Lâm Đồng: Xử lý người đứng đầu kiểm lâm nếu để xảy ra chặt phá rừng

Văn Long Thứ ba, ngày 04/06/2019 11:25 AM (GMT+7)
Liên tục các vụ phá rừng quy mô tại địa phương nhưng dư luận đặt câu hỏi lớn rằng trách nhiệm của người đứng đầu mỗi cơ quan ra sao. Đặc biệt khi mà các đối tượng phá rừng vẫn không bị xử lý và cơ quan chức năng không tìm được thủ phạm.
Bình luận 0

Vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra các vụ phá rừng thông để lấn chiếm đất lâm nghiệp. Điều này khiến người dân địa phương và dư luận rất bức xúc. Không thể khẳng định việc địa bàn rộng, lực lượng mỏng hay lý do thời tiết để phủ nhận trách nhiệm giữ rừng của các đơn vị liên quan.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm, Lâm Đồng để xảy ra  272 vụ phá rừng lấn chiếm đất, với diện tích thiệt hại 34,5 ha và lâm sản thiệt hại hơn 2.300m3. Dù vi phạm giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng 41% và lâm sản thiệt hại tăng hơn 100%. Tuy số vụ phá rừng lớn nhưng chỉ có 131 vụ đã xác định đối tượng vi phạm, còn lại đến 141 vụ chưa xác định đối tượng vi phạm (chiếm 52%).

img

Liên tiếp các vụ phá rừng diễn ra trên địa bàn các huyện, thành phố của tỉnh Lâm Đồng.

Chính vì thực trạng trên mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã phát đi công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm tra, ngăn chặn xử lý tình trạng ken cây, làm chết cây rừng lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, tình trạng ken cây, đổ hóa chất đầu độc cây rừng để lấn chiếm đất lâm nghiệp nhằm sang nhượng trái phép, lấy đất sản xuất nông nghiệp xảy ra liên tục tại các huyện Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lâm, Đà Lạt. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền cấp huyện, xã, các đơn vị chủ rừng và lực lượng chức năng chưa thực hiện quyết liệt công tác bảo vệ rừng trên địa bàn.

img

Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị liên quan chưa thực hiện quyết liệt công tác quản lý bảo vệ rừng.

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị, sở, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, cấp bách nhiều biện pháp. Đặc biệt, Sở NN&PTNT tỉnh phải kịp thời chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu lực lượng kiểm lâm nếu để xảy ra tình trạng ken cây, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND các huyện, TP. Đà Lạt và Bảo Lộc (Lâm Đồng) cần chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, rà soát toàn bộ hiện trường các vụ bị ken cây, phá rừng trước đây để tổ chức hoàn thành việc giải tỏa cây trồng, công trình trái phép, thu hồi và đưa diện tích này vào trồng rừng, khôi phục rừng ngay trong mùa mưa năm 2019. Đồng thời, đưa ra xét xử lưu động các đối tượng có hành vi vi phạm và áp dụng mức hình phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe, giáo dục cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem