Loay hoay xử lí 61 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi, nông dân "cầu cứu" nhà khoa học

Hải Đăng Thứ hai, ngày 10/07/2023 18:46 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Thích, chủ trang trại ở Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, hiện nay lượng phân thải từ chăn nuôi lợn rất lớn nhưng chỉ có cách xử lý bằng biogas cũng rất khó, khi thải ra ao nuôi cá khó sống được và các trại vẫn bị xử phạt nếu bị kiểm tra.
Bình luận 0
Chất thải từ chăn nuôi lợn quá lớn, khó xử lý triệt để, nông dân "cầu cứu" nhà khoa học - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Thích, chủ trang trại ở Đan Phượng (Hà Nội) mong các nhà khoa học nghiên cứu giúp dân tìm giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi lợn hiệu quả hơn. Ảnh: TQ

61 triệu tấn phân thải chăn nuôi cần được xử lý và tái sử dụng

Trao đổi với các đại biểu tại hội thảo "Phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường", do Viện Chăn nuôi phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức ngày 10/7, ông Nguyễn Văn Thích, chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, hiện nay 10 ông chăn nuôi lợn thì cả 10 ông không xử lý được chất thải đảm bảo sạch khi thải ra môi trường.

"Phân gà còn có chế phẩm xử lý và dễ bán nhưng việc xử lý chất thải chăn nuôi lợn chỉ có cách duy nhất là qua hệ thống biogas. Từ biogas thải ra môi trường cá vẫn khó sống được nên không đảm bảo môi trường, khi có cơ quan chức năng vào cuộc vẫn bị xử phạt. Chúng tôi rất mong các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu tìm các giải pháp để giúp dân giải quyết triệt và hiệu quả bài toán về chất thải chăn nuôi", ông Thích kiến nghị.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường qua mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn góp phần phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường mà còn giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 nước thải được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng để giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Đến thời điểm tháng 7/2022, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi là 72%; còn 28% hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường. Đối với trang trại, tỷ lệ có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ cao hơn, khoảng 95%.

Chất thải từ chăn nuôi lợn quá lớn, khó xử lý triệt để, nông dân "cầu cứu" nhà khoa học - Ảnh 3.

ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TQ

Chuyên gia hiến kế nhiều giải pháp xử lý chất thải chăn nuôi

Hiến kế thêm các giải pháp giúp nông dân giải bài toán môi trường chăn nuôi, bà Nguyễn Quỳnh Hoa, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện có 5 biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng đó là: công nghệ khí sinh học để sản xuất năng lượng sạch và phân bón hữu cơ; đệm lót sinh học; ủ bán phân làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón; công nghệ vi sinh; chăn nuôi các loại côn trùng ăn chất thải chăn nuôi như trùn quế, lính ruồi đen thu được nguồn protein từ côn trùng phục vụ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phân bón hữu cơ từ phân của côn trùng.

Thực tế cho thấy, hiện nhiều loại mô hình kinh tế tuần hoàn được ứng dụng nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực từ chăn nuôi tới môi trường như: mô hình canh tác vườn - ao - chuồng; chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed -Ferlitizer, nghĩa là: trồng trọt - thực phẩm - chăn nuôi - phân bón); mô hình “vòng tuần hoàn xanh”; mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt theo hướng tuần hoàn…

Chất thải từ chăn nuôi lợn quá lớn, khó xử lý triệt để, nông dân "cầu cứu" nhà khoa học - Ảnh 4.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, đại diện Cục Chăn nuôi, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.Tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi. Ảnh: TQ

Về tiềm năng sử dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, bà Nguyễn Quỳnh Hoa cho rằng, Việt Nam hàng năm sản xuất một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp. Theo số liệu thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp trong năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn. Lượng phụ phẩm của trồng trọt được sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn (làm thức ăn gia súc, ủ phân, đun nấu, mục đích khác) chiếm 45%, còn lại thải trực tiếp ra môi trường gây lãng phí lớn.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, theo bà Nguyễn Quỳnh Hoa, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường chăn nuôi.

Theo đó, cơ quan chức năng cần hoàn thiện các cơ chế,chính sách như: khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp/người chăn nuôi đầu tư xử lý phụ phẩm nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ; giá điện từ khí sinh học khả thi để khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn khai thác hết lượng khí sinh học dư thừa; thị trường tài chính tín chỉ các bon từ khí sinh học ngành chăn nuôi; bộ tài liệu kỹ thuật hướng dẫn quy trình thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; hệ thống TCVN, QCVN, quy định kỹ thuật đối với sản phẩm chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, TCVN về nông nghiệp hữu cơ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem