TP.HCM: Đánh thuế đặc biệt, thu phí mới từ tháng 6.2018

Hồ Văn Thứ hai, ngày 11/12/2017 20:47 PM (GMT+7)
TP.HCM sẽ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào lĩnh vực không khuyến khích (rượu bia, thuốc lá,...), thuế môi trường (như xăng dầu…) và tăng phí, lệ phí cũng như thu phí và lệ phí chưa có trong danh mục hiện hành.
Bình luận 0

"Đến tháng 6.2018, phải cụ thể hóa các đề án của cơ chế đặc thù và triển khai thực hiện. Nổ lực làm việc, không còn đường nào khác, không thoái thác được…”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo như vậy tại cuộc làm việc chiều 11.12.

img

Chủ tịch Nguyễn Thanh Phong chỉ đạo tại buổi họp triển khai thí điểm cơ chế đặc thù của TP. Ảnh: Hồ Văn

Đừng để doanh nghiệp bỏ chạy

Theo ông Nguyễn Thành Phong, việc Quốc hội (QH) thông qua cơ chế đặc thù là vinh dự, cơ hội và cũng là trách nhiệm và thách thức. Vì vậy, nếu không đủ lực mà làm, TP không phát triển như mong muốn thì khó ăn nói với cả nước.

“Đến tháng 4.2018, TP phải cơ bản hoàn thành các đề án để báo cáo UBND TP, báo cáo Thành ủy xem xét và đến tháng 6 trình HĐND TP thông qua và triển khai ngay. Không còn thời gian nữa, không còn đường lùi nữa, vì chúng ta chỉ được thí điểm trong 5 năm, mà 3 năm là phải sơ kết rồi”, ông Phong nói.

Cũng theo ông Phong, trong 19 đầu việc  thì 10 đầu việc đơn giản, TP làm thường xuyên rồi phải triển khai nhanh. Riêng 9 nhóm đầu việc, trong đó liên quan đến ngân sách, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng phí lệ phí, thu mới phí và lệ phí… thì phải có nhóm nghiên cứu chuyên sâu, tổng thể để khi đưa ra triển khai không gặp rắc rồi, không gây hệ lụy xấu ngoài xã hội.

“Vì vậy, cần nghiên cứu sâu, nghiên cứu tổng thể trong đó chú ý đặc biệt đến tác động xã hội trên mọi vấn đề”, Chủ tịch Phong nói tiếp.

Theo đại diện của Cục thuế, những lĩnh vực không khyến khích như rượu bia, thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe thì đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là chuyện hợp lý. Tuy nhiên, thuế môi trường như xăng dầu, túi nilon…  ảnh hưởng đến sản xuất cần nghiên cứu kỹ.  Khi đặt ra vấn đề này thì thu thế nào, làm sao thu, để không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của các DN.

Còn theo ông Trần Du Lịch, cơ chế đặc thù thông qua mà nếu làm không được thì mang tiếng lắm. Như nhóm vấn đề về tính tự chủ ngân sách địa phương, cho cơ chế tăng thu và cơ chế chủ chi; thuế đặc biệt và môi trường thì tăng gì, có thể là rượu bia, thuốc lá, xăng dầu, dịch vụ ăn uống...

“Nhưng nếu đánh vào thuế nhập khẩu ô tô thì tôi e rằng các DN họ chuyển về các địa phương khác. Tôi nói vậy để thấy rằng, làm không dễ, cần tính toán hợp lý nếu không sẽ rơi vào tình thế tăng phí, thuế nhưng lại giảm nguồn thu”, ông Lịch nói.

img

Ông Trần Du Lịch phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồ Văn

Theo ông Trần Du Lịch, đặt ra cơ chế thu phí mới (không có  trong danh mục hiện hành - NV), hay tăng phí đã có trong danh mục cũng phải đánh giá tác động. Hai nhóm này khó nhất vì khi áp dụng chắc chắn sẽ có chuyện này, chuyện kia. Điều chỉnh thuế, tăng phí… chưa chắc tăng thu, giảm thuế chưa chắc giảm thu… vì vậy phải nghiên cứu, xem xét một cách tổng thể. “Nhìn cả rừng cây đừng nhìn từng cây”, ông Lịch nói.

Cũng theo ông Lịch, cơ chế tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức cần phải tinh giảm người, giảm bộ máy, nếu không sẽ không hiệu quả.

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Trần Hoàng Ngân, Phó giám đốc Học viện Đào tạo cán bộ TP.HCM cho hay, Quốc hội bấm nút thông qua vì thấy được thách thức của TP. Ví dụ kẹt xe, giao thông ùn tắc… cơ chế gì thì cũng phải giải quyết thách thức này.

“Hầu hết đại biểu Quốc hội bấm nút là họ mong chờ TP.HCM giải quyết nhiều bài toán như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện,… Chúng ta ban hành các mức thuế đặc biệt (thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt...), là để tăng nguồn thu, chủ động nguồn chi để giải quyết các thách thức này. Tôi tin TP sẽ làm được”, ông Ngân nói.

img

Ông Trần Hoàng Ngân nói tăng thuế, phí phải làm kỹ, tránh tăng phí nhưng giảm nguồn thu vì DN sẽ đi dời sang địa phương khác. Ảnh: Hồ Văn

Cũng theo ông Ngân, tăng nguồn thu bằng cơ chế đặc thù thì cần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh để thu hút đầu tư, để sử dụng hiệu quả nguồn lực của TP. Phải làm sao có tính khả thi… tránh việc tăng thuế, phí thì DN, nhà đầu tư chạy hết về các địa phương khác… khi đó tăng thu nhưng nguồn thu giảm.

9 nhóm vấn đề phải nghiên cứu sâu, rộng

Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết cơ chế đặc thù có 19 đầu việc. Trong đó, 10 đầu việc có thể triển khai ngay vì đơn giản và TP đã làm thường xuyên rồi, như: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa  từ 10ha trở lên;  Các dự án nhóm A sử dụng ngân sách nhà nước; Sắp xếp đổi mới DN nhà nước; Bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố, dự toán ngân bổ ngân sách; Rà soát tài sản công trên đất thuộc Trung ương trên địa bàn TP; Đề xuất ứng vốn thực hiện các dự án của TP mà ngân sách Trung ương rót;  Tỷ lệ điều tiết ngân sách TP để hoạt động… “Nếu Chủ tịch TP thuận thì sẽ giao các ngành làm ngay”, ông Hoan đề xuất.

img

Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu. Ảnh: Hồ Văn

9 nội dung còn lại phải tập trung nghiên cứu sâu và kỹ vì nó tác động lớn ngoài xã hội. Đó là: Kế hoạch sử dụng ngồn thu từ cổ phần hóa, mô hình quản lý và sử dụng nguồn thu; Phân cấp ủy quyền; Nghị quyết UBND TP được phép phân cấp; Thực hiện cải cách tiền lương;  Thực hiện thu các loại phí, lệ phí chưa có trong danh mục ban hành phí, lệ phí; Chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ…

“Phải tính lộ trình khi nào thu và thu phí nào, tên gọi, xác định đối tượng, tác động… phải nghiên cứu sâu. Mỗi một đầu việc, mời một số chuyên gia tham gia cùng nghiên cứu. Mỗi một đề tài có một nhóm nghiên cứu”, ông Hoan đề xuất.

Theo ông Hoan, quá trình làm 9 đề tài này có ba giai đoạn sẽ thông qua: Thứ nhất, xây dựng đề cương (Phó chủ tịch phụ trách một đến 2 đề tài). Thứ hai, thông qua các sản phẩm ban đầu. Cuối cùng, thông qua tập thể UBND TP khoảng tháng 3.2018, tháng 4 báo cáo Thành ủy, tháng 6 trình HĐND.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem