Lái xe bự - Cuộc phiêu lưu kinh hoàng nhưng… chậm rãi

Thứ hai, ngày 01/10/2012 19:22 PM (GMT+7)
Dân Việt - Nếu muốn đọc một câu tuyện ngắn, có một chút rùng rợn, một chút phiêu lưu và vừa vặn thì "Lái xe bự" là một lựa chọn không tồi.
Bình luận 0

Với những chút gia vị trên được nêm vừa đủ, Stephen King đã tạo ra một câu chuyện đủ “doạ” người, gây ám ảnh ở nỗi đau nhân vật chính phải chịu đựng chứ không phải bởi máu, xác chết hay những cuộc truy đuổi rùng rợn.

img
 

Lái xe bự là cuộc phiêu lưu kinh hoàng của một nữ tác giả tên Tess chuyên viết truyện trinh thám của các bà già thám tử. Dùng trí tưởng tượng để vẽ nên những câu chuyện ma quái, chẳng ngờ rằng chính Tess lại là nhân vật chính trong một câu chuyện rợn người. Cô không thể hình dung được mình có lúc lại bê bết máu, thương tích đầy mình, nằm trong ống cống nước với hai xác chết.

Sau một thời gian dài chuẩn bị và hoàn thiện các khâu: bản quyền, dịch, biên tập, in ấn tháng 9/2012 Cty VT&TT Phương Đông đã cho ra mắt độc giả Việt Nam bộ truyện ngắn gồm 3 cuốn: 1922, năm ác báo; Lái xe bự; Kéo dài và công bằng - Cuộc hôn nhân êm ấm của “ông Vua truyện kinh dị” Stephen King.

Stephen King luôn bắt đầu câu chuyện bằng sự việc chẳng có gì đặc biệt. Tess nhận lời mời đến một buổi nói chuyện về những tác phẩm cô sáng tác như mọi lần. Việc diễn thuyết trước bốn trăm độc giả trong một căn phòng nhỏ của thư viện chẳng có gì nguy hiểm. Nhưng bước ngoặt đến từ lúc chánh thủ thư Ramona Norville đề nghị Tess đi đường tắt về nhà để tiết kiệm được quãng đường khá xa. Với mong muốn nhanh chóng về nhà cho chú mèo yêu quý ăn tối, tất nhiên Tess đồng ý mà không hề biết rằng điều gì đang chờ đợi mình phía trước.

Điều đang đợi Tess trên con đường phía trước kinh khủng hơn bất cứ câu chuyện trinh thám nào cô từng sáng tạo ra để kiếm tiền. Cô phải trải qua nỗi đau đớn, kinh hoàng, hoảng loạn. Quãng đường tắt đã trở thành con đường dài nhất về nhà. Trong đêm tối lạnh lẽo, Tess nén chịu đau đớn giả chết để thoát thân, khiếp đảm khi phải chứng kiến hai xác chết nằm ngay gần kề mình, một đã trơ xương, một đang phân hủy.

Không chỉ là nỗi đau của sự tổn thương cơ thể, cô còn phải chiến đấu với nỗi sợ hãi mơ hồ, lẩn trốn, dò dẫm, lẩn trốn, dò dẫm. Cuối cùng sau cả quãng đường dài, cô mới trở về nhà - nơi có chú mèo yêu quý đang chờ đón. Bi kịch trên con đường tắt khiến Tess cảnh giác cao độ ngay trong chính ngôi nhà của mình. Một nhà văn chưa bao giờ sử dụng súng đã luôn mang súng bên người ở bất cứ đâu.

Trải qua một đêm dài kinh khủng, Tess bình tâm. Vốn là một người chuyên viết truyện trinh thám về bà thám tử già, Tess dễ dàng suy luận và điều tra ra kẻ đã hãm hại mình. Nhưng điều cô không ngờ nhất, chính là việc cô đi đường tắt đã được sắp xếp trước. Người phụ nữ tưởng như đầy thiện chí kia lại là kẻ đưa cô vào cái chết.

Chính sự đau đớn ấy, đã sản sinh ra một Tess hoàn toàn mới, mạnh mẽ, dũng cảm và căm hận. Cô phân vân lựa chọn sẽ đi báo cảnh sát kẻ đã hãm hại mình - như Tess cũ sẽ làm hay tự tay mình kết liễu hai kẻ đã làm nhục cô?

Lái xe bự là một câu chuyện kinh dị, giả tưởng theo mô típ thường thấy của Stephen King. Truyện của ông gồm nhiều tình huống bình thường nhưng vẫn có khả năng biến thành một nỗi sợ không tưởng cho nhân vật và cho chính độc giả.

Lái xe bự được kể theo lối kẻ cả, không gấp gáp hay vội vã, Stephen King thôi thúc người đọc lậy giở từng trang sách theo bước chân của nữ nhà văn Tess. 

Stephen King sinh năm 1947 tại bang Maine - Mỹ, ông viết truyện đầu tay vào năm lên 7 và bán bản quyền đầu tiên khi 18 tuổi. Năm 1970, ông nhận bằng B.A. của Đại học Maine ở Orono.

King là nhà văn thiên về thể loại kinh dị hoặc giả tưởng rất được ưa chuộng trên thế giới, đặc biệt với mô-típ biến đổi những tình huống căng thẳng bình thường thành hiện tượng khiếp đảm, với lối viết đa dạng. Nhiều tác phẩm của ông đã được dựng thành phim, như Carrie (1976), The Shining (1980), Misery (1990), The Green Mile (1999)...

Stephen King là người đi tiên phong trong việc xuất bản "sách điện tử" (e-book) trên mạng internet. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học, trong đó có giải Hugo cho tác phẩm Danse Macabre (1980) và Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry cho truyện ngắn The Man in the Black Suit (1994).

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem