TP.HCM: 5 giải pháp để nhóm sản phẩm chủ lực thành thương hiệu mạnh

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 20/10/2018 13:25 PM (GMT+7)
Tại hội nghị công bố nhóm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực của TP.HCM, ngày 20.10, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố tin rằng đây là cơ hội để sản phẩm chủ lực của TP.HCM trở thành các thương hiệu mạnh trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Chương trình do UBND TP.HCM tổ chức để xác định thế mạnh, các nhóm sản phẩm cạnh tranh chủ lực, tập trung hỗ trợ phát triển làm động lực cho toàn ngành của thành phố giai đoạn 2018 - 2020.

img

Chủ tịch UBND TP.HCM (thứ 2 từ phải sang) tin rằng các sản phẩm chủ lực hôm nay sẽ trở thành các thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Ngyễn Thành Phong, đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức hội nghị về sản phẩm chủ lực. Chương trình đã khái quát bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp, nông nghiệp giúp thành phố và các sở ngành, doanh nghiệp biết được tình hình chung và thế mạnh của thành phố. Từ đó xác định vị trí của mình trong các sản phẩm chủ lực quốc gia.

“Đặc biệt, việc xác định nhóm sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp chủ lực càng có ý nghĩa hơn khi thành phố đang đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội; 30% thu ngân sách quốc gia; 16% sản lượng công nghiệp và 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước”, ông Phong nhấn mạnh.

Chủ tịch thành phố đánh giá cao các sản phẩm chủ lực được lựa chọn đại diện mang tính giá trị gia tăng, năng suất lao động cao; chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của thành phố.

img

Khách tham quan nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực ngành chế biến. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiện, sản phẩm chủ lực của ngành công nghiệp chiếm 54% giá trị toàn ngành công nghiệp. Sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp chiếm 61% giá trị toàn ngành nông nghiệp. Các sản phẩm chủ lực này có khả năng thay thế cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.

Với các nhóm sản phẩm chủ và nhóm sản phẩm tiềm năng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong xác định đây là cơ sở dữ liệu quan trọng của thành phố và cả nước để từ đó tập trung đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm nhằm xây dựng nên những thương hiệu mạnh.

Đây cũng là cơ sở khoa học để thành phố lập quy hoạch mới phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Để khai thác hiệu quả các nhóm sản phẩm đã được công nhận chủ lực, Chủ tịch UBND TP.HCM đưa ra 5 đề nghị:

img

Lãnh đạo TP.HCM tham quan các mặt hàng công nghiệp chủ lực của thành phố. Ảnh: Nguyên Vỹ

Sở Công thương, Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền hướng phát triển, sản xuất các phẩm chủ lực. Trong đó, gắn liền với mục tiêu "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt". Tiếp tục phát triển các sản phẩm tìm năng thành các sản phẩm chủ lực.

Xây dựng cơ sở dữ liệu kết nối sản phẩm chủ lực của thành phố với thị trường tiêu thụ của cả nước. Nghiên cứu bổ sung danh mục nhóm sản phẩm dịch vụ chủ lực ở 4 ngành: khách sạn nhà hàng, ăn uống, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử và giải trí.

Thành phố đề nghị Sở Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng chương trình đổi mối công nghệ cho 1,4% doanh nghiệp lớn của thành phố; gắn với các sản phẩm chủ lực và tận dụng cơ hội cách mạng 4.0 để tạo sự vượt trội về năng suất lao động.

img

Khách tham quan nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực ngành may mặc. Ảnh: Nguyên Vỹ

UBND các quận, huyện tổ chức thống kê doanh nghiệp, ngành hàng có thế mạnh trên cơ sở các sản phẩm chủ lực của địa phương, để hình thành chuỗi liên kết tập trung phát triển sản phẩm một cách hiệu quả.

Hiệp hội doanh nghiệp thành phố và các hội ngành nghề tăng cường kết nối với các doanh nghiệp từ sản xuất tới kinh doanh. Thành phố sẽ giới thiệu quảng bá các sản phẩm trong các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Cuối cùng, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kêu gọi các doanh nghiệp tích cực tham gia góp ý, hiến kế xây dựng phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố. Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm chủ lực cần ưu tiên liên kết nhằm khuyến khích, tạo đòn bẩy lôi kéo các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng nhau phát triển.

img

Nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực lĩnh vực trồng trọt. Ảnh: Nguyên Vỹ

Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất đảm bảo sự phát triển ổn định của doanh nghiệp. “Với sự quyết tâm từ lãnh đạo thành phố đến doanh nghiệp, tôi tin rằng các sản phẩm chủ lực hôm nay sẽ trở thành các thương hiệu mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Phong chia sẻ.

Ngành công nghiệp xác định 7 nhóm sản phẩm chủ lực và 1 nhóm sản phẩm tiềm năng; bao gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản phẩm thiết bị điện; sản phẩm từ nhựa, cao su; sản phẩm thực phẩm chế biến; sản phẩm đồ uống; sản phẩm điện tử - công nghệ thông tin; sản phẩm trang phục may sẵn. Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng: sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu.

Danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; gồm: nhóm sản phẩm cây trồng (rau và hoa, cây kiểng); nhóm sản phẩm chăn nuôi gồm bò sữa (con giống, sữa) và heo (con giống, thịt); nhóm sản phẩm thủy sản gồm tôm nước lợ. Cá cảnh được xác định là nhóm sản phẩm có tiềm năng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem