỳnh Văn Thòn thế chấp toàn bộ 3,18 triệu cổ phần, tương ứng 3,15% vốn điều lệ của Lộc Trời.

Việc thế chấp cổ phần của ông Huỳnh Văn Thòn nhằm đảm bảo cho việc thực hiện các nghĩa vụ của Lộc Trời phát sinh từ/hoặc liên quan đến hạn mức tín dụng được cấp bởi các ngân hàng: Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Tạm tính theo mức giá kết phiên giao dịch ngày 9/5 là 22.800 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phiếu ông Thòn cầm cố đạt khoảng hơn 72 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh quý I/2024, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận bức tranh tài chính không mấy sáng sủa khi kết quả kinh doanh tiếp tục lỗ ở cả công ty mẹ và báo cáo hợp nhất; cùng với đó phải trả người bán tăng vọt và doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trên nền vốn vay.

Cụ thể, đối với báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Lộc Trời ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 3.874,1 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán của Lộc Trời chiếm tới 93% doanh thu, ghi nhận 3.603,6 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp doanh nghiệp giảm 10% so với cùng kỳ xuống 245,1 tỷ đồng.

Kết quả, dù doanh thu tăng vọt nhưng Lộc Trời vẫn báo lỗ trước thuế 86,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 96,3 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2023, Lộc Trời cũng ghi nhận lỗ trước thuế 77,1 tỷ đồng, lỗ sau thuế 81,2 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2024 trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng tài sản của Lộc Trời ở mức 11.912,5 tỷ đồng, tăng 4% so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% so với đầu năm còn 105,6 tỷ đồng.

Nếu so sánh số tiền Tập đoàn Lộc Trời phải trả cho nông dân là hơn 200 tỷ đồng với tổng tài sản tại ngày 31/3/2024 là 11.912 tỷ đồng thì số nợ chỉ bằng 0,0017% tổng tài sản của công ty. Nếu xét theo lý thuyết, Tập đoàn Lộc Trời hoàn toàn đủ khả năng trả nợ số tiền này cho nông dân. 

Tính đến hết quý I/2024, tổng nợ phải trả của Lộc Trời tăng từ 8.400 tỷ đồng lên 8.849,8 tỷ đồng, chiếm 74% tổng nguồn vốn. Dư nợ tài chính của Lộc Trời ở mức 6.327,3 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. 

Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn là 6.246,4 tỷ đồng, chiếm 99% dư nợ tài chính. Đặc biệt, thuyết minh còn hé lộ Lộc Trời có khoản vay với nhân viên trị giá 30,3 tỷ đồng, bao gồm: vay cán bộ công nhân viên (28,3 tỷ đồng) và vay Công đoàn cơ sở CTCP Tập đoàn Lộc Trời (2 tỷ đồng) đều theo hình thức tín chấp. Thời gian vay đến tháng 10/2024.

Với tình hình kinh doanh hiện tại thì chi phí lãi vay vẫn đang là "gánh nặng" khi chi phí lãi vay đã chiếm 52% lợi nhuận gộp của Lộc Trời.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục