Làng nghề Hải Phòng góp phần xây dựng kinh tế nông thôn

Thu Thủy Thứ hai, ngày 08/01/2018 15:14 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, đến hết tháng 12.2017, toàn thành phố mới có 01 nghề truyền thống và 18 làng nghề được Ủy ban nhân dân thành phố công nhận. Số còn lại gồm 21 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thật sự hiệu quả và chưa đủ điều kiện công nhận theo Thông tư số 116/2006/TT-BNN.
Bình luận 0

Hoạt động đa dạng với nhiều nhóm nghề

Các làng nghề hoạt động trên địa bàn Hải Phòng hiện nay thu hút khoảng 13.000  hộ tham gia sản xuất với khoảng 23.000 lao động có việc làm thường xuyên, mang lại giá trị hàng hóa với tổng doanh thu đạt 151.330 triệu đồng/ năm.

Xin đơn cử, làng nghề làm con giống, có 1 nghề truyền thống duy nhất tại thôn Nhân Mục, xã Nhân Hòa huyện Vĩnh Bảo, thu hút khoảng 25 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 18 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 360 triệu đồng;

img

Làng nghề truyền thống làm con giống Nhân Hòa.

 Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản, (có 2 làng nghề) với khoảng 2.679 hộ tham gia sản xuất với trên 1.650 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 3.246 triệu đồng;

 Làng nghề thuộc nhóm sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ (có 6 làng nghề) thu hút 3.741 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 7.650 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 36.739 triệu đồng.

Làng nghề thuộc nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (có 1 làng nghề) thu hút  194 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 240 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 10.000 triệu đồng;

 Làng nghề thuộc nhóm gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh (có 5 làng nghề) thu hút khoảng 2.500 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 4.750 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 40.760 triệu đồng.

Làng nghề nhóm dịch vụ vận tải (có 1 làng nghề) thu hút 270 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 2.000 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 5.400 triệu đồng;

Làng nghề thuộc nhóm khai thác, nuôi trồng thủy sản (có 3 làng nghề) thu hút  3.624 hộ tham gia sản xuất với khoảng trên 6.760 lao động có việc làm thường xuyên, tổng doanh thu đạt 54.825triệu đồng.

Các làng nghề có hoạt động ổn định chiếm 55,56% tập trung ở các làng nghề mới, như làng nghề nuôi trồng thủy sản, gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh dệt may, cơ khí nhỏ, xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.

Các làng nghề có hoạt động tạm ổn định chiếm 27,78% tập trung ở các làng nghề mộc nội thất (phường Kha Lâm, quận Kiến An), làng nghề mây tre đan (xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên), nghề làm con giống (thôn Nhân Mục xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo). Còn lại, các làng nghề có hoạt động sản xuất kinh doanh không ổn định chiếm 16,66%.

 Phát triển làng nghề, hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn

img

Múa rối nước  Nhân Hòa  được nhiều người yêu chuộng.

Theo chủ trương định hướng phát triển của cả nước giai đoạn 2017 - 2025 và đến năm 2030 sẽ tiếp tục duy trì phát triển các nghề, làng nghề truyền thống. Nhà nước cũng đã ban hành chính sách để bảo tồn bí quyết gia truyền, đào tạo, chuyển giao nâng cấp nghề truyền thống, đặc biệt là chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường. Cùng với đó, Nhà nước sẽ khuyến khích và có chính sách ưu tiên các sản phẩm làng nghề truyền thống đăng ký xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Tuy nhiên, để hoạt động làng nghề được phát triển và mang lại hiệu quả cho người lao động thì công tác quản lý và quy hoạch làng nghề vẫn phải được thực hiện nghiêm túc.

Theo đó, những nghề, làng nghề truyền thống đã được thành phố cấp Giấy công nhận làng nghề nay không còn hoạt động hoặc hoạt động không đạt các Tiêu chí theo Quy định tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN cần được thu hồi Giấy công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.

Thành phố Hải Phòng cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế chính sách cụ thể, nguồn kinh phí kịp thời để hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị cơ giới hóa.

Bên cạnh đó cần được thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống từ Trung ương đến các địa phương, bố trí cán bộ chuyên trách đối với lĩnh vực làng nghề tại các sở, ngành, các địa phương. Đặc biệt, thành phố cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng đối với làng nghề, chú trọng đến các hệ thống thu gom xử lý rác thải, nước thải làng nghề, đảm bảo các điều kiện để làng nghề có thể phát triển bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem