Xử lý tại 8B Lê Trực: "Không có tòa xử thì 10 năm nữa vẫn thế"

Trần Kháng - Văn Hùng Chủ nhật, ngày 16/02/2020 06:00 AM (GMT+7)
Cơ quan chức năng càng loay hoay, chậm trễ trong việc xử lý trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực thì người chịu thiệt thòi nhất là hàng chục khách hàng đã bỏ tiền tỉ mua nhà tại dự án này chưa biết bao giờ được dọn đến ở.
Bình luận 0

Người dân mong mỏi được về nhà

Thông tin về tiến độ xử lý vi phạm công trình 8B Lê Trực mới đây nhất, Chủ tịch UBND quận Ba Đình (TP.Hà Nội) Tạ Nam Chiến khẳng định, chỉ có việc xử lý nhanh phần vi phạm của tòa nhà này thì người dân mới sớm được nhận căn hộ.

Tuy nhiên, chính vị Chủ tịch UBND quận Ba Đình cũng thừa nhận, đến nay đã gần 4 năm trôi qua, cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án cưỡng chế xử lý phá dỡ giai đoạn 2 công trình. Do vậy cũng không thể “chốt” thời gian xử lý dứt điểm vi phạm tại 8B Lê Trực. Thậm chí, đơn cử như mỗi việc quyết toán, thanh toán chi phí cho đợt phá dỡ giai đoạn 1 là tầng 19 và tum đến nay chưa có cơ sở để thanh toán dù đã qua 4 năm.

img

Nằm ngay giữa trung tâm Thủ đô nhưng nhiều năm qua, sai phạm tại công trình 8B Lê Trực chưa được xử lý triệt để. (ảnh T.Kháng)

Như vậy, có thể thấy rõ tiến độ xử lý vi phạm công trình 8B Lê Trực của UBND quận Ba Đình và TP.Hà Nội quá chậm trễ, chưa đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Thiết nghĩ, trường hợp quận Ba Đình không tìm được đơn vị tư vấn, không xây dựng được phương án phá dỡ vi phạm tại công trình 8B Lê Trực thì người dân sẽ phải chờ đến bao giờ? Trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị để xảy ra chậm trễ trong xử lý vi phạm sẽ bị xử lý thế nào?

Bức xúc trước sự kéo dài nhiều năm chưa có hồi kết của vụ việc, những ngày sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực đã liên tục gửi đơn “cầu cứu” khắp nơi, thậm chí tập trung đông người tại công trình và trụ sở UBND phường Điện Biên, quận Ba Đình căng băng rôn, biểu ngữ đòi quyền lợi “bị bỏ quên” của mình.                                                            

Anh Vũ Hải Đường - chủ căn hộ tại công trình 8B Lê Trực bức xúc: “Đã bước sang năm thứ 5 đợi chờ, người dân chúng tôi đã mất quá nhiều thứ: Tiền bạc, sức khỏe, thời gian, nhiều người còn bị ảnh hưởng đến cả hạnh phúc gia đình. Có người mua nhà nhưng chưa kịp đến ở đã mất. Vậy mà, giờ chúng tôi vẫn tiếp tục phải chờ”.

img

Người mua nhà tập trung trước công trình 8B Lê Trực kiến nghị chính quyền giải quyết triệt để vi phạm để người dân sớm được nhận nhà. (ảnh T.Kháng)

Chung nỗi bức xúc, chị Nguyễn Thị Hương – một khách hàng mua nhà tại công trình 8B Lê Trực cho rằng: "Chúng tôi là công dân, chúng tôi sẵn sàng tuân thủ quy định của pháp luật. Thế nhưng 4 năm qua chúng tôi đã tuân thủ rồi và họ không làm gì cho chúng tôi cả. Xử lý cho tồn tại hay phá dỡ mong TP.Hà Nội, quận Ba Đình phải có phương án, thời hạn cụ thể chứ không thể nói là chờ và chờ mãi như thế này được. Tôi được biết nếu phá dỡ sẽ không đảm bảo về mặt kỹ thuật. Những người cư dân như chúng tôi phải chịu những thiệt thòi, liên đới không ít thì nhiều”.

Cũng theo chị Hương bày tỏ, hiện nay, chủ đầu tư đã đưa ra những lý luận khẳng định việc cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) của Sở Xây dựng là không đúng, tại sao cơ quan chức năng chưa rà soát lại. Và, việc “cắt ngọn” tầng 17 và 18 trên cơ sở là vi phạm chiều cao có triệt để và hợp lý hay không? Có phải là phương án tốt nhất không? Bởi, hiện nay, cơ quan chức năng chưa có phương án phá dỡ và thừa nhận việc phá dỡ là rất khó khăn. Tiếp đó, nếu phá dỡ tầng 17, 18 thì công trình này lại không đúng với GPXD cấp cho công trình vì trong giấy phép cấp có 2 tầng này, tại sao lại phá? Quyền lợi của những người mua nhà tại 2 tầng này thì ra sao khi họ mua căn hộ tại tầng hợp pháp, có trong GPXD?

Cần kiện ra toà

Có thể thấy sau nhiều năm TP.Hà Nội hô vang khẩu hiệu “kiên quyết xử lý” vi phạm tại công trình 8B Lê Trực nhưng đến nay vẫn đứng đó như người chờ “phán xử”, chưa có phương án chính thức nào được đưa ra. UBND TP.Hà Nội cũng nhiều lần yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình xem xét phương án xử lý, các đơn vị này sau đó cũng lần lượt báo cáo, kiến nghị. Thế nhưng, sự việc cũng dừng lại ở việc “trên dưới” chờ nhau, “quả bóng” trách nhiệm tiếp tục bị đá đi, đá lại.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Ủy viên ban thường vụ, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để sớm giải quyết được vi phạm, đầu tiên, cơ quan chức năng cần xem lại trình tự cấp phép xây dựng như thế nào; Trong quá trình thanh tra xây dựng ra sao; Cái gì chủ đầu tư làm sai phải xử lý.

img

Quận Ba Đình thừa nhận chưa có phương án phá dỡ vi phạm giai đoạn 2 và không chốt được thời gian xử lý dứt điểm. (ảnh T.Kháng)

Đưa ra quan điểm về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, ông Tùng cho rằng, cần trưng dụng toàn bộ phần đã xây ngoài giấy phép thành công ích của nhà nước.

“Không nên đập phá đi vì sẽ có hậu quả không lường được. Ở thế giới không ai làm việc đó cả. Khi xảy ra xây dựng sai rồi thì phải quy trách nhiệm rất rõ, giải quyết theo hướng như đã nói đó là thu hồi diện tích vi phạm thành công ích của nhà nước”, ông Tùng nói.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, người dân mua nhà vô tội nhưng 5 năm nay không có nhà ở là bất cập. Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng "Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết". Đây không phải là công trình nào đó mà là công trình nhà ở, có tên, nó là hàng hoá. Người dân bỏ tiền thì người ta được sử dụng.

Còn ở góc độ người làm luật, luật sư Quách Thành Lực - Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, sự việc này cần phải kiện ra toà. Toà án sẽ xem xét nguyên nhân khiến dự án không bàn giao được là do đâu, lỗi do chủ đầu tư hay chính quyền, khi đó các quan hệ mới rõ ràng ra được.

Nếu lỗi sai do chính quyền thì chính quyền phải chịu trách nhiệm. Lỗi do chủ đầu tư thì chủ đầu tư thậm chí phải bán mọi thứ đi để trả lại quyền lợi cho người dân.

"Nếu không kiện ra toà thì 10 năm nữa sự việc vẫn cứ thế. Bao nhiêu tài sản "chôn" ở đó, dân khổ", luật sư Lực nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem