Lê Cung Bắc và “Mỹ nhân Sài Gòn”: Luôn tâm niệm làm một bộ phim tử tế

Lan Hương (thực hiện) Thứ ba, ngày 04/11/2014 07:13 AM (GMT+7)
45 tập phim “Mỹ nhân Sài Gòn” của đạo diễn Lê Cung Bắc (kịch bản của Đinh Thiên Phúc) đang trong quá trình làm hậu kỳ để chuẩn bị phát sóng trên VTV. Đây là một bộ phim về đề tài lịch sử của Sài Gòn xưa qua cuộc đời của 3 người đẹp nổi tiếng. Phóng viên NTNN đã trò chuyện với ông về bộ phim này. 
Bình luận 0

Ông có thể nói đôi nét để khán giả hình dung về bộ phim rất được trông đợi này?

- Đây là một bộ phim lịch sử tập trung tái hiện cuộc sống, tư duy, sinh hoạt của con người ở bối cảnh Nam Kỳ lục tỉnh thời điểm đầu thập niên 1950 thông qua cuộc đời của 3 người đẹp đã vào chung kết một cuộc thi người đẹp Sài thành. Cả 3 cô đều tên Trà, đó là Thanh Trà, Bạch Trà và Hồng Trà. Cuộc đời của 3 người đẹp này rất nhiều trắc trở, từ sau khi bước ra khỏi cuộc thi, họ rẽ về 3 hướng khác nhau.

img Một cảnh quay trong “Mỹ nhân Sài Gòn”. 

 

Bạch Trà tham gia cách mạng, hoạt động tình báo giả làm việc cho Tây, được tên sĩ quan Zắc rất có cảm tình, song trong lòng cô đã có một chiến sĩ tình báo cách mạng. Hồng Trà (nhân vật được xây dựng từ hình tượng cô Ba Trà có thực) vốn đam mê kinh doanh, trở thành nhà tư sản dân tộc, luôn ý thức thúc đẩy phát triển hàng nội địa như xà bông cô Ba, dầu gió nổi tiếng. Thanh Trà là con người nổi loạn, sa đọa, thay đàn ông như thay áo, luôn lợi dụng tiền bạc của họ để ăn chơi, coi tình yêu chỉ là phù phiếm.

Số phận của 3 người đẹp này đã phản chiếu cuộc sống của Sài Gòn- hòn ngọc Viễn Đông một thời, có phù hoa đô hội song cũng có mặt tối và cũng đã lóe sáng những con người biết sống vì lý tưởng cao đẹp, vì quê hương đất nước.

Là người đã thực hiện thành công hàng loạt những bộ phim về đề tài lịch sử như “Dòng đời”, “Người đẹp Tây Đô”, “Vó ngựa trời Nam”, “Dòng sông phẳng lặng”, “Ngược sóng”... có vẻ như ông rất có duyên với các bộ phim về người đẹp. Ông đánh giá thế nào về diễn xuất của họ?

- Nhìn lại các bộ phim tôi đã từng làm, đúng là dường như tôi có duyên với các người đẹp thật. Phim “Người đẹp Tây Đô” thì có duyên làm việc với người đẹp Việt Trinh và Hồng Ánh, phim “Dòng đời” thì có người đẹp Võ Sông Hương. Đến phim này thì tôi làm việc với 3 người đẹp Dương Mỹ Linh vai Bạch Trà; Khánh My vai Hồng Trà và Ngân Khánh vai Thanh Trà. Nói chung tất cả các diễn viên này đều là những người làm nghề nghiêm túc, dù rất xinh đẹp nhưng đều chịu khó, chịu khổ, vất vả lăn lộn trên trường quay để đáp ứng yêu cầu công việc. Hy vọng khi phim được phát sóng, khán giả sẽ có đánh giá khách quan về diễn xuất của họ.

Làm phim lịch sử luôn là một thách thức với các đạo diễn vì phải tốn rất nhiều chi phí cho việc tái hiện bối cảnh. Phim “Mỹ nhân Sài Gòn” ông có gặp nhiều khó khăn không?

Quan điểm
img
Đạo diễn Lê Cung Bắc 
 Năm nay đã gần 70 rồi, nên tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình, mỗi năm chỉ cần làm một bộ phim thôi, nhưng đó phải là một bộ phim tử tế”.

 
- Đến hôm nay khi giai đoạn vất vả nhất đã qua, tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm một chút. Suốt 9 tháng trời rong ruổi với đoàn phim, tôi đã bị sụt mất 4kg vì làm phim lịch sử vất vả quá, lúc nào cũng phải “cân não” với đủ yếu tố: Bối cảnh, phục trang, ngôn ngữ, ứng xử của các nhân vật sao cho phù hợp. Nhiều lúc chỉ muốn theo đề tài hiện đại cho… dễ thở nhưng rồi lại nghĩ mỗi bộ phim đề tài lịch sử là một thử thách.

 

Ngay trong chuyện tìm bối cảnh cho “Mỹ nhân Sài Gòn” cũng không dễ dàng chút nào. Chúng tôi tìm bốicảnh cũ để quay nhưng khi thuyết phục người dân cho đoàn mượn hoặc thuê để quay phim thì họ nhất định không đồng ý. Vậy là chúng tôi buộc phải dựng lại bối cảnh mới. Không thể nhớ hết bao nhiêu địa danh đã từng qua như Gò Công Đông, Sa Đéc, Mỹ Tho, Bình Dương, Suối Tre, Thác Mai, Định Quán, Phan Thiết… Có những cảnh quay phải dựng lên một ngôi làng trên bãi biển hoàn toàn mới để phim được chân thực. Thêm vào đó, diễn viên còn phải được hướng dẫn diễn xuất, cách nhả lời thoại sao cho chậm rãi đúng như cách nói năng, đi đứng người Sài Gòn cách đây hơn 6 thập kỷ. Việc thuê mướn các đạo cụ, phương tiện đi lại trong phim như xe hơi, xe máy thời xưa cũng vô cùng tốn kém.

Đến giờ bộ phim đã trải qua giai đoạn vất vả nhất, nhìn lại ông thấy ấn tượng nhất là điều gì?

- Năm nay đã gần 70 rồi, nên tôi tự đặt ra mục tiêu cho mình, mỗi năm chỉ cần làm một bộ phim thôi, nhưng đó phải là một bộ phim tử tế. Tôi không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng. “Mỹ nhân Sài Gòn” đã chiếm trọn thời gian năm 2014 của tôi và trước đó là phần chuẩn bị từ cuối năm 2013, có thể nói đó là sự hy sinh thời gian và công sức xứng đáng.

Tôi luôn luôn tâm niệm 14 điều răn của đức Phật nên trong những tác phẩm nghệ thuật của tôi, trong những bộ phim của tôi đều có nhất quán giáo lý của đạo Phật. Điều đó thể hiện sự nghiền ngẫm của tôi, sự hiểu nghề của tôi. Tôi tin rằng khi tôi làm phim thì đó là cuộc sống, ngoài những tác phẩm mà tác giả viết ra, tôi còn gửi gắm vào đó tâm nguyện, suy nghĩ của tôi về cuộc sống, trong đó giáo lý đạo Phật là nhân đạo. Vì vậy khi phim được phát sóng, tôi mong mỏi nhất là khán giả sẽ cảm nhận được điều này.

Xin cảm ơn ông!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem