Lầu Năm Góc cảnh báo Israel về thất bại chiến lược trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza

Phương Đăng (theo NW) Thứ sáu, ngày 08/03/2024 17:27 PM (GMT+7)
Lầu Năm Góc vừa lên tiếng cảnh báo Israel rằng, nước này sẽ phải đối mặt với "thất bại chiến lược" trong cuộc chiến với Hamas nếu không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Dải Gaza, nơi giao tranh dữ dội và thương vong dân sự đáng kể vẫn tiếp diễn sau 5 tháng chiến tranh đẫm máu.
Bình luận 0
Lầu Năm Góc cảnh báo Israel về thất bại chiến lược trong cuộc chiến với Hamas ở Gaza- Ảnh 1.

Chiến sự ở Gaza giữa Israel và Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh IT

Theo Newsweek, chính quyền của Tổng thống Joe Biden dù ủng hộ cuộc tấn công trả đũa của Israel Hamas ở Dải Gaza nhưng đồng thời cũng đã bày tỏ lo ngại về quy mô thương vong của dân thường trong khu vực, cảnh báo về tội ác chiến tranh và việc tiếp tục mở rộng các khu định cư bất hợp pháp theo luật quốc tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tối 7/3 trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang đã cảnh báo Israel không nên sử dụng viện trợ nhân đạo cho Gaza như một "con bài mặc cả" đồng thời kêu gọi Israel đồng ý ngừng bắn tạm thời và ngay lập tức với Hamas.

“Đối với giới lãnh đạo Israel, tôi cần nói điều này: Hỗ trợ nhân đạo không thể chỉ là sự cân nhắc thứ yếu hay một con bài thương lượng. Bảo vệ và cứu những sinh mạng vô tội phải là ưu tiên hàng đầu”, ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tối thứ Năm tại Washington.

Ông Biden cũng đã vạch ra một kế hoạch, được các quan chức công bố trước đó trong ngày nhằm nỗ lực đưa thêm viện trợ vào Gaza, nơi Liên Hợp Quốc liên tục cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói.

Tổng thống Mỹ mô tả ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với người dân Gaza là rất đau lòng. “Tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để thiết lập lệnh ngừng bắn ngay lập tức và kéo dài trong 6 tuần”, ông nhấn mạnh.

Ông cũng nói thêm rằng, thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất sẽ "đưa các con tin về nhà và giảm bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo không thể chịu đựng được đồng thời hướng tới một điều gì đó lâu dài hơn".

Về phần mình, người phát ngôn của Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đều kêu gọi Israel kiềm chế, mặc dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu và nội các thời chiến của ông không có dấu hiệu từ bỏ mục tiêu "xóa sổ" Hamas và thiết lập lại quyền kiểm soát quân sự hoàn toàn đối với các khu vực của người Palestine.

“Có những người đang đau khổ và họ cần được giúp đỡ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder tuyên bố khi thảo luận về hoạt động của Mỹ nhằm thả viện trợ nhân đạo xuống Gaza.

"Chúng tôi thừa nhận mối đe dọa mà Israel phải đối mặt từ Hamas. Nhưng điều quan trọng là không nên để chiến thắng chiến thuật trước Hamas bị thay thế bằng một thất bại chiến lược, trong đó, Hamas bị khiêu khích và người dân Gaza không thể sống trong hòa bình", ông Ryder nhấn mạnh thêm.

Cuộc chiến ở Gaza bắt đầu khi Hamas phát động cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam Israel vào ngày 7/10 năm ngoái. Cuộc tấn công đó đã giết chết khoảng 1.200 người ở Israel và khiến hơn 250 người khác bị bắt tới Gaza làm con tin. Năm tháng trôi qua, vẫn còn khoảng 100 con tin mất tích, chưa thể trở về đoàn tụ với gia đình.

Trong khi đó, theo Bộ Y tế Gaza, hơn 30.700 người Palestine đã bị giết hại ở Gaza kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch trả đũa đẫm máu nhắm vào Hamas. Hơn 290 người Palestine cũng đã bị lực lượng Israel và những người định cư Israel giết chết ở Bờ Tây và ít nhất 3.450 người khác bị bắt giữ. Cho đến nay, 247 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Israel đã được xác nhận thiệt mạng trong cuộc tấn công vào Gaza.

Hầu hết trong số 2,3 triệu người sống ở Gaza đã phải di dời, nhiều người phải di chuyển liên tục để thoát khỏi chiến dịch tấn công ngày càng gia tăng của Israel. Nhiều vùng lãnh thổ đã bị san bằng, đặc biệt là ở phía bắc Gaza. Hàng trăm ngàn người đã chạy trốn đến thành phố Rafah gần biên giới Ai Cập, nơi hiện cũng đang nằm trong tầm ngắm của Israel.

Israel đã đóng cửa tất cả các cửa khẩu biên giới với Gaza và ngừng mọi hoạt động nhập khẩu thực phẩm, thuốc men, năng lượng và nhiên liệu vào Dải Gaza khi chiến tranh bắt đầu. Sau đó, nước này cho phép viện trợ nhân đạo được đưa vào Gaza nhưng kèm theo những hạn chế an ninh chặt chẽ. Liên Hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ đã nhiều lần cảnh báo rằng, viện trợ có thể đến được Gaza là không đủ.

Việc Mỹ duy trì áp lực lên Israel để cho phép thêm viện trợ đến Gaza chỉ thành công một phần. Tuần này, Mỹ bắt đầu thả hàng viện trợ vào Gaza và hiện đang xem xét thiết lập hành lang viện trợ hàng hải ở Địa Trung Hải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem