Lễ hội Điện Trường Bà (Quảng Ngãi): Thắm tình đoàn kết dân tộc

Thứ năm, ngày 15/05/2014 08:49 AM (GMT+7)
Sáng 14.5, tại thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng đã chính thức diễn ra lễ hội Điện Trường Bà, với sự tham gia của người dân 3 dân tộc Kinh, Kor, Champa và Hoa đang sinh sống tại một số tỉnh, thành trong nước.
Bình luận 0
Lễ hội lâu đời

Ngay từ sáng sớm, con đường trài nhựa dẫn đến Điện Trường Bà ngày thường vốn rộng và khá vắng vẻ, nay đã chật kín trước sự nườm nượp đổ về để dự lễ hội của hàng ngàn người dân, du khách địa phương và các tỉnh thành trong nước. Cùng với điệu múa uyển chuyển của những nam thanh nữ tú; tiếng cồng, chiêng tấu lên rền vang làm vỡ toang sự tĩnh lặng vốn có của cả một góc rừng nơi đây.

Chị Võ Thị Uyên (28 tuổi), du khách đến từ TP.Đà Nẵng bày tỏ: Nghe tiếng đã lâu, thế nhưng nay mới có dịp chứng kiến sự đông vui của lễ hội này. Không ngờ người tham dự đông như vậy. Không ai biết chính xác lễ hội Điện Trường Bà có từ bao giờ, thế nhưng theo các già làng ở Trà Bồng thì từ khi biết theo cha mẹ lên nương rẫy đã nghe họ kể về lễ hội này rồi.

Còn theo tài liệu, sử sách và hiện vật tìm thấy được, thì Điện Trường Bà có thể được xây dựng từ thế kỷ 17. Tuy nhiên trao đổi với Báo NTNN, TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi, một chuyên gia nghiên cứu có uy tín về văn hóa dân gian Quảng Ngãi, cho biết: Cách nay khoảng 15 năm, đã phát hiện phần đầu một tượng đất nung nhỏ. Sau khi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu dân tộc học uy tín trên thế giới đưa ra nhận định: Tượng hình người gốc Ả-rập, niên đại trên 1.500 năm.

Tiết mục tấu cồng chiêng của người Kor tại buổi lễ.
Tiết mục tấu cồng chiêng của người Kor tại buổi lễ.

Lễ hội Điện Trường Bà hàng năm được tổ chức từ ngày 15-17.4 (âm lịch), trong đó ngày 16.4 âm lịch là ngày chính thức. Trong phần lễ có các nghi thức, như: Tế ngoại đàn để tưởng nhớ công ơn những người có công khai phá, bảo vệ vùng núi phía tây của Quảng Ngãi; Lễ Chánh tế; Lễ dâng hương tưởng niệm Thánh mẫu Thiên Y A Na...

Tín ngưỡng của nhiều tộc người

Theo truyền thuyết thì bà Thánh mẫu Thiên Y A Na (người Chăm gọi là nữ thần Ponagar), được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần. Cộng đồng ở nhiều nơi trong nước cũng thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, thế nhưng chỉ ở Trà Bồng thì Thánh mẫu Thiên Y A Na mới được cả người Kor, người Kinh, người Chăm, người Hoa cùng tôn kính, thờ phụng.

Và nguyên nhân vì sao mà chỉ ở Trà Bồng, 4 dân tộc người trên cùng đồng tham gia tế lễ này thì đến nay vẫn còn là một ẩn số. Một điểm đặc biệt không kém, mà theo TS Vũ, đó là: Trong gian chính của Điện Trường Bà, cùng với Thánh mẫu Thiên Y A Na, còn có thờ những vị công thần có công trong buổi đầu đi mở đất ở nơi đây, như: Trấn quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Dõng...

Và niềm vui của người dân Quảng Ngãi càng nhân lên gấp bội, khi một ngày trước lúc diễn ra lễ hội lần này, vào chiều ngày 13.5, Điện Trường Bà đã được Bộ VHTTDL trao bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia. Ông Nguyễn Xuân Bắc- Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng bày tỏ: Điện Trường Bà được công nhận di tích lịch sử quốc gia sẽ tạo một điểm nhấn để địa phương phát triển du lịch.
Công Xuân (Công Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem