Lạng Sơn "lên kịch bản" quyết chặn dịch tả lợn châu Phi

Chang Liễu Thứ tư, ngày 06/03/2019 06:51 AM (GMT+7)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản chỉ đạo yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai cấp bách các giải pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với một tỉnh giáp Trung Quốc như Lạng Sơn.
Bình luận 0

Hiện toàn tỉnh Lạng Sơn có tổng đàn khoảng hơn 332.000 con lợn, lại giáp với Trung Quốc - nơi dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp nên nguy cơ lây lan rất cao. Vì vậy, mới đây, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kí văn bản chỉ đạo số 175 /UBND-KTN về việc triển khai đồng bộ các giải pháp khống chế bệnh Dịch tả lợn châu Phi, yêu cầu các cơ quan, ban ngành và địa phương cùng vào cuộc.

img

Đoàn kiểm tra có Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn và lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra thực tế tại khu vực lối mở Co Sa tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: baolangson)

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi không để phát sinh ổ dịch trên địa bàn; khi phát hiện dịch bệnh phải tổ chức tiêu hủy các động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh;

Thành lập đoàn kiểm tra, phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các loại lợn phát hiện bị bệnh, nghi mắc bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, tại các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn hoặc trong quá trình vận chuyển và tổ chức tiêu hủy; báo cáo kịp thời cho cơ quan chức năng. 

img

Lợn chết sẽ được tiêu hủy bằng cách chôn lấp xuống đất. (Ảnh TTXVN)

Các địa phương khu vực biên giới tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam; tăng cường tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới vào khu vực nội địa;

Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; Xây dựng giải pháp xử lý triệt để lợn bệnh, sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh nhằm tránh lây lan dịch bệnh.

Trường hợp phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi cần triển khai ngay các giải pháp khoanh vùng, xử lý ổ dịch; tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan;…

Giao Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ, tổng hợp diễn biến tình hình dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi để có giải pháp quản lý, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào tỉnh Lạng Sơn.

Các sở, ngành, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các huyện, thành phố tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

img

Trước thực trạng bệnh dịch như hiện nay, các địa phương cần triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi không để phát sinh ổ dịch đồng thời tránh lây lan diện rộng. (I.T)

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ việc nhập lậu lợn, sản phẩm của lợn; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về tác hại của việc vận chuyển, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu trái phép để người dân hiểu, không tham gia, tiếp tay cho buôn lậu...

Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của Trung ương do ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về công tác phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Đoàn đã kiểm tra thực tế công tác phòng dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại khu vực cửa khẩu Chi Ma, lối mở Co Sa, huyện Lộc Bình. Hiện nay trên địa bàn không có hiện tượng nhập lậu lợn hơi và sản phẩm của lợn qua địa bàn; 11/11 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng; cơ quan chuyên môn cung ứng trên 3.000 lít thuốc sát trùng, một số vật tư đến các huyện để triển khai thực hiện.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân đầu tiên của tình trạng lây lan dịch là tần suất vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc... gia tăng mạnh vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán vừa qua.

Bên cạnh đó, dân cư biên giới giữa Việt Nam và các nước có nhiều hoạt động giao thương, qua lại. Lượng xe cộ, phương tiện vận chuyển cũng được người dân Việt Nam và các nước sử dụng nhiều nên rất có thể mang theo mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam. Cùng với đó, lượng khách đi du lịch từ các nước vào Việt Nam rất lớn, nhất là khách từ các nước châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn, nên có thể đưa mầm bệnh vào nước ta.

Mặt khác, một số quốc gia láng giềng có thể đã có dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có thông tin chính thức, nên chưa tổ chức hiệu quả các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem