Kỳ 2: Âm thầm chuẩn bị công trình đặc biệt cho nhiệm vụ tuyệt mật

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 01/09/2019 14:15 PM (GMT+7)
Tiếp theo loạt bài “50 năm giữ gìn thi hài Bác: Những chuyện chưa kể”, kỳ 1 chúng ta đã biết về tổ công tác đặc biệt được cử sang Nga. Còn ở tại Việt Nam lúc này, trong điều kiện đất nước đang có chiến tranh, gặp vô vàn khó khăn, việc xây dựng những công trình hiện đại để phục vụ công tác giữ gìn thi hài Bác gần như là không tưởng…
Bình luận 0

Công trình mang mật danh 75A

Nhưng bằng tất cả lòng thành kính với Người cha già của dân tộc, những người lính với trí thông minh, óc sáng tạo, vượt khó của mình đã xây dựng những công trình an toàn, đúng kỹ thuật để góp phần lưu giữ thi hài Người mãi mãi.

img

Công trình mật danh 75A có chức năng đặc biệt, làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác.

Biết trước những ngày Bác Hồ từ biệt cõi đời không còn xa, đất nước ta lại là nước khí hậu nhiệt đới nên công việc chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, vì vậy, để tổ công tác đặc biệt có thể bắt tay vào chuẩn bị công việc giữ gìn thi hài Bác, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng một phòng thí nghiệm đặc biệt nằm trong Bệnh viện 108.

Đây là một công trình có thiết kế phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, phải đáp ứng được nhiệt độ thường xuyên là 16 độ C, độ ẩm ổn định 75%, không có gió lùa và phải vô trùng tuyệt đối. Sau khi cân nhắc, đánh giá thì Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 259 được lựa chọn để thi công, do đồng chí Trần Sỹ Yêm chỉ huy. Sớm bắt tay vào làm nhiệm vụ với điều kiện đất nước bị chiến tranh tàn phá, mọi thiết bị vật tư đều hạn chế, vị trí thi công chật hẹp, nhưng đơn vị vẫn quyết tâm ngày làm 2 ca liên tục không nghỉ.

Sau một thời gian thi công khẩn trương, công trình đã được hoàn thành đúng tiến độ. Nhưng khi lắp đặt các thiết bị máy móc vào vận hành lại gặp không ít trục trặc, như máy điều hoà không đáp ứng được nhiệt độ yêu cầu.

Những người lính công binh lại phải mày mò cải tạo để có nhiệt độ thích hợp. Khi chạy máy, ở buồng trung tâm - nơi sẽ đặt thi hài lại có hiện tượng bị đọng sương trên trần hầm, dễ tạo ra môi trường cho nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập, trong khi đó yêu cầu của công trình là vô trùng tuyệt đối.

Sau nhiều biện pháp khắc phục bị thất bại, cuối cùng họ đã quyết định dùng gỗ dán toàn bộ trần hầm kết hợp với thông hơi thì hiện tượng đọng sương đã biến mất. Khi đoàn công tác của các chuyên gia Liên Xô sang kiểm tra đánh giá về công tác chuẩn bị, họ vô cùng ngạc nhiên về trình độ thi công của nước ta và công trình tại Bệnh viện 108 được đặt mật danh 75A trước khi bàn giao cho Tổ công tác đặc biệt làm các thí nghiệm chuẩn bị cho nhiệm vụ cao cả sau này.

Sau khi hoàn thành công trình 75A, đơn vị thi công chưa kịp nghỉ ngơi thì lại bắt tay tiếp tục xây dựng công trình 75B bên trong Hội trường Ba Đình. Ở đây không gặp khó khăn về thiết kế, thi công như công trình trước, nhưng lại đòi hỏi sự bí mật tuyệt đối, vì ban ngày Hội trường vẫn làm việc bình thường, hơn nữa lại rất gần nơi ở và làm việc của Bác, nên mọi công tác thi công chỉ diễn ra vào ban đêm. Sau nhiều sự cố được khắc phục thì cuối cùng công trình cũng được hoàn thành, sẵn sàng cho nhiệm vụ tổ chức Quốc tang khi Bác ra đi.

Để lễ tang được tổ chức chu đáo, Ban Chấp hành Trung ương còn cử đồng chí Phùng Thế Tài sang Liên Xô và Bulgaria tìm hiểu nghi lễ Quốc tang. Qua nhiều phương án diễn tập, kể cả bằng xe ngựa cho khỏi ồn ào, cuối cùng chúng ta quyết định dùng xe kéo pháo trong dịp Quốc tang như các nước Đông Âu.

Cùng với việc xây dựng 2 công trình ban đầu, tổ công tác đặc biệt cũng chuẩn bị mọi dụng cụ, thiết bị để phục vụ công tác giữ gìn thi hài ban đầu như: Chỉ vàng, bạch kim và những hoá chất đặc biệt khác.

Tháng 3/1969, đề phòng Người ra đi đột ngột, đoàn công tác do bác sĩ Nguyễn Gia Quyền đã một lần nữa trở lại Liên Xô để báo cáo về sự chuẩn bị của phía ta và chắc chắn 2 công trình ban dầu đã sẵn sàng làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác trong những ngày đầu.

Khu căn cứ K84

Tháng 5/1957, trong một lần đi dự diễn tập của đơn vị đặc công nước Sư đoàn 308 tại sông Đà, Bác đã ngồi nghỉ tại khu vực Đá Chông thuộc tỉnh Hà Tây (cũ). Thấy cảnh vật ở nơi đây tiện cho phòng thủ và rút lui, được bao bọc bởi các dãy núi cao, máy bay địch không thể bổ nhào để bỏ bom được, Người đã chỉ đạo xây dựng khu vực này thành một căn cứ - nơi làm việc của Trung ương.

Và cũng tại đây, Người đã tiếp 2 người bạn quốc tế là bà Đặng Dĩnh Siêu - phu nhân của Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu phụ nữ Trung Quốc sang thăm nước ta và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô G.M Ti-tốp.

Sau ngày Bác mất, trước sự leo thang bắn phá miền Bắc của không quân Mỹ, Trung ương Đảng nhận định cần phải di chuyển thi hài của Người đến một vị trí an toàn. Sau nhiều lần xem khảo sát thì cuối cùng đã chọn khu căn cứ K9 lúc bây giờ để xây dựng một công trình kiến trúc mới giữ gìn thi hài Bác lâu dài.

img

Đá Chông - nơi có những mũi đá mọc lên từ dưới đất.

Ngày 20/9/1969, lực lượng tham gia cải tạo khu K9 đã có mặt và bắt tay vào công việc. Do trước kia ở đây đã có hầm ngầm cũ nên bây giờ chỉ cần cải tạo thêm một hầm đặt máy điều hoà và dụng cụ y tế. Để tiến hành thi công,  các chiến sĩ của ta phải đào một cái giếng rộng 5m, sâu 6m xuống nóc hầm rồi dùng khoan tay để phá vì yêu cầu không được dùng chất nổ.

Tổng cộng phải khoan 1.800 mũi thì mới phá được nóc hầm để đưa vật liệu xuống thi công. Sau khi thi công xong, việc lắp thiết bị cũng vô cùng căng thẳng, đặc biệt là cánh cửa sắt nặng 3.000kg dưới độ sâu 6m mà không có cần cẩu. Đây là một cánh cửa đặc biệt, 1cm2 có thể chịu được sức công phá của 3kg thuốc nổ TNT. Sau nhiều lần thất bại, các chiến sĩ công binh đã phải dùng tời quay tay để đưa cánh cửa vào vị trí.

Theo yêu cầu chuyên môn thì làm sao phải đưa được thi hài Bác lên xuống đường hầm đảm bảo không nghiêng, không rung, không xóc. Ban chỉ huy công trình đã giao cho hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quốc Khôi đảm nhiệm việc này. Hai kỹ sư này đã thiết kế một đường ray thay cho việc khiêng linh cữu từ trên xuống dưới và ngược lại.

Bản vẽ đã được Xưởng cơ khí 49 Bộ Quốc phòng thi công và kết quả thu được đạt độ an toàn tuyệt đối. Linh cữu được đặt trên một giá đỡ có bánh xe lăn trên 2 đường ray uốn cong nên ở độ dốc 60 độ vẫn giữ được cân bằng, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa thi hài Bác lên xuống.

Sau khi hoàn thành công trình K9, để đảm bảo bí mật, khu căn cứ này được lấy tên là K84 với lý do 75+9=84. Ngày 24/12/1969, thi hài của Bác đã được di chuyển về đây an toàn tuyệt đối.

Theo yêu cầu chuyên môn thì làm sao phải đưa được thi hài Bác lên xuống đường hầm đảm bảo không nghiêng, không rung, không xóc. Ban chỉ huy công trình đã giao cho hai kỹ sư cơ khí Đặng Thành Trung và Vũ Quốc Khôi đảm nhiệm việc này. Hai kỹ sư này đã thiết kế một đường ray thay cho việc khiêng linh cữu từ trên xuống dưới và ngược lại.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem