Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nhà băng lớn "hãm" huy động vốn

13/06/2023 09:09 GMT+7
Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, về mức 2,8% cho kỳ hạn qua đêm và 3,0 %- 4,0% cho kỳ hạn dưới 1 tháng, tương ứng với mức giảm lên tới 120 điểm cơ bản so với tuần liền trước.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh

Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng trong tuần giao dịch 05 - 09/06.

Cụ thể, mặc dù Ngân hàng Nhà nước chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4,5%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu. Khối lượng tín phiếu 91 ngày đáo hạn giảm xuống chỉ còn 16.900 tỷ đồng.

Kết tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 15.500 tỷ đồng, trong đó khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm về mức 0, trên kênh cầm cố cũng giảm mạnh xuống chỉ còn 294 tỷ đồng. Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, về mức 2,8% cho kỳ hạn qua đêm và 3,0 % - 4,0% cho kỳ hạn dưới 1 tháng – giảm 60 – 120 điểm cơ bản so với tuần liền trước.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nhà băng lớn "hãm" huy động vốn - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

"Tắc" đầu ra, nhà băng lớn "hãm" huy động vốn

Cũng theo nhận định của các chuyên gia SSI, cầu vốn tín dụng suy yếu là nguyên nhân chính khiến tín dụng chững lại trong 5 tháng đầu năm. Dẫn dự báo của các ngân hàng thương mại, các chuyên gia tại đây cho biết, cầu tín dụng thấp suốt cả quý II/2023 và khó có thể tăng mạnh nửa cuối năm khi đầu ra của doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, dù lãi suất cho vay đã giảm đáng kể sau khi Ngân hàng Nhà nước 3 lần giảm lãi suất điều hành từ đầu năm đến nay. Theo ước tính, lãi suất cho vay trung bình (không tính các khoản ưu đãi) hiện tại vào khoảng 12,5%/năm – giảm khoảng 220 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 nhưng vẫn cao hơn khoảng 200 điểm cơ bản so với năm 2019. Trên thực tế, mặc dù các ngân hàng thương mại đều đã giảm lãi suất cho vay nhằm kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng, mức lãi suất này chủ yếu chỉ áp dụng với các khoản vay mới và chỉ có số ít các ngân hàng thương mại (chủ yếu ngân hàng thương mại nhà nước) giảm lãi vay cho các khoản vay hiện hữu.

Chia sẻ với báo chí trong cuộc gặp mặt mới đây, lãnh đạo nhiều ngân hàng thừa nhận, cầu vốn của nền kinh tế quá yếu dù lãi suất đã hạ nhiệt. Điều này khiến các nhà băng lớn phải "hãm" huy động vốn và cạnh tranh quyết liệt tìm khách vay.

Chẳng hạn như tại Agribank – ngân hàng có lãi suất cho vay hấp dẫn nhất hệ thống, song cũng không dễ tăng tín dụng. Lãnh đạo Agribank cho biết, tín dụng của ngân hàng này tăng trưởng âm 4 tháng đầu năm và mới chỉ tăng trở lại từ tháng 5/2023. Thị trường khó khăn, tiêu thụ nông sản yếu khiến nhu cầu tín dụng suy giảm mạnh.

Vietcombank chưa công bố số liệu tăng trưởng tín dụng 6 tháng, song tính đến cuối quý I/2023, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây, chỉ ở mức 2,5%.

Lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, nhà băng lớn "hãm" huy động vốn - Ảnh 2.

Các nhà băng lớn phải "hãm" huy động vốn và cạnh tranh quyết liệt tìm khách vay.

Tương tự, tại VietinBank, tới cuối tháng 5/2023 tăng trưởng tín dụng của nhà băng này đạt tới 6% - cao nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và gấp đôi mức tăng trưởng trung bình toàn hệ thống. Mặc dù vậy, trong tháng 5/2023, tín dụng Ngân hàng đã bắt đầu sụt giảm – theo chia sẻ của lãnh đạo VietinBank.

Trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, nhiều ngân hàng - nhất là các ngân hàng lớn - đã giảm lãi suất huy động khá xa trần để "hãm" bớt huy động vốn. Lãnh đạo VietinBank cho hay, huy động vốn của VietinBank 5 tháng đầu năm chỉ tăng 3,6%, tức bằng nửa tốc độ tăng tín dụng. "Chúng tôi không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ với nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động", lãnh đạo Vietinbank chia sẻ.

Năm nay sẽ là năm rất khó khăn của nền kinh tế. Tại VietinBank, chúng tôi đang phấn đấu tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay. Tỷ lệ Chi phí trên thu nhập (CIR) của VietinBank hiện nay đang ở top thấp nhất hệ thống. Năm 2023, HĐQT VietinBank đưa ra mục tiêu kiểm soát CIR ở mức 28% (thông lệ quốc tế là 31-32%).

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang phấn đấu đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, VietinBank đang là ngân hàng có doanh số giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% cao nhất hệ thống. Bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh tín dụng, chúng tôi cũng xác định an toàn, hiệu quả tín dụng là mục tiêu hàng đầu. Chính vì vậy, nợ xấu thực của VietinBank tính tới cuối tháng 5/2023 chỉ 1,8%.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank



H.Anh
Cùng chuyên mục