Lên Mường Lát xem người Mông đón Tết độc lập rộn ràng

Hồng Đức Thứ sáu, ngày 02/09/2016 10:14 AM (GMT+7)
Đã thành thông lệ, những ngày cuối tháng Tám, đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) lại chuẩn bị cho mình một chuyến xuống núi, đón Tết Độc lập. Từ khắp các ngả đường, chòm bản xa xôi, người già, con trẻ, gái, trai…mỗi người một tâm trạng, hăm hở hướng về trung tâm huyện.
Bình luận 0

Tết Độc lập được người Mông ở huyện vùng cao, biên giới Mường Lát coi trọng như Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nhiều chàng trai, cô gái người Mông phải vượt qua những quãng đường đồi núi gần cả trăm cây số, để xuống trung tâm huyện.

Ông Lâu Minh Pó (người Mông) - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát cho biết, đồng bào dân tộc Mông rất coi trọng Tết Độc lập, bởi nguyên nhân bắt nguồn từ lịch sử phát triển của đồng bào. Từ xa xưa, trong các cuộc chiến tranh, người Mông bị kẻ thù truy sát, nên phải chạy đi trú ẩn khắp nơi, trong đó có phần đất của Việt Nam ta ngày nay.

Để trốn kẻ thù, người Mông chọn cách sinh sống trên các ngọn núi cao, vùng đất hiểm trở nhất. Theo các cụ kể lại rằng, người Mông dặn dò con cháu cứ chạy ngược lên theo các con suối, khi nào thấy con suối chỉ còn nhỏ như cái dây cung, dây nỏ, thì dừng lại lập bản mà sinh sống.

Sinh sống ở trên cao, người Mông dễ quan sát kẻ thù và cũng dễ tấn công lại kẻ xấu khi gặp nguy hiểm… Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, người Mông sung sướng vô cùng, bởi được tuyên truyền để tự giải phóng khỏi quan niệm “chỉ sống cô lập trên núi cao”.

Cũng từ đấy, người Mông có dịp xuống núi, được giao lưu với các dân tộc anh em… Do đó, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh, là đồng bào dân tộc Mông lại nô nức xuống trung tâm huyện lỵ để vui Tết…

Theo thống kê của huyện Mường Lát, hiện nay địa phương này có 40 bản đồng bào Mông sinh sống (khoảng hơn 15.000 người) và chiếm 42% dân số của huyện. Nhìn chung, đời sống kinh tế của bà con đã có nhiều thay đổi hơn so với trước. Hiện nay, đồng bào được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi, cấp gạo cho bà con ăn để trồng rừng…

Vì thế, Tết Độc lập cũng là dịp để những đôi trai gái bản làng tìm hiểu nhau, là dịp để các bà, các mẹ, các chị, các bạn trẻ… có dịp trưng diện những bộ quần áo truyền thống của đồng bào dân tộc mình đi chơi, tạo nên không khí ngày Tết nơi vùng cao, biên giới Mường Lát thêm rộn ràng.

Một vài hình ảnh Tết của người Mông: 

img

Dù các xã tổ chức đón Tết Độc lập, nhưng ở Trung tâm huyện Mường Lát vẫn là nơi hội tụ đông đúc của người dân nhất.

img

Thiếu nữ Mông rủ nhau xuống phố.

img

Không chỉ thanh niên, mà người già đồng bào Mông cũng xuống núi.

img

Những chàng trai, cô gái người Mông từ các bản xa xôi về phố huyện.

img

Chàng trai người Mông vui vì mua được chiếc điện thoại di động mới khi xuống phố đón Tết.

img

Thiếu nữ Mông e thẹn trước ống kính của phóng viên.

img

Kem vẫn là món ưa thích của đồng bào Mông khi đi dự hội.

img

 Những nồi thắng cố của người dân xã Nhi Sơn phục vụ bà con đón Tết Độc lập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem