Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi nói về tận dụng lượng cát nhiễm mặn "khủng"

C.Xuân - T.Thanh Thứ sáu, ngày 12/04/2019 13:00 PM (GMT+7)
Trước một số ý kiến sự băn khoăn và lo lắng nếu không cẩn thận, việc tận dụng hàng chục triệu m3 nhiễm mặn nạo vét bị dư thừa của các dự án tại KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi để san lấp mặt bằng, đổ chứa trên bờ sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, cuộc sống của người dân, ông Võ Đức Huy, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Quyền Trưởng ban Kinh tế TƯ, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Kinh tế TƯ đã bày tỏ quan điểm về việc này.
Bình luận 0

Theo ông Võ Đức Huy, việc cho phép nhấn nhấn chìm vật chất xuống biển ở Quảng Ngãi đã từng diễn ra, đó là khi xây dựng NMLD Dung Quất và cảng nước sâu Dung Quất - KKT Dung Quất, nhưng khối lượng ít và trong thời gian dài. Tuy nhiên vừa qua theo báo cáo của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, hiện khá nhiều dự án đang rất cần được nạo vét trong thời gian sớm nhất, với khối lượng cát nhiễm mặn và vật chất khác dư thừa cần xử lý tính bằng con số hàng chục triệu m3 là rất lớn.

img

Theo Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, quá trình nạo vét tại các dự án ở KKT Dung Quất, một lượng cát nhiễm mặn dư thừa lên đến con số gần 12 triệu m3 đang cần xử lý.

Ông Võ Đức Huy, bày tỏ: Nếu chấp nhận cho nhấn chìm tất cả vật chất dư thừa trên xuống biển, sẽ đe dọa gây ảnh hưởng xấu cho môi trường biển, du lịch, nuôi trồng thủy sản...làm thiệt hại đến kinh tế, ảnh hưởng đời sống nhân dân vô cùng lớn, mà trực tiếp trước mắt là đời sống hàng chục vạn ngư dân ven biển của tỉnh nhà. Một nguy cơ nữa là hàng triệu mét khối cát, bùn được nhấn chìm sẽ lan tỏa rộng đến vùng biển Lý Sơn, gây ảnh hưởng môi trường biển của Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn – Sa Huỳnh. Còn mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức nào, cần phải có sự nghiên cứu đánh giá cụ thể thực tế mới nói và kết luận được.

"Tôi nói ngay phương án nhận chìm chỉ là một cách chọn lựa mang tính kinh tế nhiều hơn là xã hội, cộng đồng. Vì vậy quan điểm của tôi để giảm ô nhiễm, cách hiệu quả nhất là đưa vật chất nạo vét lên bờ. Còn đưa ở đâu, dùng vào việc gì cần có tính toán cụ thể. Rất hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần mạnh dạn, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi khi chủ động giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu hơn, thay thế cho việc nhận chìm vật chất từ quá trình nạo vét cảng Dung Quất. Không những vậy lãnh đạo tỉnh, mà trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ còn đi khảo sát hiện trường, làm việc với các cơ quan liên quan, lắng nghe ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, các cơ quan chức năng", ông Võ Đức Huy, cho biết

img

Ông Võ Đức Huy (ảnh), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Quyền Trưởng ban Ban Kinh tế TƯ, Bí thư Đảng ủy khối cơ quan Kinh tế TƯ

Thực ra theo ông Võ Đức Huy, việc đưa vật chất nạo vét lên bờ không có gì mới. Trước đây ở một số dự án cũng đã từng đưa một phần cát nạo vét cảng Dung Quất để san lấp xây dựng mặt bằng một số dự án trong KKT Dung Quất, rồi cảng Hào Hưng...mang lại hiệu quả rất tốt khi vừa giảm chi phí, vừa không gây tác xấu đến môi trường.

Ngay cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích việc này, bằng chứng rõ nhất là việc Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Nâng cấp và mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất” (Quyết định số 439, ngày 27.2.2019, tại điểm e, khoản 3, Điều 1), ghi rõ: Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết vật chất nạo vét phát sinh từ quá trình cải tạo, nâng cấp cảng xuất sản phẩm; chỉ thực hiện việc nhận chìm khi không có giải pháp khác.

Được biết quá trình nạo vét tại các dự án ở KKT Dung Quất, một lượng cát nhiễm mặn dư thừa lên đến con số gần 12 triệu m3 đang cần xử lý. Trong đó dự án cảng tổng hợp container (6 triệu m3), dự án cảng Hào Hưng (4 triệu m3), dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,67 triệu m3.

img

Hàng loạt khu vực trũng thấp, bị nhiễm mặn tại KKT Dung Quất là những nơi có thể tận dụng lượng cát nhiễm mặn nạo vét thừa để san lấp, chứa đổ

Theo tính toán thì số lượng cát nhiễm mặn và vật chất nạo vét của 3 dự án trên đủ để đổ trên bãi chứa rộng trên 100 ha, với chiều cao tương đương với tòa nhà 4-6 tầng. Và thực tế tại thời điểm này, không dễ có thể tìm 1 bãi chứa lớn tập trung như vậy để đổ lượng cát dư thừa trên.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 20.3.2019, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, đã có văn bản số (443/BQL-QLTNMT), do ông Nguyễn Minh Tài - Trưởng ban này ký, gửi Sở TN-MT tỉnh Quảng Ngãi, đồng ý và thống nhất trình chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, cho phép tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án có địa hình trũng sâu, nhiễm mặn tại KKT Dung Quất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem