Lắng lòng bên chân thành An Thổ

Đức Tuấn Thứ ba, ngày 31/01/2017 07:00 AM (GMT+7)
Trải bao thăng trầm, di sản thành An Thổ - chùa Đá Trắng (Phú Yên) vẫn còn in đậm dấu ấn một thời trấn biên, mở cõi về phương Nam. Huyền tích một thời lắng đọng để vùng đất này đang trở thành điểm đến kinh tế - du lịch hấp dẫn.
Bình luận 0

Man mác cuối dòng Kỳ Lộ

Nằm ở tả ngạn sông Kỳ Lộ, năm 2005, thành An Thổ (thuộc thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên) được Bộ VHTTDL công nhận di tích khảo cổ cấp quốc gia. Từ Quốc lộ 1, đường về An Thổ man mác, yên bình trong bóng cây, xen theo những vạt nắng dọc bờ sông Cái (tên gọi đoạn cuối dòng Kỳ Lộ). Rêu phong những bức tường, cổng thành, tòa công đường, kỳ đài, trại ngựa, trường bắn, dinh tổng đốc, trại lính... đang được bảo tồn sinh động. 

img

  Một góc di tích thành An Thổ. Ảnh: Đ.T

Theo các vị cao niên ở xã An Dân, xung quanh khu vực thành An Thổ vẫn còn lưu dấu sự phát triển của khu vực kinh kỳ xưa. Đó là các làng nghề mộc mỹ nghệ, rèn, làm bánh kẹo,… và cảnh buôn bán vẫn luôn sầm uất ở khu vực chợ Thành ngày nay. Khu vực này đang hứa hẹn thêm nhiều phát triển khi được hoạch định là một trong những địa chỉ quan trọng của tuyến du lịch “Về xứ Nẫu”.   

Theo tài liệu của Phòng VHTT Tuy An, thành An Thổ được xây dựng trong khoảng thời gian năm 1832 - 1836 dưới thời Minh Mạng. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên suốt hơn 60 năm (1836 - 1899) và là phủ Tuy An từ năm 1899 đến cuối thập niên 30 của thế kỷ 20. Thành có bình đồ hình vuông, rộng khoảng 6.400m2, bốn góc được đắp nhô hẳn ra phía ngoài, xung quanh có hào nước rộng khoảng 15m, tường thành cao khoảng 3,5m. Bốn cửa thành quay ra bốn hướng đông, tây, nam, bắc với tên gọi: cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Hữu, cửa Tả.

Thành An Thổ còn lưu dấu lịch sử quan trọng về phong trào Cần Vương chống Pháp dưới sự chỉ huy của chí sĩ Lê Thành Phương cuối thế kỷ 19. Vào năm 1886, nghĩa quân Cần Vương do Lê Thành Phương chỉ huy đã bao vây đánh chiếm thành An Thổ. Nhưng sau đó bị thực dân Pháp phản công và đàn áp khốc liệt, Lê Thành Phương bị bắt và bị xử chém tại bến đò Cây Dừa (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An).

Đặc biệt, thành An Thổ còn là nơi sinh của cố Tổng Bí thư đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Phú. Trong thời gian từ năm 1901 - 1906, ông Trần Văn Phổ - thân phụ của đồng chí Trần Phú, được cử vào Phú Yên giữ chức Giáo thụ tại phủ Tuy An. Ông Phổ đã đưa cả gia đình vào sinh sống tại thành An Thổ. Chính nơi đây, đồng chí Trần Phú đã cất tiếng khóc chào đời (ngày 1.5.1904) và gắn bó tuổi thơ đến năm 1907.

Theo các vị cao niên ở xã An Dân, xung quanh khu vực thành An Thổ vẫn còn lưu dấu sự phát triển của khu vực kinh kỳ xưa. Đó là các làng nghề mộc mỹ nghệ, rèn, làm bánh kẹo… và cảnh buôn bán vẫn luôn sầm uất ở khu vực chợ Thành ngày nay. Khu vực này đang hứa hẹn sự phát triển khi được hoạch định là một trong những địa chỉ quan trọng của tuyến du lịch “Về xứ Nẫu”. 

Lung linh bóng xoài huyền sử

Từ thành An Thổ, ngược đường về hướng Bắc vài cây số, du khách đặt chân đến chùa Từ Quang (còn gọi chùa Đá Trắng, ở thôn Cần Lương, An Dân). Năm 1997, chùa này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2013, cụm xoài trong khuôn viên chùa tiếp tục được công nhận cây di sản, gồm 20 cây xoài ngự, trong đó một số cây đã được trồng trên 220 năm.

img

Hành hương dưới tán xoài di sản chùa Đá Trắng.  Ảnh: Đ.T

Dưới bóng xoài cổ thụ, Hòa thượng Thích Đồng Tiến - trụ trì chùa Từ Quang cho biết, theo huyền sử, trên đường hành quân đánh trận ngang qua đất Phú Yên, chúa Nguyễn Ánh đã được dân địa phương dâng lãm xoài Đá Trắng. Hương vị thơm thanh đặc biệt chưa từng thấy đã làm ngài vô cùng ấn tượng. Thế nên sau đó, dưới triều Gia Long, cùng với bòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng đất Phú Yên đã trở thành “Nhị bảo ngự thiện”.

Mỗi dịp Đoan Ngọ, tỉnh Phú Yên phải mang dâng vua từ 1.000 - 2.000 trái xoài hái quanh chùa Đá Trắng. Cái tên xoài “Ngự” ra đời từ đó. Sử cũ còn ghi, những cây xoài cổ thụ này đã có trước khi chùa Từ Quang được tạo lập (năm Đinh Tỵ - 1797, triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn). Thời vua Thành Thái (năm Kỷ Sửu - 1889), chùa được Hoàng thái hậu Từ Dũ ban sắc tứ. Có giả thiết cho rằng, sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân tướng Tây Sơn đã xuống tóc quy y ở chùa này, nhằm tránh sự khủng bố của nhà Nguyễn - Gia Long. Đây là ngôi chùa đã chứng kiến những cuộc gặp gỡ bí mật hệ trọng của các lãnh tụ phong trào Cần Vương. Sân chùa Đá Trắng hiện vẫn còn miếu thờ hai chí sĩ yêu nước Võ Trứ và Trần Cao Vân.

Theo các bô lão trong vùng, hoa xoài gốc Đá Trắng ở chùa này luôn có màu trắng muốt, khác với hoa nhiều giống xoài luôn nghiêng màu vàng. Trái xoài ngự chỉ bằng nắm tay, khi chín có màu vàng nhẹ, vỏ mỏng, cơm dày, hương thơm sực nức. Hương vị xoài khác biệt có lẽ bởi bám rễ trên những tảng đá trắng phau quanh chùa. Gần đây, xoài ngày càng ít trái, trong đó nhiều cây chỉ ra hoa mà không đậu trái; hiếm hoi mỗi năm có được ít trái để dành cúng Phật.

Nhiều năm rồi, một số người dân, Phật tử quanh vùng đã cố gắng chiết ghép giống xoài quý này. Ngành nông nghiệp Phú Yên cũng đang triển khai bảo tồn phát triển giống xoài “cổ tích” nhưng vẫn chưa thành công. Những quả xoài ngự chùa Đá Trắng đang ngày càng hiếm dần. Thế nhưng đến hẹn lại lên, trong hai ngày mùng 10 - 11 tháng Giêng hàng năm, lễ hội chùa Từ Quang vẫn luôn tấp nập du khách hành hương, để được lắng lòng bên những tảng đá trắng và bóng xoài huyền sử… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem