Lạc đà không bướu và tour thám hiểm trên núi Andes của Peru

Thứ năm, ngày 03/02/2022 03:18 AM (GMT+7)
Một trong những điều đầu tiên được nhiều khách nước ngoài quan tâm khi du lịch Nam Mỹ là trải nghiệm cuộc sống của các Herder - người chăn nuôi lạc đà Alcapa trên dãy núi Andes. Lạc đà Alcapa có tổ tiên là Vicuñas - loài được coi là quốc thú của Peru, với hình tượng xuất hiện cả trên quốc huy Peru.
Bình luận 0
Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 1.

Hành trình kỳ thú "thám hiểm" cuộc sống của các Herder cùng những đàn lạc đà Alcapa quý giá trên núi Andes, Peru. (Ảnh: passporttherapy)

Lạc đà không bướu - Alcapa từng được người Inca cổ xưa hiến tế Thần linh

Lạc đà Alcapa là loài động vật quý, được cho là lai giữa lạc đà không bướu với Vicuñas, có lẽ đã tồn tại từ khoảng 6.000 năm trước. Vicuñas là họ hàng của loài lạc đà không bướu Llama. Vicuñas được cho là tổ tiên hoang dã của lạc đà Alcapa trước khi lạc đà Alcapa được thuần hóa và nuôi chủ yếu để lấy bộ lông quý giá có giá trị cao của chúng.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 2.

Alcapa cùng với Llama là loài lạc đà không bướu còn gọi là lạc đà cừu, thường sống theo đàn và kiếm ăn ở những dãy núi có độ cao từ 3.500-5.000m ở phía nam Peru, Ecuador và phía bắc Chile. (Ảnh: tourinperu)

Vicuñas vốn có ý nghĩa rất quan trọng cả về mặt đời sống xã hội và tôn giáo với người Inca cổ xưa, nên việc săn bắt Vecuñas thời đó bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Vicuñas được người Inca rất trân trọng vì chúng cung cấp lượng nhỏ lông cực mịn với giá bán rất đắt, nhưng chỉ có thể cắt lông chúng 3 năm 1 lần và phải là từ loại Vicuñas được đánh bắt trong tự nhiên.

Các sản phẩm len và vải làm từ lông Vicuñas rất đẹp, mềm mại và ấm áp nên được người Inca coi là món quà quý giá nhất. Chỉ cần nhìn trang phục cũng biết địa vị xã hội của người mặc, bởi chỉ các thành viên Hoàng gia và giới quan chức Inca mới được mặc đồ làm từ lông Vicuñas. Ngoài ra nếu ai khác sử dụng đều bị coi là phạm pháp. Cũng bởi thế chỉ một số thợ thủ công được chỉ định mới được phép dệt sợi từ lông Vicuñas.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 3.

Các Herder Peru trên núi Andes xử lý lông lạc đà Alcapa sau khi cắt. (Ảnh: Wikipedia)

Xem ra không loài động vật nào khác có khả năng cung cấp chất liệu làm quần áo, thức ăn… và trở thành thú cưng dễ thương của con người sau khi đã được thuần hóa như lạc đà Alcapa.

Thịt lạc đà Alcapa được đánh giá là có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, thường được phụ nữ trong các gia đình Herder (người chăn nuôi) trên dãy núi Andes chế biến thành Charqui (thịt ướp muối) và Chalona (thịt phơi khô) truyền thống. 

Lông của lạc đà Alcapa được se thành len hoặc sợi dệt vải. Xương, da và mỡ của lạc đà Alcapa được sử dụng làm giày dép, dụng cụ âm nhạc, thuốc chữa bệnh… Phân của lạc đà Alcapa được dùng để bón cho cây cối.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 4.

Khách du lịch trải nghiệm dệt len từ lông lạc đà Alcapa. (Ảnh: gadventures)

Với những giá trị cao như vậy, lạc đà Alcapa được người Inca chọn để hiến tế Thần linh trong những nghi thức tôn giáo truyền thống. Thời nay Vicuñas được coi là quốc thú của Peru, hình tượng của Vecuñas xuất hiện cả trên quốc huy Peru.

Các tour thám hiểm thú vị "đi cùng" lạc đà Alcapa

Vào thế kỷ 16 các đàn gia súc của người Inca, bao gồm cả lạc đà Alcapa, gần như bị xóa sổ hoàn toàn sau cuộc chinh phục năm 1532 của người Tây Ban Nha. Số ít còn lại được những người Inca sống sót mang theo lên các khu vực cao nhất trên dãy núi Andes. Quần thể lạc đà Alcapa được mở rộng trở lại vào khoảng năm 1900, chủ yếu do nhu cầu về lông lạc đà Alcapa ngày càng gia tăng.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 5.

Peru hiện là quê hương lớn nhất của lạc đà Alcapa với khoảng 4 triệu con - chiếm khoảng 70% số lạc đà Alcapa trên thế giới. (Ảnh: Wikipedia)

Các thị trường xuất khẩu chính lông lạc đà Alcapa của Peru là Trung Quốc, Italia và Mỹ. Do Covid-19, năm 2020 ngành sản xuất lông lạc đà Alcapa của Peru bị ảnh hưởng không nhỏ, nhưng quốc gia Nam Mỹ này vẫn xuất khẩu lông lạc đà Alcapa được khoảng 121 triệu USD trong 7 tháng đầu năm 2021 - ngang bằng với mức của năm 2019.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 6.

Lạc đà Alcapa được chăn thả trên những ngọn đồi, tạo một điểm nhấn thú vị trên đường khách du lịch đạp xe tới dãy núi Cầu Vồng ở Palcoyo, Peru. (Ảnh: zenithecuador)

Lối sống truyền thống của những cộng đồng Herder cùng các đàn lạc đà Alcapa độc đáo tạo thêm nét cuốn hút khách du lịch tới Peru, tham gia những tour thám hiểm khám phá vùng núi Andes và thám hiểm lạc đà Alcapa.

Nhưng những năm gần đây các đàn lạc đà Alcapa ngày càng bị thu nhỏ và thậm chí có nguy cơ "biến mất", do những đồng cỏ vốn cung cấp nguồn thức ăn cho chúng dần khô héo bởi tác động của biến đổi khí hậu. Giới khoa học và các nhà hoạt động xã hội đang vào cuộc cùng với các cộng đồng Herder trên núi Andes của Peru, tìm giải pháp cứu những đàn lạc đà Alcapa quý giá.

Peru: Tour thám hiểm dãy núi Andes với điểm nhấn lạc đà Alcapa quý giá - Ảnh 7.

Khách du lịch tham gia một tour Trekking Peru Plus Alpacas Llamas. (Ảnh: wildlandtrekking)

Năm 2022 khách du lịch tới Peru có thể tham gia các tour thú vị đi cùng lạc đà Alcapa trên vùng núi Andes. Ví dụ như tour Trekking Peru Plus Alpacas Llamas bắt đầu từ thành phố Cusco, đi bộ cùng với lạc đà Alpaca và Llama qua dãy núi Andes theo tuyến đường mòn Inca cổ xưa. 

Điểm đến là Huchuy Qosqo Inca - nơi được mệnh danh là thành phố Machupicchu Inca mới thứ hai, với tầm nhìn đầy mê hoặc ra những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa và thung lũng thiêng của người Inca cổ xưa…



Linh Quyên (Tourinperu, NatGeo, Chacrastravelperu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem