dd/mm/yyyy

Lạ kỳ trồng cây lấy quả xong, chặt cành phải chặt sát gốc mới hay

Thu hoạch xong vụ quả là nông dân quay sang chặt cành, chặt gốc; càng chặt cành thì cây càng phát triển nhánh và càng nhiều quả.

Đó là cách chăm sóc vườn cây của bà con trồng táo ở xã Mường Bú (huyện Mường La, tỉnh Sơn La). Cách làm lạ này đã giúp nhiều bà con có thu nhập cao.

Kỹ thuật chặt thân cây táo để vụ sau táo sai quả.
Kỹ thuật chặt thân cây táo để vụ sau táo sai quả.

Vườn táo của ông Quàng Văn Ón, ở tiểu khu 2, xã Mường Bú), rộng gần 1 ha, cây nào cây nấy trơ trụi, cành lá ngổn ngang, thậm chí cụt gốc. Nghĩ rằng chắc do vụ tạo vừa rồi xuống giá, ông Ón chặt đi để trồng cây khác thay thế ? Thấy chúng tôi tò m,ò ông Ón cười tủm, lý giải rằng: Trồng táo không giống như các loại cây ăn quả khác, sau mỗi vụ thu hoạch táo phải được chặt cành, chặt gốc nếu không táo sẽ không cho quả và quả không ngon.

Cách cưa gốc táo phải để khoảng khách từ mắt ghép cũ tính từ mặt đất lên khoảng 10 - 15cm để cây phát triển nhanh và tốt.
Cách cưa gốc táo phải để khoảng khách từ mắt ghép cũ tính từ mặt đất lên khoảng 10 - 15cm để cây phát triển nhanh và tốt.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng táo, ông Ón, cho biết: Táo thu hoạch xong đến khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch bắt đầu chặt cành, cưa gốc. Nơi cắt thân cây lý tưởng nhất là phía trên mắt ghép cũ tính từ mặt đất lên khoảng cách từ 10 – 15cm, không được cắt cao quá hoặc thấp quá sẽ ảnh hưởng đến sức đâm chồi của cây.

Khi gốc táo đâm chồi chỉ nên để mỗi gốc 2 – 3 mầm khỏe nhất, tốt nhất. Trong vòng thời gian 5 – 6 tháng sau, những nhánh mầm này sẽ phát triển thành cành to, tỏa nhánh rồi ra hoa kết quả. Nếu phát hiện mầm nào không tốt thì có thể ghép mắt lại, mỗi lần cưa gốc như thế cây sẽ sai quả hơn, ngon hơn và chất lượng hơn. Hơn 4 năm gắn bó với trồng cây táo, cả khu vườn gần 1.000 cây táo của ông Ón năm nào cũng chặt cành, cưa gốc. Nhờ cách làm này mà vườn táo của ông lúc nào cũng tươi tốt, cây không bị cỗi, vẫn ra hoa, cho qua đều, thu nhập lại cao.

Những gốc táo sau khi đã được cắt cành.
Những gốc táo sau khi đã được cắt cành.

Cũng như ông Ón, vườn táo hơn 100 cây của anh Cà Văn Cường ở tiểu khu 3 cùng xã, cũng dùng phương pháp chặt cành, cưa gốc. Anh Cường nói rằng: Bí quyết cho táo ra nhiều quả chính là cưa gốc. Ngoài ra nên chú ý đến khâu bón phân phải đúng thời gian, đủ liều lượng để cây phát triển tốt. Cắt cành, cưa gốc là bí quyết cho táo sai quả của bà bà con nông dân ở Mường Bú.

Mường Bú là xã đi đầu về phát triển cây ăn quả của huyện Mường La, hiện toàn xã có hơn 400 ha cây ăn quả các loại, trong đó riêng cây táo chiếm hơn 100 ha. So với những cây trồng khác thì táo là loại cây rất ưa thích với khí hậu, thổ nhưỡng và đặc điểm đất đá pha cát như ở Mường Bú. Nhờ trồng táo mà nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ hàng trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.

Quốc Định