Lễ tưởng niệm người mất vì Covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày

Chinh Hoàng - Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 19/11/2021 12:16 PM (GMT+7)
Dù người thân của mình đã ra đi nhiều ngày nhưng những người ở lại vẫn chưa thể nguôi ngoai, họ vẫn đau lòng, nhớ thương, tiếc nuối... nước mắt liên tục tuôn rơi trong lễ tưởng niệm người mất vì Covid-19.
Bình luận 0

Sáng nay, ngày 19/11, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 3 tổ chức lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19 theo truyền thống tâm linh Phật giáo tại chùa Minh Đạo (12/4 bis Kỳ Đồng, P.9) và chùa Pháp Hoa (870 Trường Sa, P.14).

Lễ tưởng niệm những người qua đời vì covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày - Ảnh 1.

Hai mẹ con chị Võ Thị Lụa cầu nguyện tại lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng

 Hối tiếc khi mất người thân, ngày ngày lên chùa cầu nguyện

Có mặt từ rất sớm tại lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19, hai mẹ con chị Võ Thị Lụa (quận 3) cho biết, khi được mời đến dự, chị cảm thấy như được an ủi, động viên với mất mát quá lớn của gia đình chị.

Chị kể, dù chồng đã qua đời vì Covid-19 hơn 1 tháng, nhưng chị chẳng thể nguôi ngoai nỗi đau và lúc nào cũng cảm thấy ân hận, hối tiếc. Bởi theo chị, dù là vợ chồng với nhau nhưng vì phải hy sinh cho gia đình của mình nên chị không chăm sóc, lo lắng được cho anh.

Chồng chị chạy xe ôm, sống ở quận 12, tiền bạc không dư giả nên chỉ lo được cho bản thân. Chị và con gái thì sống ở quận 3 để buôn bán, mưu sinh cùng gia đình bên ngoại. Nhiều lần chồng chị nói, đi làm về mà không có vợ con thì cũng buồn, nhưng lúc ấy chị chỉ nói chồng thông cảm vì mẹ già yếu cần có người bên cạnh. Cứ như vậy, dù là gia đình nhưng mỗi người sống mỗi nơi, thứ 6 hàng tuần chồng chị lên quận 3 ăn cơm rồi về…

"Đến khi chồng tôi bị nhiễm Covid-19, tôi cũng chỉ có thể mang thực phẩm, sữa đến và đứng ở khoảng cách hỏi han, dặn dò vài câu vì tôi có bệnh nền. Tôi vẫn tin chồng tôi sẽ qua khỏi vì anh rất khỏe mạnh. Điều trị ở nhà được ít ngày thì chồng tôi trở nặng, được đưa đi bệnh viện. Trong khoảng thời gian này, vợ chồng tôi cũng có điện thoại cho nhau, tôi động viên chồng cố gắng lên để về với con. 

Tôi còn khoe với anh con gái vẽ tranh rất đẹp, anh cố gắng để về xem tranh con vẽ, để gia đình đoàn tụ. Thế mà đấy cũng là lần cuối tôi được gặp chồng, được nói chuyện với chồng… điều này khiến tôi quá bất ngờ, sửng sốt, đau lòng" – chị Lụa nấc nghẹn.

Lễ tưởng niệm những người qua đời vì covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày - Ảnh 2.

Đôi mắt chị Võ Thị Lụa đỏ hoe, liên tục gạt nước mắt khi nghĩ đến người chồng của mình. Ảnh: Chinh Hoàng

Cũng theo chị Lụa, suốt khoảng thời gian qua kể từ khi chồng mất, lúc nào chị cũng ân hận, day dứt vì không lo lắng, chăm sóc được cho chồng. Nỗi đau xen lẫn với sự hối tiếc cứ dằn vặt chị mỗi ngày, chị chọn cách lên chùa để đọc kinh cầu nguyện, hồi hướng cho linh hồn chồng cũng như cho lòng mình thanh thản hơn. 

"Chỉ hướng tâm vào phật pháp thì lòng tôi mới vơi bớt được nỗi đau, nỗi nhớ và nỗi ân hận trong lòng. Cốt của chồng tôi cũng được gửi trong chùa nên mỗi ngày tôi đều vào để nhang khói, tưởng nhớ. Giờ chỉ còn con gái là động lực để tôi sống tiếp, gắng gượng vượt qua nỗi đau", chị khóc.

Lễ tưởng niệm những người qua đời vì covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày - Ảnh 3.

TP.HCM là nơi gánh chịu đau thương nhất trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, trong đó có nhiều đứa trẻ đã rơi vào nghịch cảnh mất đi người thân do Covid-19. Ảnh; Chinh Hoàng

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (phường 11, quận 3) cũng giàn giụa nước mắt khi nói về sự ra đi của chồng mình. Bà Mai kể, chồng đã ra đi hơn 100 ngày nhưng bà vẫn khóc, cứ nghĩ đến chồng, nghĩ đến sự ra đi đơn độc, khổ sở của chồng mình là bà không cầm được nước mắt.

"Cả nhà tôi phải đi bệnh viện cách ly, nhưng mỗi người cách ly một nơi. Mọi chuyện diễn ra rất nhanh, buổi chiều tôi vào viện cách ly thì nghe tin chồng phải đi cấp cứu, mấy ngày sau là mất. Thời điểm đó bệnh viện quá tải, mỗi ngày đều có mấy trăm người mất. Chồng tôi không có ai chăm sóc, không có người thân bên cạnh, ra đi trong đau khổ…" – bà Mai khóc ngất.

Lễ tưởng niệm những người qua đời vì covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày - Ảnh 4.

Những em nhỏ mồ côi nhận được quà từ Ban tổ chức tại buổi lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng

Điều khiến bà Mai được an ủi phần nào đó là trong thời khắc bệnh viện đưa chồng bà đi hỏa táng thì có gọi cho gia đình và hỏi gia đình có muốn đến tiễn đưa không. Con của bà Mai đã có mặt tại bệnh viện để tiễn, nhưng chỉ có thể đứng từ xa nhìn được cỗ quan tài với dòng tên người thân.

"Dịch đã quá khắc nghiệt, chúng tôi không được nhìn mặt người thân của mình lần cuối. Nhưng có thể nhìn thấy người thân của mình được lo lắng chu toàn, có áo quan, được đưa đi tử tế… và nay làm lễ tưởng niệm nên tôi thấy an ủi phần nào" – bà Mai cho biết.

Lễ tưởng niệm những người qua đời vì covid-19: Nỗi đau chưa thể nguôi ngoai, nước mắt vẫn tuôn rơi từng ngày - Ảnh 5.

Quang cảnh buổi lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong sáng nay, ngoài lễ tưởng niệm - cầu siêu người mất vì Covid-19, chùa Minh Đạo cũng có thêm hoạt động tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và học bổng cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19; dâng hương tưởng niệm và khóa lễ cầu siêu với số người tham dự dưới 100 người.

Buổi lễ tưởng niệm cũng tạo điều kiện cho thân nhân của người không may qua đời trong đại dịch Covid-19 có cơ hội thực hiện các nghi lễ tâm linh nhằm góp phần xoa dịu nỗi mất mát, đau thương sau đại dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, tối nay (19/11), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với TP.HCM và Hà Nội tổ chức lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Tối 19/11, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh, thành sẽ tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Lễ tưởng niệm bắt đầu lúc 20h hôm nay tại điểm cầu chính là Hội trường Thống Nhất, điểm cầu phụ ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) và truyền hình trực tiếp. Dự kiến tại điểm cầu chính có khoảng 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại diện 50 gia đình có thân nhân mất vì Covid-19.
Sau khi xem một số hình ảnh, phóng sự về những ngày tháng chống dịch, các đại biểu thực hiện nghi thức thắp nến tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch. Bên cạnh đó còn có các hoạt động như thả đèn hoa đăng trên tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trước chùa Pháp Hoa, quận 3) và trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé (gần cầu Mống, quận 4).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem