Vinafood 2 tính dựa vào đất vàng tìm lối thoát khi ôm lỗ luỹ kế 2.045 tỷ?

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 19/08/2019 15:20 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh lỗ luỹ kết Vinafood 2 đã lên tới 2.045 tỷ đồng, cộng thêm tiềm năng từ tiềm năng từ quỹ đất vàng khổng lồ, nằm tại các vị trí đắc địa, trải rộng khắp cả nước từ TP. HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre... Vinafood 2 đã từng xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới cho doanh nghiệp, bao gồm BĐS.
Bình luận 0

img

Khu tập thể 33 Nguyễn Du và 34 - 36 Chu Mạnh Trinh (P. Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) tiền thân là khu nhà ở của cán bộ - công nhân viên Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). (Ảnh minh hoạ)

Khoản lỗ nghìn tỷ theo chân Vinafood 2, cổ phiếu VSF bị ngừng giao dịch

Nhìn một cách tổng quan, từ năm 2015 đến nay, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chỉ ghi nhận lỗ trong hoạt động kinh doanh.

Sau khi ghi nhận con số lỗ lũy kế 1.964 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.357 tỷ đồng trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2018, Vinafood 2 tiếp tục thông báo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 với số lỗ luỹ kết lên tới 2.045 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.258 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng.

Hiện tại Vinafood 2 có hai cổ đông chính là Ủy ban quản lý vốn Nhà nước nắm giữ 51,43% cổ phần và Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển – PV) nắm giữ  25% cổ phần.

Nguyên nhân khiến lỗ luỹ kế Vinafood 2 tiếp tục gia tăng do khoản lỗ ròng hơn 91 tỷ đồng doanh nghiệp phải ghi nhận trong kỳ.  

Cụ thể, doanh thu thuần của Vinafood 2 sụt giảm gần 43% so với cùng kỳ, chỉ còn 4.970 tỷ đồng. Cùng với đó, việc giá vốn hàng bán thường ở mức tỷ lệ trên dưới 90% nếu so sánh với doanh thu khiến lợi nhuận gộp của Vinafood 2 luôn rất thấp, sau 6 tháng đầu năm 2019 chỉ gần 395 tỷ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ 2018.

Thêm vào đó, khoản chi phí của Vinafood 2 vẫn ở mức cao so với lợi nhuận gộp. Trong đó chi phí tài chính hơn 83 tỷ đồng, chi phí bán hàng hơn 299 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp gần 98 tỷ đồng.

Kết quả, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 91 tỷ đồng, qua đó, nâng lỗ luỹ kế Vinafood 2 lên 2.045 tỷ đồng.

Đến cuối quý II/2019, Vinafood 2 ghi nhận nợ phải trả hơn 6.313 tỷ đồng, tăng 14% so với hồi đầu năm. Trong đó nợ ngắn hạn gần 5.018 tỷ đồng, tăng hơn 18%.

Thông tin trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Vinafood 2 cho biết, công tác xử lý tài chính, quyết toán vốn nhà nước thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần vào ngày 9/10/2018 đến nay còn nhiều vấn đề chưa được xử lý như: Tài sản không cần dùng, chờ thanh lý tồn đọng lớn; các khoản nợ tồn đọng, thiếu hụt hàng tồn kho làm ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn lưu động của Tổng công ty trước và sau khi chuyển thành công ty cổ phần; các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần (9/10/2018) được xác định lại giá trị đầu tư tài chính là: 1.281 tỷ đồng, nhưng các đơn vị kinh doanh thua lỗ làm giảm vốn Vinafood 2 tại các đơn vị này dẫn đến khi chuyển sang công ty cổ phần phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn tương đương 425,5 tỷ đồng đồng. Trong đó, có 10 công ty cổ phần đã mất hết vốn với giá trị: 328.547.309.951 đồng.

Do trong giai đoạn cổ phần hóa từ 1/4/2015 đến thời điểm 08/10/2018, các khoản trích lập dự phòng đã được hoàn nhập tăng vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP nên khi chính thức chuyển thành cổ phần, Tổng công ty phải trích lập dự phòng đầy đủ cho các giai đoạn trước đó theo Nghị định 126/2017/NĐ-CP tương ứng với số tiền 1.728 tỷ đồng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh giai đoạn sau cổ phần hóa.

Lợi nhuận sau thuế TNDN của Công ty cổ phần (9/10/2018 đến 31/12/2018) lỗ: 1.834 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 36,69% trên vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng). Về năng lực kho tàng, nhà xưởng, thiết bị của Vinafood 2, khi cổ phần hóa cũng được định giá tăng lên, đồng thời hoạt động không hết công suất làm tăng giá thành sản phẩm, giá trị quy mô đầu tư lớn nhưng công suất sử dụng rất thấp, chưa khai thác, sử dụng có hiệu quả đang là bài toán khó, tiếp tục gây áp lực về tăng định phí, giảm hiệu quả kinh doanh chung của Vinafood 2.

img

Cổ phiếu VSF của Vinafood 2 cùng 11 cổ phiếu khác từng bị ngừng giao dịch 3 phiên do vi phạm công bố thông tin. (Ảnh: Internet)

Thời gian gần đây, cổ phiếu VSF của Vinafood 2 cùng 11 cổ phiếu khác đã bị ngừng giao dịch 3 phiên do vi phạm về công bố thông tin.

Bản thân Vinafood II từng chốt danh sách cổ đông để tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 vào 31/5. Tuy nhiên, với lý do cần hoàn thiện nhân sự cấp cao và các nội dung liên quan, Vinafood 2 đã hủy danh sách trên và thông báo sẽ thực hiện chốt lại danh sách và ngày họp đến cổ đông sau...

Vinafood 2 dựa vào đất vàng để tìm lối thoát

Cũng trong phần công bố thông tin trước thềm ĐHĐCĐ, Vinafood 2 đã xin ý kiến cổ đông về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh mới bao gồm bất động sản, đại lý xăng dầu, bán lẻ nhiên liệu động cơ và quản lý bãi đỗ phương tiện đường bộ.

Trước khi diễn ra hoạt động mua cổ phần Vinafood 2 từ Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển), doanh nghiệp này đã sở hữu những quỹ đất lớn tại nhiều vị trí khá đắc địa tại các thành phố lớn như TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre với tổng 146 cơ sở nhà đất, tổng diện tích đất 3.405.950m2. Riêng tại TP. HCM, hiện  tổng công ty này đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà, đất với tổng diện tích 89.842m2.

Song bản thân Vinafood 2 đã từng bị nhắc tới trong các báo cáo của các cơ quan chức năng vì sai phạm trong quản lý đất đai. Theo đó, kết quả kiểm toán tổng hợp năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước đã  đã hé lộ nhiều sai phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư.

img

Khu đất số 132 Bến Vân Đồn đã chuyển nhượng. (Ảnh minh hoạ)

Điển hình là Vinafood 2 chủ yếu chỉ định cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim làm đối tác liên doanh, liên kết các dự án như: khu đất số 132 Bến Vân Đồn (diện tích 7.886 m2), khu đất số 561 Kinh Dương Vương (diện tích 56.443 m2).

Tuy nhiên, tất cả các dự án chỉ định nhà đầu tư cho Công ty này đều không được thực hiện mà đang dừng hoặc đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác (dự án tại số 132 Bến Vân Đồn đã chuyển nhượng cho Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt; dự án tại số 561 Kinh Dương Vương đã chuyển chủ đầu tư từ ngày 25/11/2014 đến thời điểm kiểm toán chưa triển khai).

Ngoài ra, Vinafood 2 có 6/7 khu đất đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng trong 12 tháng liền kề, song chưa được UBND TP. HCM thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21.10.2008.

Cụ thể như khu đất tại số 270-277 Trần Văn Kiểu hợp khối với khu đất số 445 - 449 Gia Phú, phường 3, quận 6; số 561 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân; số 132 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4; số 400 Nguyễn Duy, phường 9, quận 8; số 1610 Võ Văn Kiệt (số cũ 406 Trần Văn Kiểu), phường 7, quận 6; số 1458 Hoài Thanh, phường 14, quận 8, TP. HCM.

Thêm vào đó, Vinafood 2 còn thoái toàn bộ vốn đã góp bằng giá trị tài sản trên đất và giá trị thương quyền thuê đất nhưng vẫn đứng tên hợp đồng thuê đất tại khu đất số 561 đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân; khu đất số 161 Trần Huy Liệu, phường 8, quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Quay lại với định hướng kinh doanh của Vinafood 2, theo một số chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp có quyền lựa chọn phương án kinh doanh mà doanh nghiệp cho rằng có lợi thế cạnh tranh và có thể đem lại lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp và cổ đông.

Do Vinafood 2 là doanh nghiệp cổ phần được chuyển đổi từ mô hình DNNN. Nền tảng xây dựng Vinafood 2 trên cơ sở ưu đãi và được đầu tư rất lớn từ phía nhà nước như: đất đai, cơ sở hạ tầng...

Tính tới thời điểm thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp này vẫn thua lỗ nặng, không có gì hấp dẫn nhà đầu tư ngoài những tiềm năng từ quỹ đất vàng khổng lồ, nằm tại các vị trí đắc địa, trải rộng khắp cả nước từ TP. HCM, Cần Thơ, Long An, Bến Tre...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem